Một vấn đề được nhiều tỉnh, thành đề cập đến trong Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam là điểm "nghẽn" về giao thông. Đây là bài toán cần được giải nhanh mới tạo bứt phá cho kinh tế vùng và cả nước phát triển.
Một vấn đề được nhiều tỉnh, thành đề cập đến trong Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam là điểm “nghẽn” về giao thông. Đây là bài toán cần được giải nhanh mới tạo bứt phá cho kinh tế vùng và cả nước phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN |
[links()]Vùng KTTĐ phía Nam có mật độ người đi lại gấp 2,5 lần cả nước, vận chuyển hàng hóa gấp 5 lần, nhưng đầu tư cho hạ tầng giao thông của vùng rất ít. Nhiều dự án đã được triển khai nhiều năm chưa hoàn thành, dẫn đến quá tải, thường xuyên xảy ra kẹt đường.
* Đồng Nai kiến nghị làm nhanh sân bay
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái cho rằng, để tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng cũng như riêng Đồng Nai, Chính phủ nên đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Cụ thể, cho triển khai đồng bộ các hạng mục như: rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng, bổ sung thêm quy hoạch hệ thống giao thông phục vụ cho sân bay. Như vậy, thời gian khởi công dự án sẽ được rút ngắn lại. Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất Chính phủ ưu tiên vốn triển khai nhanh các dự án giao thông trọng điểm như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường vành đai 3, 4, tuyến đường sắt đô thị kéo dài đến Đồng Nai, hệ thống cảng biển, đường sắt...
TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An... cũng chung quan điểm với Đồng Nai trong ưu tiên vốn thực hiện các dự án trọng điểm về giao thông. Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, đóng góp của vùng cho GDP cả nước khoảng 45%, nhưng phân bổ ngân sách để tái đầu tư chỉ được khoảng 15%. Điều này chưa hợp lý dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Trung ương tăng phân bổ ngân sách cho vùng lên gấp 2 lần so với hiện nay mới đáp ứng được nhu cầu và đảm bảo bước đột phá, tăng trưởng trong phát triển kinh tế. Trong đó ưu tiên vốn làm hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy, đường sắt. Làm những dự án giao thông trọng điểm không chỉ đem lại đột phá kinh tế cho vùng mà còn cho cả nước.
TS.Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.Hồ Chí Minh nhận xét: “Vùng KTTĐ phía Nam đóng góp 45% GDP của cả nước nhưng đến nay chưa có một con đường cao tốc nào hoàn chỉnh kết nối giao thông toàn vùng. Hầu hết các đường cao tốc, vành đai 3, 4 còn dang dở, giao thông ngày càng tắc nghẽn, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế của vùng”. Cũng theo TS.Lịch, nếu các đường cao tốc, vành đai thi công nhanh sớm đi vào khai thác không chỉ giúp cho vùng phát triển mà còn thúc đẩy các vùng kinh tế khác phát triển theo. Vì khu vực này là trung tâm về sản xuất công nghiệp, tài chính, tập trung nhiều cảng biển lớn phục vụ cho xuất nhập khẩu của phía Nam, cả nước.
* Tìm cách tháo gỡ
Đồng quan điểm với kiến nghị của Đồng Nai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phân công nhiệm vụ trực tiếp cho các bộ, ngành và yêu cầu phải hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để Cảng hàng không quốc tế Long Thành có thể khởi công vào năm 2020, sớm hoàn thành đi vào khai thác để đáp ứng nhu cầu về đi lại, vận chuyển bằng hàng không. Chính phủ sẽ xem xét lại để cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng KTTĐ phía Nam với mong đợi, đầu tàu phải mạnh, tăng tốc được thì kéo theo các vùng khác phát triển cùng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, nếu không kịp thời đầu tư các dự án hạ tầng giao thông nhanh sẽ khiến cho vùng KTTĐ phía Nam tăng trưởng chậm lại và sẽ ảnh hưởng chung đến kinh tế của toàn quốc gia. Vì thế, Bộ đã kiến nghị Chính phủ thời gian tới ưu tiên vốn đầu tư nhanh cho sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, hệ thống cảng tại Đồng Nai, Bình Dương và giao thông đường thủy kết nối các tỉnh, thành trong vùng và khu vực khác để giảm áp lực cho đường bộ; đồng thời triển khai nhanh đường cao tốc, đường vành đai, đường sắt.
Điểm ách tắc khác cũng khiến nhiều tỉnh, thành đang phải ngưng hàng loạt dự án giao thông của địa phương do liên quan đến đầu tư theo hình thức BT (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao). Đồng Nai có hơn 40 dự án, TP.Hồ Chí Minh hơn 100 dự án... hiện đang chưa tìm nguồn vốn để đầu tư tiếp nên đang dang dở. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng cho biết sẽ sớm có chính sách cụ thể để khơi thông những khó khăn về vốn đầu tư.
Kim Ngân - Hương Giang