Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ ngày 1-7, Đồng Nai thêm 6 phường và 2 thị trấn

10:05, 24/05/2019

Từ ngày 1-7, 2 thị trấn Hiệp Phước và Dầu Giây của 2 huyện Thống Nhất và Nhơn Trạch sẽ chính thức được thành lập. Bên cạnh đó, 6 xã của TP.Biên Hòa cũng trở thành phường...

Từ ngày 1-7, 2 thị trấn Hiệp Phước và Dầu Giây của 2 huyện Thống Nhất và Nhơn Trạch sẽ chính thức được thành lập. Bên cạnh đó, 6 xã của TP.Biên Hòa cũng trở thành phường. Chính quyền các địa phương hiện đang gấp rút chuẩn bị cho sự thay đổi này.

Xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) sẽ thay đổi các biển hiệu thành phường từ ngày 1-7-2019
Xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) sẽ thay đổi các biển hiệu thành phường từ ngày 1-7-2019

6 xã của TP.Biên Hòa sẽ thành phường gồm: An Hòa, Hóa An, Hiệp Hòa, Phước Tân, Tam Phước, Tân Hạnh.

* Biên Hòa gấp rút chuẩn bị

Hiện 6 xã sắp lên phường của TP.Biên Hòa đang gấp rút chuẩn bị để từ ngày 1-7-2019 chính thức thay đổi con dấu thành phường. Bên cạnh đó, UBND các xã cũng chuẩn bị thay đổi các biển hiệu, đổi ấp thành khu phố, đặt tên đường, chỉnh trang lại đô thị cho phù hợp với phường. TP.Biên Hòa cũng có lộ trình thay đổi địa chỉ của một số giấy tờ tùy thân của người dân trên địa bàn như: giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Ông Triệu Trung Tính, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Hiệp Hòa cho biết: “Thực tế, xã đã đạt và vượt nhiều tiêu chí áp dụng cho phường nên việc chuyển đổi này tương đối thuận lợi. UBND TP.Biên Hòa đã có chỉ đạo cụ thể các phòng, ban hỗ trợ các xã hoàn thành các thủ tục về pháp lý để khi chính thức thành phường tránh được các vướng mắc”. Cũng theo ông Tính, hầu hết người dân trong xã đều ủng hộ địa phương trở thành phường với mong muốn tỉnh, thành phố sẽ tăng đầu tư cho hạ tầng để phát triển tốt hơn.

Theo ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND xã Tam Phước, trong quá trình làm hồ sơ lên phường, xã đã hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới nên ít gặp trở ngại khi áp dụng các tiêu chuẩn của cấp phường. Vấn đề cần nhất là thay đổi địa chỉ trên một số giấy tờ. Việc  này thì tỉnh và thành phố đã biết trước nên sẽ có lộ trình giải quyết nhanh cho người dân. Phía UBND xã sẽ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho dân trên địa bàn để cùng tham gia việc xây dựng địa phương thành phường đô thị văn minh - xanh - sạch - đẹp.

Sản xuất gốm xuất khẩu tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa)
Sản xuất gốm xuất khẩu tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh xã Tân Hạnh (TP.Biên Hòa)

Từ năm 2018, cả 6 xã lên phường trong dịp tới đều đã đạt các tiêu chí về diện tích, dân số, cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn hạ tầng đô thị. Thực tế, có những xã phù hợp lên phường từ vài năm trước và người dân lẫn chính quyền đều rất trông đợi để có những đầu tư, quản lý, phát triển tốt hơn. Trong đó có những nơi dân số khá đông như: xã Tam Phước dân số hơn 53,7 ngàn người, Phước Tân 52,6 ngàn người, Hóa An hơn 33 ngàn người... cần quản lý và phát triển theo phường để dễ dàng thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ.

* Nhơn Trạch, Thống Nhất sẵn sàng

2 huyện Thống Nhất và Nhơn Trạch hiện cũng đã lên kế hoạch và sẵn sàng bắt tay vào thực hiện các thủ tục cho ngày chính thức công nhận thành lập thị trấn. Theo lãnh đạo 2 huyện thì sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở và động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. Sau khi thị trấn được thành lập sẽ tạo nguồn lực thu hút đầu tư được tốt hơn. Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư đồng bộ và hiện đại, từ đó tạo ra nhiều việc làm, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Ông Lê Thành Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch nhấn mạnh: “Thị trấn Hiệp Phước được thành lập trên cơ sở xã Hiệp Phước, phù hợp với quy hoạch của tỉnh, Chính phủ. Đây là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng có công nghiệp, dịch vụ, thương mại phát triển nên khi thành thị trấn sẽ gia tăng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”. Tuy nhiên, với mật độ dân số rất đông, gần 2,1 ngàn người/km2 thì khi Hiệp Phước thành thị trấn sẽ thu hút thêm nhiều lực lượng lao động đến tìm kiếm việc làm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường... Khi lên thị trấn, 5 ấp của Hiệp Phước cũng đổi thành khu phố, tổng dân số hơn 38,6 ngàn người, diện tích tự nhiên 18,83 km2.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây nằm ngay trung tâm thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất)
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây nằm ngay trung tâm thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất)

Phía huyện Thống Nhất, trong ngày 22-5, huyện đã ban hành kế hoạch chuẩn bị thành lập thị trấn Dầu Giây. Trong đó, giao việc cụ thể cho từng phòng, ban triển khai để ngày 1-7-2019, có con dấu mới, trụ sở hoạt động và ngày 3-7 sẽ làm lễ thành lập thị trấn.

Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết: “Ngoài các lợi thế khi có thị trấn thì cũng sẽ phát sinh một số vấn đề cần giải quyết về thủ tục hành chính liên quan đến các tổ chức, cá nhân do phải thay đổi địa chỉ giấy tờ tùy thân, biển số nhà, hộ khẩu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các tài sản liên quan. Nhưng việc này huyện sẽ có lộ trình cấp đổi cho người dân trong thời gian sớm nhất”. Thị trấn Dầu Giây có diện tích khoảng 14,14km2, dân số trên 23,3 ngàn người.

Ông Trần Văn Huy, xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất) bày tỏ: “Tôi và nhiều bà con ở đây mong mỏi khi trở thành thị trấn thương mại, dịch vụ phát triển, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập tăng lên. Tỉnh, huyện sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giúp bộ mặt đô thị khang trang hơn”.

Phần lớn người dân ở các xã lên phường, xã lên thị trấn đều chờ đợi và hy vọng cuộc sống vật chất, tinh thần sẽ khá lên. Song cũng băn khoăn mong các loại giấy tờ phải thay đổi các mục liên quan đến địa chỉ, đơn vị hành chính sẽ được thực hiện nhanh để không gây cản trở. An ninh, trật tự cũng được tăng cường để đảm bảo an toàn cho đời sống.

Hương Giang

Tin xem nhiều