Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi sẽ làm mất hiệu quả các công trình thoát nước đô thị. Trong khi đó, số tiền đầu tư cho các công trình thoát nước chống ngập cho TP.Biên Hòa lên đến vài trăm tỷ đồng.
Rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi sẽ làm mất hiệu quả các công trình thoát nước đô thị. Trong khi đó, số tiền đầu tư cho các công trình thoát nước chống ngập cho TP.Biên Hòa lên đến vài trăm tỷ đồng. Dù đầu tư khá tốn kém nhưng các công trình lại bị “đe dọa” bởi rác thải, không phát huy được công năng.
Người dân bỏ rác sinh hoạt ngay tại miệng cống thu nước trên đường Nguyễn Ái Quốc thuộc phường Tân Biên. Ảnh: V.Nam |
[links()]Cộng đồng trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn bảo vệ các công trình thoát nước sẽ giúp các dự án phát huy hiệu quả cao và không bị lãng phí tiền đầu tư.
* Xả rác bừa bãi
Tổng kinh phí các dự án chống ngập cho TP.Biên Hòa trong 3 năm qua là hơn 430 tỷ đồng. Nguồn vốn cho các dự án được đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh và TP.Biên Hòa. Một số dự án có vốn lớn như: dự án nạo vét suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan là 157 tỷ đồng; dự án thoát nước ngã năm Biên Hùng có tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng; dự án xử lý ngập khu cực cầu Đen, phường Long Bình Tân 62 tỷ đồng. |
Người dân sinh sống ven quốc lộ 1 ở phường Tân Hòa, Tân Biên (TP.Biên Hòa) cách đây 3 năm từng rất vui mừng khi được đầu tư hệ thống cống thoát nước khá lớn và tình trạng ngập nặng đã cơ bản được giải quyết.
Thời gian đầu khi công trình đi vào sử dụng thì nước thoát khá tốt, nhưng càng về sau thì hiệu quả công trình lại giảm.
Ông Nguyễn Minh Hậu, người dân ở KP.9, phường Tân Biên chia sẻ: “Theo tôi, lý do là rác trên đường khá nhiều, khi mưa rác trôi đến và bịt kín miệng cống, một số gia đình có ý thức gỡ rác thì nước thoát được, còn không thì nước rút rất chậm và dần dần gây ngập ứ”.
Thực tế, trên quốc lộ 1 đoạn qua 2 phường này, ngoài rác sinh hoạt của một số hộ dân sinh sống còn có rác của người qua lại xả ra, nhiều nhất là bịch ny-lông.
Bà Nguyễn Thị Thịnh ở gần khu vực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (phường Tân Biên) cho hay, khu vực bệnh viện có thùng rác nhưng nhiều người vẫn có thói quen “tiện đâu bỏ đó”. Bà Thìn cũng cho rằng, đối với người dân địa phương còn có thể nhắc nhở việc không xả rác bừa bãi được, riêng người ở nơi khác đến thì việc nhắc nhở rất khó.
Theo khảo sát của Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, hiện có 3 điểm ngập đang bị rác làm tắc thường xuyên khiến thoát nước chậm là đoạn quốc lộ 1 đi qua phường Tân Biên từ ngã ba giao với đường Hoàng Văn Bổn tới khu vực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất; đoạn gần Công viên 30-4 và đoạn đường Đồng Khởi phía trước Cục Thống kê Đồng Nai.
* Phải cộng đồng trách nhiệm
Ông Doãn Văn Đồng, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho hay nếu người dân thành phố cùng cộng đồng trách nhiệm trong việc giữ gìn vệ sinh thì các điểm ngập đã được đầu tư hệ thống thoát nước hoàn toàn không bị tái ngập. Ông Đồng cũng cho biết thêm, nhân viên của Phòng Quản lý đô thị thường xuyên kiểm tra lúc mưa lớn tại các điểm ngập để theo dõi đánh giá công trình, nhiều nơi rác bít miệng cống nước không thoát kịp, việc này rất cần người dân chung tay.
Rác lấp kín miệng cống thu nước trên quốc lộ 1 đoạn gần Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Ảnh: V.Nam |
Chung quan điểm này, ông Mai Phong Phú, Phó trưởng phòng Thoát nước Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho rằng, các công trình thoát nước đạt hiệu quả cao cần có sự góp sức của người dân.
Ông Phú trăn trở: “Có những công trình đầu tư cả trăm tỷ đồng, số tiền rất lớn để chống ngập, nếu tình trạng rác thải vứt bừa bãi sẽ làm ảnh hưởng hệ thống thu nước và dự án không hiệu quả”. Cũng theo ông Phú, ngoài việc kiểm soát rác trên miệng hố ga thì công tác nạo vét mương, cống thoát nước hằng năm rất quan trọng. Qua mỗi mùa mưa, lượng đất cát trên đường trôi xuống cống và bồi lắng trong đó rất nhiều, việc này cần phải nạo vét ngay trong mùa khô, không nên để đầy rồi mới tiến hành nạo vét.
Vân Nam