Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 7, 14/12/2024, 01:40 En

Vụ trái cây hè: Khó "dò ý" thị trường

09:06, 03/06/2019

Mọi năm, thời điểm này trái cây hè đã bắt đầu rộ vụ, giá giảm mạnh. Nhưng hiện tại, giá các loại trái cây hè vẫn "đứng" ở mức cao. Do ảnh hưởng của thời tiết khiến vụ trái cây hè năm nay vừa trễ vụ hơn cả tháng, lại cho thu rải vụ so với mọi năm nên lúc này nhiều nhà vườn hầu như mới thu những đợt trái đầu tiên.

Mọi năm, thời điểm này trái cây hè đã bắt đầu rộ vụ, giá giảm mạnh. Nhưng hiện tại, giá các loại trái cây hè vẫn “đứng” ở mức cao. Do ảnh hưởng của thời tiết khiến vụ trái cây hè năm nay vừa trễ vụ hơn cả tháng, lại cho thu rải vụ so với mọi năm nên lúc này nhiều nhà vườn hầu như mới thu những đợt trái đầu tiên.

Chủ vựa trái cây tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây thu mua chôm chôm của nông dân Đồng Nai
Chủ vựa trái cây tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây thu mua chôm chôm của nông dân Đồng Nai

Dự kiến khoảng 1 tháng nữa thì chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... mới vào đợt thu hoạch chính. Nông dân lo lắng vì nếu trái cây rộ vụ trễ thì dễ “đụng” mùa mận, mùa vải... ở miền Bắc. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc lại không còn “rộng cửa” như trước.

* Đầu mùa khan hàng, trúng giá

Hiện thương lái đang đổ về các nhà vườn, trả giá cao và cạnh tranh nhau mua sầu riêng, chôm chôm, măng cụt. Tuy nhiên, nhiều thương lái không mua được đủ nguồn hàng do nhiều nhà vườn đang “đứt” hàng, sầu riêng, chôm chôm phải cả tháng nữa mới thu hoạch nhiều.

Bà Lê Thị Thỏa, thương lái thu mua trái cây tại huyện Thống Nhất nhận xét: “Năm nay trái cây trễ vụ, lại thu rải rác chứ không tập trung cùng thời điểm nên thương lái phải cạnh tranh nhau nhưng có ngày cũng chỉ thu được vài tạ sầu riêng, chôm chôm chứ không mua được hàng tấn như cùng kỳ năm ngoái. Phải cả tháng nữa các vườn mới thu hoạch rộ nên giá các loại trái cây hè đều đứng ở mức cao”.

Cụ thể, giá sầu riêng rụng bán tại vườn lên đến 70-75 ngàn đồng/kg, sầu riêng cắt già vẫn đứng ở mức cao trên 50 ngàn đồng/kg. Chôm chôm Java có giá từ 12-14 ngàn đồng/kg; chôm chôm nhãn, chôm chôm thái từ 22-28 ngàn đồng/kg; măng cụt bán ra được 60 ngàn đồng/kg. Mức giá này cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi so với mức giá cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Công Tiến, nông dân có vườn trái cây chôm chôm, sầu riêng, măng cụt tại xã Bàu Sen (TP.Long Khánh) cho biết: “Hiện nhiều nhà vườn chỉ mới cho trái đợt đầu và cả tháng nữa mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, trễ gần 2 tháng so với vụ trái cây hè năm ngoái. Do ảnh hưởng của thời tiết mưa trái mùa nên cây trồng ra hoa nhiều đợt, cho thu hoạch cũng rải vụ so với mọi năm. Vì nguồn cung kém dồi dào nên giá trái cây ổn định ở mức khá cao”.

Ông Hồ Đức Tân, đại diện Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) cho hay: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, tỷ lệ trái cây tươi về nhiều hơn, chiếm tỷ lệ lớn vẫn là các loại trái cây của Đồng Nai. Kênh tiêu thụ chính vẫn là thị trường trong nước. Do nguồn cung chưa tăng mạnh nên giá trái cây vẫn giữ ổn định ở mức khá cao”.

* Lo đầu ra khi rộ vụ

Tuy nhiên, không ít nhà vườn tiếc nuối vì không có hàng bán khi thị trường đang ở mức giá tốt. Trong khi dự báo thị trường đầu ra, nhất là thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc không còn “ăn” hàng mạnh như mọi năm nên nỗi e ngại trái cây rộ vụ, rớt giá là điều khó tránh khỏi.

Bà An Tú Anh, Giám đốc Hợp tác xã rau Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) khảo sát vườn rau của các thành viên
Bà An Tú Anh, Giám đốc Hợp tác xã rau Tân Yên (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) khảo sát vườn rau của các thành viên

Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh) lo lắng về việc vào vụ trễ nên nhiều nhà vườn mới thu được một ít trái bói so với mùa vụ năm ngoái. Đa số vẫn phải chờ đợt thu chính trong khoảng hơn 1 tháng tới. Hiện nay, tuy có siêu thị đặt hàng trái cây với hợp tác xã nhưng chỉ được vài tạ/ngày, sản lượng này quá ít nên rất khó nhận đơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Hà Nội cũng chưa đặt hàng nhiều, đơn hàng xuất khẩu hầu như chưa có. “Các nhà vườn vẫn chưa thực hiện đăng ký mã số vườn trồng để truy xuất nguồn gốc nông sản nên cũng chưa đủ điều kiện tham gia kênh xuất khẩu. Đầu ra của trái cây hè vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và chủ yếu là tiêu thụ nội địa nên rủi ro rộ vụ, rớt giá là rất lớn” - ông Tâm nói.

Cùng quan điểm, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) cũng là thương lái thu mua trái cây cung cấp các đơn hàng xuất khẩu đi Trung Quốc dẫn chứng những khó khăn của thị trường này: “Từ đầu vụ đến nay, nhiều thương lái “đóng” hàng đi Trung Quốc bị chặn lại ở cửa khẩu không xuất được, buộc phải chở về bán lẻ tại các tỉnh miền Bắc, thậm chí chở ngược về Long Khánh tiêu thụ. Nguyên nhân là do mặt hàng sầu riêng chưa đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch, vẫn xuất “chui” theo đường tiểu ngạch nên nhiều xe hàng đến cửa khẩu bị chặn lại, không qua được”.

Cũng theo bà Nga, điều đáng lo ngại cho các mặt hàng trái cây xuất khẩu khác như: mít, chôm chôm, xoài... không chỉ các thị trường khó tính mà muốn xuất đi Trung Quốc cũng phải thực hiện đăng ký mã truy xuất nguồn gốc nông sản. Nhưng đa số nông dân hiện vẫn lơ là, chưa quan tâm với quan niệm thương lái mua chưa ai yêu cầu.

Tuy có doanh nghiệp muốn ký hợp đồng bao tiêu chôm chôm, sầu riêng xuất khẩu với Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định, nhưng đơn vị này cũng không dám ký vì các nhà vườn chưa đáp ứng yêu cầu này. Bỏ qua những đơn hàng lớn, ổn định thì đầu ra cho trái cây hè vẫn còn nhiều bấp bênh vẫn là bài toán còn bỏ ngỏ.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều