Báo Đồng Nai điện tử
En

"Gỡ khó" 2 cụm công nghiệp chế biến nông sản

09:06, 16/06/2019

Lần đầu tiên, Đồng Nai đã quyết định chọn 2 cụm công nghiệp: Phú Túc (huyện Định Quán) và Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) để thí điểm đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản...

Lần đầu tiên, Đồng Nai đã quyết định chọn 2 cụm công nghiệp: Phú Túc (huyện Định Quán) và Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) để thí điểm đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản. Mục tiêu là sẽ có dự án hoạt động vào cuối năm nay.

Công nhân đang sơ chế ca cao tại một công ty chế biến nông sản ở huyện Định Quán. Ảnh: H.Hải
Công nhân đang sơ chế ca cao tại một công ty chế biến nông sản ở huyện Định Quán. Ảnh: H.Hải

Đầu tư 2 cụm công nghiệp này nhằm hướng đến nhân rộng mô hình để thực hiện chủ trương phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, giải quyết việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, bền vững trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay công tác giải phóng mặt bằng, kêu gọi đầu tư vào các cụm công nghiệp này đang gặp khó khăn.

* Khẩn trương giải phóng mặt bằng

Theo quy hoạch, Cụm công nghiệp Long Giao có diện tích 57,3 hécta, toàn bộ diện tích này hiện do Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý. UBND huyện Cẩm Mỹ kiến nghị được tạm ứng 35 tỷ đồng để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng do ngân sách huyện khó khăn.

Toàn tỉnh hiện có 300 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, trong đó có 130 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn số doanh nghiệp này là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong 27 cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh, hiện chưa có cụm công nghiệp chuyên ngành về chế biến nông sản thực phẩm và có 9 cụm công nghiệp đa ngành nghề có bố trí ngành chế biến nông sản, thực phẩm.

 

Về vấn đề này, Sở Tài chính đã có văn bản chấp thuận tạm ứng 35 tỷ đồng từ nguồn vốn từ Quỹ Phát triển đất tỉnh cho UBND huyện Cẩm Mỹ để thực hiện công tác thanh toán tiền bồi thường giải phóng mặt bằng...

Trong khi đó, Cụm công nghiệp Phú Túc được quy hoạch diện tích hơn 48 hécta với 46 hộ dân nằm trong diện giải tỏa. Hiện nay, huyện Định Quán đã thực hiện bồi thường cho 40 hộ. Do đó, địa phương kiến nghị được tạm ứng hơn 11 tỷ đồng để thực hiện đền bù đối với 6 hộ dân còn lại. Ngoài ra, còn có một số hộ dân kiến nghị hỗ trợ thêm tiền dù đã nhận tiền đền bù...

Ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho hay, địa phương mong muốn Cụm công nghiệp Phú Túc sớm được triển khai. Tuy nhiên, hiện nay ngoài một số khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, việc kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm năng vào Cụm công nghiệp Phú Túc cũng đang gặp vướng mắc.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án cụm công nghiệp nói trên để sớm triển khai xây dựng, cũng như có phương án phù hợp để xây dựng các tuyến đường kết nối vào các cụm công nghiệp này.

* Cần bố trí ngành nghề phù hợp

Ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết các sản phẩm được sản xuất trong các cụm công nghiệp nói trên cần tuân theo danh mục sản phẩm ngành công nghiệp chế biến thực phẩm theo quy định của Chính phủ.

Cụm công nghiệp Phú Túc được quy hoạch xây dựng tại khu vực ấp Cầu Ván, xã Phú Túc (huyện Định Quán)
Cụm công nghiệp Phú Túc được quy hoạch xây dựng tại khu vực ấp Cầu Ván, xã Phú Túc (huyện Định Quán)

Đối với Cụm công nghiệp Long Giao, Sở Công thương đề xuất dành 50% quỹ đất công nghiệp ưu tiên bố trí ngành chế biến nông sản thực phẩm, phần quỹ đất công nghiệp còn lại để thu hút các ngành công nghiệp có lợi thế của địa phương.

Ở Cụm công nghiệp Phú Túc, dự kiến sẽ dành 60% quỹ đất công nghiệp để ưu tiên bố trí ngành nghề liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm. 40% diện tích đất công nghiệp còn lại sẽ bố trí cho việc xây dựng kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến, cũng như bố trí một số ngành công nghiệp có lợi thế ở địa phương...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh đã giao các sở, ngành và địa phương liên quan cần có phương án, kế hoạch cụ thể để kết nối, thu hút các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp này; ưu tiên phương án đấu giá để các doanh nghiệp có năng lực thực hiện và kêu gọi đầu tư theo chủ trương ưu tiên cho các dự án chế biến nông sản.

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Đồng Nai đã hình thành nhiều khu sản xuất tập trung cho các loại cây trồng như: 44 ngàn hécta cao su, 34 ngàn hécta điều, 19 ngàn hécta cà phê, 9 ngàn hécta tiêu, 10 ngàn hécta chôm chôm, 10 ngàn hécta xoài và gần 3 ngàn hécta sầu riêng...

Đồng Nai cũng đứng đầu cả nước về số lượng trang trại với hơn 3,8 ngàn trang trại. Đặc biệt, hiện tỉnh đã phê duyệt triển khai 19 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Lam Phương

Tin xem nhiều