Định Quán là huyện thuần nông nhưng địa phương đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Giai đoạn 2011–2018, giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng ổn định, nông - lâm - thủy sản tăng trên 4,3%, công nghiệp tăng trên 6,4%, dịch vụ tăng trên 7%.
Định Quán là huyện thuần nông nhưng địa phương đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Giai đoạn 2011–2018, giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng ổn định, nông - lâm - thủy sản tăng trên 4,3%, công nghiệp tăng trên 6,4%, dịch vụ tăng trên 7%.
Chế biến ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức |
Trong đó, địa phương xác định ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm là ngành công nghiệp chủ lực. Theo đó, Cụm công nghiệp Phú Túc được tỉnh chọn làm thí điểm đầu tư công nghiệp chế biến nông sản, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay.
* Thu hút nhiều doanh nghiệp
Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm luôn chiếm một tỉ trọng cao trong cơ cấu các ngành công nghiệp chủ yếu của huyện Định Quán. Đến năm 2018, trên địa bàn huyện có 440 cơ sở chế biến nông sản, tăng 1,7 lần so với năm 2011. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản, Định Quán có nhiều điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư.
Ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Thuận Hương (xã Phú Túc) cho biết: “Tôi muốn đầu tư nhà máy chế biến ngay tại vùng nguyên liệu, Định Quán có nguồn trái cây dồi dào, đặc biệt là chuối, mít... Tuy về đầu tư tại vùng sâu nhưng từ chính quyền tỉnh đến huyện đều quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa) chia sẻ: “Hiện dự án cánh đồng lớn cây ca cao do doanh nghiệp đầu tư tại Đồng Nai đã phát triển được 468 hécta. Trọng Đức cũng có 4 sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Hiện hàng chục sản phẩm chế biến “Made in Vietnam” của doanh nghiệp không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa mà còn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc...”.
Để đạt được thành quả này, doanh nghiệp đã đầu tư hàng triệu USD vào nhà máy chế biến cũng như cho vùng nguyên liệu. Nhưng đây mới là giai đoạn đầu, doanh nghiệp đang tiếp tục bỏ vốn đầu tư cho cả khâu sản xuất cũng như mở rộng kênh phân phối ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
* Sẽ có cụm công nghiệp chế biến
Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Nam Biên đánh giá: “Cụm công nghiệp Phú Túc có vị trí thuận lợi, đã cơ bản hoàn thành đầu tư các đường giao thông kết nối cũng như hệ thống điện phục vụ sản xuất”. Dự kiến trong năm nay, dự án đường nối cụm công nghiệp với 3 huyện có vùng nguyên liệu nông sản lớn gồm: Định Quán, Thống Nhất, Xuân Lộc sẽ được đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển nguyên liệu về nơi chế biến.
Cụm công nghiệp Phú Túc được quy hoạch với diện tích hơn 48 hécta. Hiện huyện Định Quán đã thực hiện bồi thường cho 40/46 hộ dân nằm trong diện giải tỏa mặt bằng. Tuy nhiên, trong việc triển khai dự án vẫn còn một số khó khăn về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; trong việc vận động các doanh nghiệp có tiềm năng vào cụm công nghiệp...
Dự kiến, cụm công nghiệp này sẽ dành 60% quỹ đất công nghiệp để ưu tiên bố trí ngành nghề liên quan đến chế biến nông sản, thực phẩm; 40% diện tích còn lại sẽ bố trí cho việc xây dựng kho bãi, kho đông lạnh dùng để chứa và bảo quản nguyên liệu trước và sau khi chế biến, cũng như bố trí một số ngành công nghiệp có lợi thế ở địa phương...
Lê Quyên