Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) tỉnh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết dự án Lifsap vá các khoản vay bổ sung.
Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Ban Quản lý dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) tỉnh vừa tổ chức Hội nghị tổng kết dự án Lifsap giai đoạn 2010-2015 và khoản vay bổ sung giai đoạn 2016-2018.
Công nhân tiến hành thủ tục quét mã vạch truy xuất nguồn gốc cho heo tại lò giết mổ Lifsap của Công ty TNHH Thy Thọ (TP.Long Khánh). Ảnh: H.Quân |
Dự án Lifsap được Ngân hàng Thế giới tài trợ một phần kinh phí, cộng thêm nguồn vốn đối ứng của Chính phủ cũng như nguồn vốn đóng góp của tư nhân, được triển khai thực hiện tại 12 tỉnh, thành trong cả nước. Tại Đồng Nai, dự án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2010-2015 và giai đoạn 2 sử dụng khoản vay bổ sung kéo dài từ năm 2016-2018. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh là hơn 10 triệu USD.
* Tạo nền cho chăn nuôi an toàn
Theo Ban Quản lý dự án Lifsap tỉnh, sau 9 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã thiết lập 3 vùng thực hành chăn nuôi an toàn (GAHP), xây dựng được 1 hợp tác xã và 67 tổ hợp tác (GAHP) với tổng số thành viên tham gia đạt 891 hộ. Trong số này, có 49 tổ hợp tác với 654 hộ đã được dự án hỗ trợ đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP...
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Giám đốc Ban Quản lý dự án Lifsap tỉnh cho biết, để phục vụ hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, dự án đã triển khai bấm thẻ tai cho đàn heo các hộ chăn nuôi theo quy trình GAHP với tổng đàn gần 40 ngàn con.
Biểu đồ thể hiện kết quả nâng cấp cơ sở giết mổ của dự án Lifsap ở Đồng Nai trong giai đoạn 2011-2018. Nguồn: Ban Quản lý dự án Lifsap tỉnh - Đồ họa: Hải Quân |
Đến nay, dự án hỗ trợ xây dựng được 2 chuỗi kết nối sản phẩm heo an toàn để cung cấp vào hệ thống siêu thị BigC và MM Mega Market; hỗ trợ kinh phí xây dựng cho 33 cơ sở giết mổ đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm... Đồng thời, dự án cũng đầu tư hỗ trợ nâng cấp 41 chợ thực phẩm tươi sống trên địa bàn tỉnh.
Ông Tạ Duy Thăng, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi GAHP 1, xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc) chia sẻ, từ năm 2017 được sự hỗ trợ của Ban Quản lý dự án Lifsap tỉnh, tổ hợp tác đã tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo vào TP.Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng tổ hợp tác xuất ra thị trường 150-200 con heo đạt chuẩn VietGAHP nông hộ. Lượng heo này bán ra với giá ổn định cho các hệ thống MM Mega Market.
Ông Tôn Thất Sơn Phong, Phó trưởng ban Quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn) cho biết kể từ khi triển khai đến nay, dự án Lifsap được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao về những tác động tích cực đến ngành chăn nuôi.
Tại Đồng Nai, dự án đã cơ bản giảm được số hộ chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ, tự phát, dần xây dựng được chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín để có thị trường, giá cả đầu ra ổn định. Hoạt động của Lifsap gắn với chương trình nông thôn mới của địa phương trong những năm qua. Đồng Nai là địa phương triển khai tốt dự án này, là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức tổng kết những kết quả mà dự án Lifsap mang lại. Đây là kinh nghiệm tốt để Đồng Nai chủ động phát triển tiếp các mô hình chăn nuôi an toàn, chuỗi quy trình hệ thống sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn trong thời gian tới.
* Hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, dự án Lifsap đã hoàn thành, được xem như “chất xúc tác” góp phần thúc đẩy quá trình thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, hướng tới đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Nguyễn Quang Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Thy Thọ (doanh nghiệp đầu tư lò mổ Lifsap tại TP.Long Khánh) cho biết, qua hơn 7 năm tham gia dự án Lifsap đã tạo ra những thay đổi về quy trình giết mổ chặt chẽ, chú trọng truy xuất nguồn gốc từ khâu đầu vào đến các trình tự giết mổ theo hướng hiện đại đến việc đảm bảo vệ sinh khi vận chuyển sản phẩm giết mổ. Do đó, khi dự án hoàn thành, công ty vẫn sẽ duy trì quy trình này để nâng cao hiệu quả giết mổ, ổn định và phát triển thị trường tiêu thụ...
Trước tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, cũng như để hướng tới phát triển bền vững, xây dựng quy trình sản xuất khép kín, an toàn, truy xuất nguồn gốc rõ ràng trong chăn nuôi, thì việc tiếp tục xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng được chú trọng.
Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu) cho biết công ty sẽ tiếp tục vận hành, nâng cao hệ thống chăn nuôi trang trại theo hướng hiện đại, công nghệ giết mổ đạt tiêu chuẩn dựa trên những nền tảng mà dự án đã hỗ trợ đầu tư, phát triển cho công ty.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu sau khi dự án Lifsap hoàn thành, các sở, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hướng tới phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; triển khai kế hoạch, lộ trình sắp xếp quản lý giết mổ động vật theo quy hoạch đã phê duyệt, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi, hướng tới xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh đề nghị các địa phương cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động tại các chợ, thực hiện đầy đủ các cam kết để bảo đảm vệ sinh toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Hải Quân