Sau gần 2 tháng kể từ khi Mỹ áp dụng mức thuế từ 10% lên 25% cho 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có nhiều biến động.
Sau gần 2 tháng kể từ khi Mỹ áp dụng mức thuế từ 10% lên 25% cho 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có nhiều biến động. Trong đó, xuất khẩu vào Mỹ tăng mạnh nhưng các thị trường khác lại chịu sự cạnh tranh gay gắt.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Center Power Tech Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2) |
Theo UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai trong 5 tháng đầu năm là hơn 7,7 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh có dấu hiệu chậm lại so với những năm trước.
* Chịu ảnh hưởng chung
Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đồng Nai, chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Thời gian qua, xuất khẩu của tỉnh vào thị trường Mỹ tăng cao, song hàng hóa vào những thị trường khác lại khó khăn hơn. Bởi hàng hóa của Trung Quốc qua thị trường Mỹ có thuế cao đã chuyển sang những thị trường khác thuộc châu Âu, ASEAN, châu Phi... Vì thế hàng của Việt Nam khi vào những thị trường trên phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt.
TS.Phạm Văn Chắt, giảng viên cao cấp, báo cáo viên Bộ Công thương cho hay: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, trong đó có cả “được” và “mất”. Cái “được” ở đây là có thể mở rộng xuất khẩu vào Mỹ với nhiều mặt hàng do sức cạnh tranh tăng lên. Tuy nhiên, ở những thị trường khác hàng Việt Nam lại chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn. Ngay thị trường nội địa cũng sẽ chịu sự lấn sân của hàng hóa từ Trung Quốc”. Theo TS.Chắt, các doanh nghiệp nên tận dụng các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do đã ký kết và có hiệu lực để giữ và phát triển những thị trường quan trọng nhằm vượt qua được những khó khăn.
Hiện Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Ở các lĩnh vực may mặc, giày dép, xơ sợi dệt, linh kiện máy móc... khi bị áp thuế cao ở thị trường Mỹ, doanh nghiệp nước này sẽ quay về sân nhà, giảm sản xuất và điều này cũng làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc.
Theo Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng, việc Mỹ chính thức áp thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10-5-2019, có thể mang lại lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam nếu biết tận dụng cơ hội, nâng cao sức cạnh tranh. Nhưng đối với một số mặt hàng như: xơ sợi dệt, thiết bị máy móc... có thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc thì việc áp thuế dẫn đến hàng hóa của Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ, bị ứ lại, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc cũng sẽ giảm. Điều này ảnh hưởng nhiều tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào nước này. “Có thể trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ gia tăng các biện pháp, rào cản kỹ thuật trong thương mại, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam vào thị trường này”- ông Dũng nhấn mạnh.
Thực tế, nhiều mặt hàng của Đồng Nai xuất khẩu vào Trung Quốc đã giảm như phương tiện vận tải và phụ tùng giảm gần 9%, xơ sợi dệt gần 5%...
* “Nắm” lấy lợi thế
Hàng hóa của tỉnh vào Mỹ trong 2 tháng trở lại đây có mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt những sản phẩm chủ lực của Đồng Nai như: may mặc, giày dép, sản phẩm từ gỗ, máy móc thiết bị và phụ tùng, máy tính, linh kiện điện tử...
Bà Mary Tarnowka, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh cho hay: “Hiện có nhiều doanh nghiệp Mỹ đang muốn liên kết với doanh nghiệp Đồng Nai để nhập khẩu hàng trực tiếp. Như vậy sẽ tốt cho cả 2 bên vì bớt các khâu trung gian. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước này muốn đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực công nghiệp”.
Thực tế, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào thị trường Mỹ trong tháng 5 tăng mạnh. Đơn cử như: giày dép tăng 18%, may mặc hơn 12%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 36%, sản phẩm từ gỗ tăng 14%... Những mặt hàng Đồng Nai xuất vào Mỹ tăng đều là những mặt hàng Trung Quốc đang bị áp thuế 25%.
Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cho biết: “Vừa qua, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Đồng Nai vào Mỹ khá tốt. Doanh nghiệp gỗ trong tỉnh nhận được nhiều đơn hàng lớn từ thị trường này. Do đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành vào thị trường trên từ nay đến cuối năm còn tăng cao”.
Bên cạnh đó, các đơn hàng từ Trung Quốc cũng dịch chuyển mạnh về Việt Nam cũng như các nước trong khối ASEAN. Ông Chung Wen Cheng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - văn hóa Đài Bắc tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Có làn sóng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam, trong đó có Đồng Nai. Các doanh nghiệp Trung Quốc thuê nhà xưởng sản xuất để xuất khẩu”.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa), sản phẩm quần áo của công ty xuất khẩu vào thị trường châu Âu và nhiều thị trường khác, tuy chịu cạnh tranh hàng Trung Quốc cùng loại, song do chất lượng hàng hóa đảm bảo, thời gian giao hàng nhanh, giá cạnh tranh nên công ty vẫn có rất nhiều đơn đặt hàng lớn đến hết năm 2019.
Khánh Minh