Đồng Nai là nơi tập trung hơn 50 dự án lớn (có vốn trên 300 tỷ đồng/dự án) của quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, của tỉnh. Những dự án này nếu triển khai nhanh sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển KT-XH...
Đồng Nai là nơi tập trung hơn 50 dự án lớn (có vốn trên 300 tỷ đồng/dự án) của quốc gia, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh. Những dự án này nếu triển khai nhanh sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trong đó, nhiều dự án do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư, thủ tục nên tiến độ kéo dài thêm 2-7 năm.
Để làm đường ven sông Cái (TP.Biên Hòa) phải có 1.900 tỷ đồng. Trong ảnh: Một góc khu vực ven sông Cái nối với sông Đồng Nai thuộc địa bàn 2 phường Thống Nhất, Quyết Thắng. Ảnh: Hương Giang |
[links()]Theo UBND tỉnh, Đồng Nai có nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng đang triển khai bị chậm lại từ 2-5 năm, vì phải chờ giải quyết những vướng mắc. Dự án kéo dài sẽ khiến vốn đầu tư bị đẩy lên khá cao. Bên cạnh đó, có những dự án vì thiếu vốn đã kéo dài 5-7 năm chưa triển khai được.
* Lo nhiều dự án lớn bị chậm
Trên địa bàn tỉnh đang triển khai hàng loạt những dự án lớn mang tầm quốc gia, vùng như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Bến Lức - Long Thành... Các dự án đều phải lùi tiến độ khởi công từ 2-4 năm. Bên cạnh đó, có những dự án đã khởi công nhưng vướng vào bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài thêm 2-5 năm. Một số chủ đầu tư cho biết, quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng cho dự án lớn bình quân khoảng 5 năm.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến khởi công vào năm 2018, nhưng sau đó dời đến năm 2020. Đồng Nai đang gặp khó khăn trong việc tính toán giá bồi thường cho người dân, đơn vị có cây trồng trên đất.
Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Nguyễn Đồng Thanh cho biết: “Đồng Nai đang đo đạc, kiểm đếm tài sản và vật kiến trúc trên đất, chỉnh lý bản đồ địa chính do có sai lệch giữa bản đồ và thực tế. Công tác áp giá bồi thường với cây cao su giữa công ty và hộ gia đình có sự khác biệt nên phía doanh nghiệp đề nghị tính toán lại giá bồi thường cũng khiến tỉnh gặp khó khăn”. Do đó, Đồng Nai cần Chính phủ có cơ chế đặc thù giao cho những đơn vị chức năng triển khai công tác đo đạc, chỉnh lý bản đồ và định giá đất, bỏ kế hoạch lựa chọn nhà thầu và tổ chức đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Để làm đường ven sông Cái (TP.Biên Hòa) phải có 1.900 tỷ đồng. Trong ảnh: Một góc khu vực ven sông Cái nối với sông Đồng Nai thuộc địa bàn 2 phường Thống Nhất, Quyết Thắng. Ảnh: Hương Giang |
Tại nhiều dự án giao thông quan trọng khác, Đồng Nai đang gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chủ yếu là vì người dân cho rằng giá bồi thường đất khi thu hồi còn thấp hơn nhiều so với giá giao dịch ngoài thị trường. Cụ thể, đường vào Cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch) bị kéo dài thêm hơn 2 năm mới thi công được do có gần 10 hộ không chịu nhận tiền bồi thường và giao đất cho chủ đầu tư. Tương tự, dự án nút giao thông Dầu Giây (thuộc dự án Khôi phục, cải tạo quốc lộ 20), vướng công tác thu hồi đất nên dự án bị chậm lại so với kế hoạch gần 2 năm. Dự án đường ven sông Cái, ven sông Đồng Nai hơn 7 năm chưa thực hiện được vì thiếu vốn...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Nhiều dự án trên địa bàn tỉnh triển khai chậm là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc. Có những dự án, công tác bồi thường kéo dài 3-5 năm”. Đặc biệt là 2 năm trở lại đây, đất đai của Đồng Nai lên cơn “sốt” nên việc thu hồi đất cho các dự án càng khó khăn hơn, do nhiều người dân đòi hỏi giá đất bồi thường gần bằng giá thị trường. Nhưng giá đất ngoài thị trường đôi khi bị đẩy cao ngất ngưởng, hình thành giá “ảo”.
* Thiếu vốn cho dự án lớn
Đồng Nai hiện có nhiều dự án lớn nếu được thực hiện sẽ giúp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn. Nhưng vì thiếu vốn, nhiều dự án lớn của tỉnh đành phải nằm chờ. Đơn cử như dự án đường ven sông Cái, đường ven sông Đồng Nai, đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp, đường trung tâm TP.Biên Hòa, cầu nối phường Thống Nhất với cù lao Hiệp Hòa, đường nối cầu Bửu Hòa - quốc lộ 1K, hương lộ 10, hương lộ 2, đường 769...
Trước đây, những dự án trên tỉnh dự tính làm theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) là nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng tuyến đường, tỉnh sẽ trả bằng đất. Thế nhưng, Chính phủ đã cho ngưng tất cả dự án BT hơn 1 năm nay trên cả nước nên các dự án giao thông lớn của tỉnh rơi vào tình trạng thiếu vốn để làm. Để thực hiện được các dự án trên, tỉnh chuyển qua đầu tư công, song nguồn vốn ngân sách có hạn nên nhiều dự án chưa biết khi nào mới hoàn thành.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Dự án đường ven sông Cái, ven sông Đồng Nai, đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp quy hoạch gần 10 năm nay chưa làm được. Các dự án BT đã ngưng, tỉnh phải tìm nguồn vốn khác để xây dựng để giúp cho TP.Biên Hòa cũng như tỉnh phát triển. Ưu tiên vốn đấu giá đất công để lấy tiền làm các tuyến đường quan trọng”. Thế nhưng, dù có đấu giá nhiều khu đất “vàng”, nguồn vốn có được cũng không đáp ứng đủ cho các dự án. Năm 2019, tỉnh dự kiến sẽ đấu giá đất khoảng 4 ngàn tỷ đồng, số tiền trên chỉ đủ cho 2-3 dự án lớn. Cụ thể, dự án đường ven sông Cái cần vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng, đường ven sông Đồng Nai gần 2 ngàn tỷ đồng, hương lộ 2 khoảng 1.150 tỷ đồng, đường kết nối Cảng Phước An hơn 1 ngàn tỷ đồng, hương lộ 10 trên 1.220 tỷ đồng, đường 769 và đường tỉnh Bắc Sơn - Long Thành hơn 4 ngàn tỷ đồng...
Số vốn đầu tư dự kiến của một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, rất nhiều dự án giao thông lớn của tỉnh đang thiếu vốn để triển khai. Nếu chỉ trông đợi vào vốn đầu tư công sẽ không đủ để thực hiện.
Năm 2019, nguồn vốn cân đối ngân sách của địa phương hơn 6,9 ngàn tỷ đồng, trong đó phải bố trí cho nhiều công trình trên các lĩnh vực chứ không riêng hạ tầng giao thông. Trong đó, để triển khai hơn 40 dự án quan trọng của tỉnh cần nguồn vốn trên 20 ngàn tỷ đồng.
* Vướng về thủ tục
Tại Đồng Nai, nhiều dự án đang thực hiện gặp khó khăn về thủ tục liên quan đến luật, nghị định, thông tư nên cũng bị ách lại chờ Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn. Cụ thể là vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản nên dự án chậm triển khai.
Ở dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, việc lập chi tiết của đề án Đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định đời sống người dân thì việc lập dự toán chi tiết của đề án có thực hiện thẩm định và thẩm định phê duyệt hay không? Trường hợp phải thẩm định phê duyệt dự toán thì thuộc trách nhiệm của đơn vị nào và dựa vào quy định gì để làm?
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án lớn đang triển khai và gặp khó khăn về hồ sơ liên quan đến những quy định của Trung ương chưa đầy đủ, rõ ràng nên khó triển khai. Đồng Nai đã tổng hợp những khó khăn trong thực hiện các dự án lớn liên quan đến các chính sách, thủ tục của Trung ương để kiến nghị Bộ Kế hoạch - đầu tư tháo gỡ.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chuyển nhượng vốn, cổ phần, dự án, song những vướng mắc về thủ tục trong chuyển nhượng vì luật, nghị định chưa quy định hoặc quy định không rõ nên không thể giải quyết. Việc này cũng làm ảnh hưởng đến việc cấp phép đầu tư, tiến độ đầu tư của nhiều dự án lớn.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư đã tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư được hoãn nghĩa vụ ký quỹ tương ứng với số tiền giải phóng mặt bằng, tái định cư đã tạm ứng. Vậy thời gian được hoãn ký quỹ là bao lâu?... Những vướng mắc về thủ tục được tháo gỡ sớm sẽ giúp các dự án rút ngắn thời gian thực hiện.
Hương Giang