Dịch khảm lá mì và sâu keo mùa thu trên cây bắp tuy xâm nhập và lây lan tại Việt Nam vào các thời điểm khác nhau nhưng đều là loài sâu hại mới và chưa có thuốc đặc trị.
Dịch khảm lá mì và sâu keo mùa thu trên cây bắp tuy xâm nhập và lây lan tại Việt Nam vào các thời điểm khác nhau nhưng đều là loài sâu hại mới và chưa có thuốc đặc trị. Hiện 2 loại dịch này đang lây lan nhanh, gây hại nặng cho nhiều vùng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khu vực phía Nam.
Tình hình diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá trên địa bàn Đồng Nai và một số địa phương có diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá nhiều nhất ở khu vực Nam bộ tính từ đầu năm 2019 đến nay. Ảnh: B. NGUYÊN – Đồ họa: HẢI QUÂN |
[links()]Theo cảnh báo của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khảm lá là một trong những dịch hại nguy hiểm đối với cây mì trên thế giới. Sâu keo mùa thu cũng có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực và cuộc sống của hàng triệu nông hộ nhỏ ở châu Á.
* Nông dân loay hoay ứng phó
Hạn chế lây lan dịch khảm lá mì, việc tiêu hủy diện tích mì bị nhiễm bệnh nặng được cho là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, do mức hỗ trợ cho 1 hécta mì bị tiêu hủy chỉ 2 triệu đồng, còn quá thấp so với lợi nhuận hàng chục triệu đồng/hécta mì khi thu hoạch nên hầu hết nông dân không đồng thuận. Cụ thể, diện tích mì nhiễm bệnh khảm lá vụ đông - xuân 2018-2019 và vụ hè - thu 2019 tại 8 tỉnh, thành phía Nam có trên 43,6 ngàn hécta; trong đó trên 8 ngàn hécta bị nhiễm bệnh nặng nhưng chỉ có 28,5 hécta diện tích mì nhiễm khảm lá nặng bị tiêu hủy. |
Chia sẻ về khó khăn trong đối phó với dịch khảm lá mì, ông Nguyễn Thanh Liễu, nông dân tại huyện Vĩnh Cửu cho rằng, nỗi lo lớn nhất của nông dân là trồng qua nhiều vụ mì, người trồng vẫn không biết chính xác nguyên nhân dịch lây lan vì những vùng đất mới chưa bị nhiễm mầm bệnh, tỷ lệ cây mì bị nhiễm bệnh vẫn cao.
Chọn giải pháp trồng giống mì kháng bệnh thì giống này hàm lượng bột ít nên giá bán thấp khiến đồng lời giảm. Ông Liễu chỉ ra: “Khó khăn nhất là đến nay việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch bệnh này không hiệu quả”.
Cùng nỗi lo, ông Đinh Kim Bình, Tổ trưởng Tổ hợp tác mì Tân Hiệp (xã Tân Hiệp, huyện Long Thành) bức xúc: “Dịch khảm lá mì đã xuất hiện 2 năm nay, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nhưng nông dân mãi loay hoay chưa tìm ra cách phòng trừ hiệu quả. Mong các nhà khoa học, cơ quan chức năng sớm nghiên cứu ra giống mì kháng bệnh, đặc biệt là đưa ra được loại thuốc đặc trị con bọ phấn trắng để nông dân không phải rơi vào cảnh đi tập huấn về rồi để đó vì không áp dụng được vào thực tế”.
Với dịch sâu keo mùa thu mới xâm nhập vào Việt Nam vài tháng nay, hiện trong nước chưa có những nghiên cứu cụ thể nào về loài sâu bệnh này trong khi các giống bắp đang trồng phổ biến đều bị sâu keo mùa thu gây hại. Theo đó, nông dân càng lúng túng trong xử lý khiến tốc độ lây lan của dịch rất nhanh.
Dịch sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B. Nguyên |
Ông Lý Quốc Sầu, nông dân trồng bắp tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Loài sâu này chỉ mới xuất hiện trong vụ bắp hè - thu năm nay. Sức cắn phá của nó khá mạnh, cây lớn, cây nhỏ đều bị nó tấn công. Sự lây lan của loài sâu này khá nhanh khiến nông dân chúng tôi rất lo lắng”.
* Còn lơ là trong phòng chống dịch
Năm 2018, huyện Xuân Lộc chỉ có 19 hécta bị dịch khảm lá mì nhưng đến vụ hè - thu năm 2019, diện tích mì bị bệnh tăng lên đột biến với 236 hécta, trở thành địa phương có diện tích dịch khảm lá mì lớn nhất Đồng Nai. Ông Tạ Khánh Sơn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết, khó khăn nhất trong công tác phòng chống dịch khảm lá mì là do nhận thức, sự cộng tác của người dân chưa cao.
“Những diện tích mì bị dịch khảm lá nặng, địa phương vận động người dân tiêu hủy nhưng đa số họ đều không đồng thuận. Lực lượng cán bộ, cộng tác viên nông nghiệp tại địa phương còn mỏng, việc nắm bắt và báo cáo về tình trạng dịch bệnh còn chậm cũng là nguyên nhân khiến dịch lan rộng” - ông Sơn dẫn chứng.
Về công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, ông Sơn cho biết, huyện đang tập trung cho công tác tuyên truyền để người dân nhận thức độ nguy hiểm của dịch bệnh này để chủ động phòng chống hiệu quả hơn. Huyện đã phân công trách nhiệm cụ thể đến từng xã, từng cán bộ nông nghiệp các cấp cơ sở có trách nhiệm thường xuyên thăm đồng, kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm soát đầu vào của giống mì, tiêu hủy nguồn giống có mầm bệnh...
Từ trước khi sâu keo mùa thu xâm nhiễm vào Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành nhiều văn bản trong kiểm tra, giám sát, ngăn chặn loài sâu này trên các giống cây trồng nhập khẩu, đặc biệt là từ các nước đã xuất hiện dịch bệnh này như: Trung Quốc, Lào, Campuchia... Ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân nhận biết về sự nguy hại và cách phòng trừ loài sâu mới này.
Dịch sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp tại huyện Cẩm Mỹ. |
Với dịch sâu keo mùa thu, do đây là vụ bắp đầu tiên nông dân Đồng Nai mới biết về loài sâu mới này nên còn lúng túng trong công tác phòng, chống dịch. Cách thức tuyên truyền, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn còn nặng tính giấy tờ khiến nông dân khó tiếp thu.
Ông Nguyễn Trung Thịnh, Trưởng trạm Kiểm dịch thực vật (trực thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai) nhận xét về những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng chống dịch sâu keo mùa thu: “Do đây là loài sâu hại mới lần đầu tiên xuất hiện, gây hại tại Việt Nam nên chưa có những nghiên cứu cụ thể ở trong nước; việc phòng chống chủ yếu tham khảo từ các tài liệu của nước ngoài. Trên đồng ruộng có nhiều trà bắp, nhiều lứa sâu và nông dân phòng trừ không đồng loạt nên sau khi phun thuốc thì con trưởng thành (con ngài) từ đồng ruộng khác bay đến tiếp tục đẻ trứng hoặc sâu tiếp tục nở, vì vậy diện tích cây trồng bị dịch bệnh không giảm nhiều. Khó khăn không nhỏ là các giống bắp hiện đang trồng phổ biến đều bị sâu keo mùa thu gây hại nặng”.
* Phải ngăn nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, diện tích trồng mì hiện nay tại các tỉnh phía Nam là khoảng 69,5 ngàn hécta. Tính đến đầu tháng 7-2019, có 8 tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá mì với diện tích gần 31,8 ngàn hécta, tăng trên 9,3 ngàn hécta so với cùng kỳ năm trước.
Tây Ninh là tỉnh đầu tiên bị dịch khảm lá mì xâm nhiễm và hiện gần 100% diện tích mì của tỉnh này là 30,2 ngàn hécta đã bị nhiễm dịch khảm lá. Diện tích bắp của các tỉnh phía Nam khoảng 29 ngàn hécta. Tính đến tháng 7-2019, dịch sâu keo mùa thu trên cây bắp đã xuất hiện tại 10 tỉnh, thành phía Nam với tổng diện tích trên 591 hécta.
Ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, dịch khảm lá mì lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống, cây giống mì bị bệnh. Nguyên nhân chính khiến diện tích mì nhiễm bệnh tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành là do nông dân sử dụng giống nhiễm bệnh; tái canh trên ruộng đã bị nhiễm bệnh từ vụ trước.
Diện tích bắp bị ảnh hưởng bởi dịch sâu keo mùa thu tại một số địa phương ở khu vực Nam bộ tính từ đầu năm 2019 đến nay. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa:Hải Quân) |
Ông Cường cho rằng: “Điều đáng báo động là công tác chỉ đạo phòng chống bệnh tại một số nơi còn chưa hiệu quả, nhất là việc kiểm soát nguồn bệnh trên đồng ruộng và giống nhiễm bệnh lưu thông trên thị trường. Trong thời gian tới, nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh thì dịch khảm lá mì sẽ lây lan ra khắp cả nước”.
Chỉ đạo tại hội nghị phòng chống chống dịch khảm lá trên cây mì và sâu keo mùa thu năm 2019 do Đồng Nai tổ chức, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Lê Văn Thiệt nhấn mạnh, thời gian qua, từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đến các địa phương đã đồng bộ vào cuộc nên công tác chống dịch khảm lá mì có nhiều nét mới như: tìm ra biện pháp là sử dụng giống chống chịu dịch; Đồng Nai đã có một số mô hình rất tốt trong quản lý giống mì sạch bệnh…
Ông Lê Văn Thiệt yêu cầu: “Các địa phương cần đánh giá rõ thực trạng, tác hại cũng như những hạn chế của việc phòng, chống dịch khảm lá mì và sâu keo mùa thu để từ đó đưa ra những giải pháp chỉ đạo kịp thời trong thời gian tới. Trong đó, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu keo mùa thu cần được khuyến khích sử dụng; với dịch khảm lá mì cần nhân rộng mô hình quản lý giống mì sạch bệnh”.
Bình Nguyên