Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển 15 ngàn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 với mục tiêu phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể trong giai đoạn hội nhập.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển 15 ngàn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020 với mục tiêu phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể trong giai đoạn hội nhập.
Trái cây sạch của Tổ hợp tác trái cây sạch Lộc Mai (huyện Định Quán) thu hút khách hàng quan tâm tại hội thảo xúc tiến thương mại tại Đồng Nai |
[links()]Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh nhận định: “Thời gian tới, ngay cả thị trường dễ tính là Trung Quốc cũng dựng hàng rào kỹ thuật yêu cầu về chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc nông sản. Nếu không phát triển mạnh HTX, không xây dựng tốt các chuỗi liên kết thì đầu ra của nông sản sẽ là vấn đề rất khó khăn”.
* Liên kết để phát triển bền vững
ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: “Toàn tỉnh hiện có 678 cán bộ quản lý HTX đạt trình độ sơ, trung cấp (đạt tỷ lệ gần 52%); có 312 cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên (đạt tỷ lệ gần 25%). Thời gian tới, Liên minh HTX sẽ tiếp tục ưu tiên cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX”. |
Để bước vào sân chơi quốc tế và phát triển bền vững, nông sản phải hình thành được các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi nông dân riêng lẻ rất khó thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nên rất cần vai trò của HTX.
Chỉ ra vai trò không thể thiếu của HTX, bà Ginette Carré, Giám đốc Dự án phát triển HTX tại Việt Nam (thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế của Canada) chia sẻ: “Dự án của chúng tôi triển khai nhằm giúp các nông dân cải thiện vị trí chiến lược trong chuỗi giá trị và hưởng lợi nhiều hơn từ việc tham gia chuỗi giá trị. Từ đó họ tham gia hội nhập tốt hơn. HTX là công cụ mấu chốt để xây dựng sự phát triển bền vững và toàn diện cho các nông dân trong chuỗi giá trị”.
Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước nhưng số HTX trong ngành chăn nuôi hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nói về sự cần thiết của việc thành lập HTX, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiêm Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi Đồng Hiệp (huyện Thống Nhất) cho rằng: “Sản phẩm chăn nuôi Đồng Nai muốn xây dựng được thương hiệu riêng thì phải xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Ở góc độ người chăn nuôi, sản xuất theo chuỗi khép kín, đồng bộ, hiện đại sẽ giúp bảo đảm về chất lượng thịt sạch, truy xuất được nguồn gốc, hạn chế phát sinh, lây lan các dịch bệnh trên động vật và bảo đảm vệ sinh môi trường”.
* Nhiều thách thức đón chờ
Từ năm 2016, Đồng Nai đã hoàn tất việc chuyển đổi các HTX. Mục tiêu chuyển đổi này nhằm nâng chất để các HTX hoạt động hiệu quả, năng động, có phương án sản xuất, kinh doanh… đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập. Với những yêu cầu này, HTX sẽ phải hoạt động bài bản như một doanh nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu trên không dễ thực hiện trong một sớm một chiều, nhất là trong thực tế, nhiều HTX được thành lập để cho “đủ chỉ tiêu” về số lượng, hoạt động vẫn mang tính hình thức. Để giải bài toán khó này, ngoài việc tự nâng cao năng lực hoạt động, HTX cần sự đồng hành từ nhiều phía.
HTX xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) là một trong những điển hình HTX năng động trong hội nhập. Nhưng với ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn: “Việc tổ chức bộ máy HTX hoạt động theo mô hình doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vì chỉ người lãnh đạo làm tốt thì chưa đủ. Trong khi đó, đa số xã viên đều là nông dân nên rất cần sự hỗ trợ về vấn đề nhân lực. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần quan tâm trong công tác triển khai để các chính sách hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả”.
Góp ý về những giải pháp phát triển HTX, TS.Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: “Để HTX phát huy vai trò làm cầu nối cần rất nhiều chính sách hỗ trợ về quy hoạch các vùng sản xuất quy mô lớn, vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu nông sản... Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định vì muốn đổi mới HTX thì lãnh đạo của HTX đó phải có hiểu biết, tư duy, hành động của một doanh nhân”.
Cùng quan điểm, bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, nhấn mạnh: “Chương trình đào tạo kỹ năng quản trị cho HTX vẫn đang bị bỏ ngỏ. Nông dân cũng thiếu kỹ năng sản xuất theo đơn đặt hàng. Để nâng chất nguồn nhân lực cho HTX, việc đào tạo lực lượng nông dân trẻ cần được ưu tiên”.
Lê Quyên