Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạn chế tái đàn trong cao điểm dịch tả heo châu Phi

09:06, 07/06/2019

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, do chưa có vaccine phòng dịch tả heo châu Phi nên chưa biết đến bao giờ mới hết dịch. Vì vậy, trước mắt vẫn phải "sống chung với dịch"...

Ngày 6-6, làm việc về công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi (ASF) tại Đồng Nai, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá cao tinh thần quyết liệt và sự đồng bộ của chính quyền Đồng Nai trong công tác phòng, chống dịch; xử lý các ổ dịch bài bản; hỗ trợ kịp thời cho hộ chăn nuôi.

Tiêu hủy heo dịch tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên
Tiêu hủy heo dịch tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đề nghị Đồng Nai giám sát chặt chẽ các trại chăn nuôi lớn. Do chưa có vaccine phòng nên vẫn phải “sống chung với dịch” và chưa biết đến bao giờ mới hết nên tỉnh cần nghiên cứu đến phương án chuyển đổi một bộ phận chăn nuôi heo sang loại hình khác. 

* Công an vào cuộc

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp bệnh dịch tả heo châu Phi Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 33 hộ chăn nuôi thuộc 13 xã của 4 huyện gồm: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch xảy ra dịch; đã tổ chức tiêu hủy trên 7,3 ngàn con. Đến nay, có 3 xã là Đồi 61 (huyện Trảng Bom); Phước Thiền và Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) đã công bố hết dịch.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh: “Thời gian tới, Đồng Nai sẽ cố gắng động viên và có các biện pháp để hạn chế việc tái đàn heo; đặc biệt với những hộ, trại nuôi xảy ra dịch ngay cả khi đã công bố hết dịch sau 30 ngày thì vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt công tác khử trùng, tiêu độc và chỉ khi kiểm tra không còn mầm bệnh mới cho thả lứa heo mới”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển Nông thôn Huỳnh Thành Vinh cho biết, về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại các chốt kiểm dịch trong hơn 2 tháng xảy ra dịch ASF trên địa bàn tỉnh: đã phạt hành chính 3,5 triệu đồng trường hợp 1 xe chở heo vận chuyển 50 con heo giống từ Lâm Đồng đến huyện Xuân Lộc có hành vi tự ý tháo dỡ niêm phong phương tiện vận chuyển; phạt 2,5 triệu đồng 1 trường hợp có hành vi vận chuyển heo thịt trốn tránh chốt kiểm dịch; phát hiện và tiêu hủy 120kg thịt heo không qua kiểm dịch dương tính với dịch ASF. Số vụ vi phạm bị phát hiện còn ít so với thực tế và mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Theo phản ảnh của các địa phương xảy ra dịch tại Đồng Nai, những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch ASF là khó phát hiện, xử lý tình trạng chở heo chết tiêu thụ giữa các địa phương, trong đó có heo từ vùng dịch đưa ra.

Bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom nhận xét, công tác phòng, chống dịch ASF gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân thiếu hợp tác từ các hộ chăn nuôi có heo bệnh. Tại địa phương đã có trường hợp hộ chăn nuôi đem nấu heo chết làm thức ăn cho cá chứ không báo lên chính quyền. “Khi phát hiện trường hợp vận chuyển heo chết, heo dịch, cơ quan chức năng của huyện xuống lấy thông tin, truy xuất nguồn gốc để tìm nơi phát sinh ổ dịch thì người dân không hợp tác, không khai báo. Để chống dịch hiệu quả, lực lượng công an cần vào cuộc xác minh nguồn gốc heo, thức ăn, vận chuyển thì mới hạn chế được dịch lây lan” - bà Lan nói.

Trước những kiến nghị trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã yêu cầu lực lượng Công an tỉnh tập trung điều tra, hình sự hóa trong xử lý các vi phạm vận chuyển, kinh doanh, giết mổ heo chết, heo bệnh để răn đe, giáo dục. Các địa phương cũng phải tăng cường hơn trong việc kiểm soát nguồn heo ra vào, nhất là ở các vùng dịch; đặc biệt kiểm soát không để tình trạng các cơ sở chăn nuôi tiếp tục sử dụng thức ăn thừa hiện đang là nguyên nhân lớn gây lây lan dịch tả heo châu Phi.

* Giảm hỗ trợ

Vấn đề được các địa phương góp ý nhiều tại buổi làm việc là về mức hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do dịch ASF. Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu ông Nguyễn Quang Phương cho hay: “Đến nay, huyện đã tiêu hủy trên 6 ngàn con heo dịch. Hiện giá heo tại địa phương không quá 25 ngàn đồng/kg, thấp hơn mức giá hỗ trợ của Đồng Nai cho heo dịch bị tiêu hủy. Điều này rất nguy hiểm vì người chăn nuôi bỏ heo không chăm sóc, lơ là trong công tác phòng dịch vì heo bị bệnh được hỗ trợ có lợi hơn”.

Địa phương tập trung công tác tiêu trùng, khử độc tại các ổ dịch. Ảnh chụp tại 1 ổ dịch tả heo châu Phi ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu)
Địa phương tập trung công tác tiêu trùng, khử độc tại các ổ dịch. Ảnh chụp tại 1 ổ dịch tả heo châu Phi ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu)

Để điều chỉnh cho phù hợp hơn với giá heo hơi trên thị trường đã giảm mạnh sau khi dịch ASF xuất hiện, UBND tỉnh đã ban hành quyết định mới về mức giá hỗ trợ đối với người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy giảm khoảng 30% so với chính sách hỗ trợ trước đó. Cụ thể: đối với heo con theo mẹ hỗ trợ 216 ngàn đồng/con; đối với heo con cai sữa đến dưới 2 tháng tuổi (trọng lượng từ 8-20kg) hỗ trợ 375 ngàn đồng/con; đối với heo thịt từ 2-4 tháng tuổi (trong lượng từ 20-60kg) hỗ trợ 1.440.000 đồng/con; đối với heo thịt, heo giống hậu bị từ trên 4 tháng tuổi (trọng lượng trên 60kg/con) hỗ trợ 2.160.000 đồng/con; đối với heo nái, heo được giống đang khai thác hỗ trợ 3.240.000 đồng/con.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng đồng tình với chủ trương của Đồng Nai trong việc điều chỉnh lại mức hỗ trợ cho người chăn nuôi bị dịch. Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn cũng đã có văn bản gửi lên Chính phủ kiến nghị điều chỉnh linh hoạt mức hỗ trợ cho người chăn nuôi cho phù hợp hơn với thực tế thị trường heo hơi hiện nay.  

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hạnh, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), hiện Phòng Cảnh sát môi trường đã chuyển hồ sơ cho Phòng Cảnh sát kinh tế là đơn vị có chức năng tiếp tục xác minh, xem xét khởi tố hình sự về 2 vụ việc tại huyện Trảng Bom. Cụ thể, vụ bắt quả tang cơ sở giết mổ gần 1,5 tấn heo chết, trong đó qua xác minh có 82kg heo nhiễm ASF tại xã Bình Minh. Riêng vụ Công ty TNHH một thành viên thực phẩm Linh Trang (ấp Tân Bình, xã Bình Minh) bị phát hiện 4 tấn thịt heo nghi nhiễm ASF, do cơ sở này tự gửi mẫu đi kiểm tra ASF và số thịt này không được chứa tại nơi đăng ký địa chỉ công ty mà chứa ở nhà kế bên (là nơi ở của mẹ chủ doanh nghiệp) nên cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Lê Quyên

Tin xem nhiều