Những chương trình "giải cứu" nông sản diễn ra với sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và cả doanh nghiệp ít nhiều đều góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt nhưng lợi bất cập hại.
Cứu chuối, cứu heo, cứu gà, cứu dưa hấu, cứu thanh long..., những điệp khúc buồn đã bắt đầu gây nhàm chán trong vài năm trở lại đây.
Một điểm bán thịt heo an toàn bình ổn giá trong đợt “giải cứu” thịt heo trong năm 2017 |
Khi những cuộc “giải cứu” nông sản bất đắc dĩ trở thành phong trào, chính người trong cuộc là nông dân, đội ngũ những thành phần tham gia “giải cứu” đến người tiêu dùng ngày càng trở nên thờ ơ. Nhưng nó mang lại những hệ lụy khôn lường khi cả xã hội trở nên quen với lối tư duy sẵn sàng “giải cứu” nông sản và nông dân thì chờ đợi được “giải cứu”.
Bài 1: Hệ lụy của tư duy "giải cứu" nông sản
Những chương trình “giải cứu” nông sản diễn ra với sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và cả doanh nghiệp ít nhiều đều góp phần tháo gỡ những khó khăn trước mắt nhưng lợi bất cập hại.
Nó tạo nên lối tư duy chấp nhận chuyện “giải cứu” bất đắc dĩ thành điều đương nhiên và xem giải pháp tình thế này thành cứu cánh. Nguy hại hơn, sự “giải cứu” này như sự gây mê tạm thời khiến người trong cuộc rất khó tỉnh ngộ sau những cơn sốc lớn của thị trường nông sản.
Theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất - đơn vị đầu tư và quản lý chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây, hàng chục chương trình kết nối nhằm đưa nông sản của Đồng Nai vào chợ đầu mối đã được triển khai. Doanh nghiệp cũng tập trung hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp về thủ tục chứng nhận an toàn cho nông sản vào chợ. Hiện nông sản của Đồng Nai đang chiếm tỷ lệ áp đảo từ 50-55% tổng sản lượng; còn lại là nông sản từ các tỉnh, thành khác; hàng nhập khẩu chiếm tỷ lệ rất thấp. Đây không chỉ là chợ đầu mối nông sản của tỉnh mà của cả khu vực với mục tiêu vươn lên tầm quốc tế, doanh nghiệp mong muốn góp phần giải quyết được câu chuyện “được mùa mất giá”. |
* Điệp khúc buồn gây chán
Một trong những chương trình “giải cứu” lớn cả nước cùng vào cuộc là cơn khủng hoảng thừa vào đầu năm 2017 khiến giá heo hơi có thời điểm rớt xuống dưới 20 ngàn đồng/kg.
Ngành chăn nuôi Đồng Nai đã chứng kiến sự phá sản hàng loạt của các trang trại, của các đại lý thức ăn chăn nuôi vì người chăn nuôi đổ nợ, không có tiền thanh toán. Cả chục hội thảo, hội nghị bàn giải pháp “giải cứu” heo với sự tham gia của các đoàn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và các bộ, ngành khác đã diễn ra tại Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi lớn nhất nước.
Chiến dịch “Chuối nghĩa tình” cũng là chương trình “giải cứu” rầm rộ không kém so với cuộc “giải cứu” heo cùng diễn ra trong năm 2017 tại Đồng Nai. Nông dân trồng chuối cũng rơi vào cảnh nợ nần vì xuất khẩu không được, có thời điểm giá chuối rớt còn 1 ngàn đồng/kg, chín rục đầy vườn vì không có người mua. Với sự tham gia tích cực của chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp đã hỗ trợ tiêu thụ được hàng trăm tấn chuối cho nông dân.
Nhưng theo ý kiến của chính người trong cuộc là ông Nguyễn Thanh Tùng, nông dân trồng chuối tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom): “Trung bình nông dân thu hoạch từ 40-50 tấn chuối/hécta, tiêu thụ được vài trăm tấn chuối chỉ là hạt muối bỏ bể so với cả ngàn hécta chuối đang chờ “giải cứu”. Đa số nông dân chẳng được hỗ trợ gì từ các chương trình “giải cứu” nhất thời ấy”.
Những cụm từ mua dưa hấu, mua cà chua, mua bí đỏ, mua hành củ... giúp nông dân đã trở nên quen tai. Người tiêu dùng cũng ngày càng thờ ơ với những lời kêu cứu này vì nó diễn ra quanh năm.
* Hệ lụy
Điều đáng buồn nhất hiện nay là nông sản của Việt Nam vẫn cứ được đổ ra vỉa hè kinh doanh với đủ loại chợ cóc, chợ tạm... Từ đó tạo thành thói quen là hàng ngàn người ra quốc lộ mua nông sản, hàng hóa. Cùng với các chương trình “giải cứu” là những điểm bán thịt heo, thanh long, chuối... tự phát xuất hiện khắp nơi trong TP.Biên Hòa và các trung tâm đô thị tại nhiều địa phương. Đa số các điểm bán hàng tự phát để “giải cứu” nông sản đều được mở tạm và nông sản thường được đổ ra bán khắp các vỉa hè, góc phố.
Thời điểm diễn ra chương trình “giải cứu” thịt heo, các cơ quan chức năng cũng “mắt nhắm, mắt mở” tạo điều kiện cho người chăn nuôi tự cứu bằng cách tự giết mổ heo đem bán ngoài vỉa hè, trong khu dân cư... mà không cần tuân theo quy trình về quản lý chất lượng, điều kiện của một sạp hàng muốn mở cửa kinh doanh. Theo đó, những câu hỏi về mặt bằng, thuế, chất lượng hàng hóa... vẫn bỏ ngỏ.
Sau một thời gian “giải cứu” thịt heo, những sạp thịt tự phát vẫn hiện hữu khắp nơi góp phần phá vỡ những quy định về trật tự đô thị, quản lý kinh doanh, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm mà các cơ quan chức năng đã tốn nhiều công, nhiều của lập nên trước đó.
Nói về những sạp thịt tự phát, bà Hà Thị Thanh, tiểu thương bán thịt heo trong chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Chương trình “giải cứu” thịt heo đã kết thúc từ lâu nhưng các sạp thịt vỉa hè vẫn ngang nhiên tồn tại trên một số tuyến đường quanh khu vực chợ, tập trung đông nhất là các khu chợ tự phát phục vụ công nhân. “Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh vì chúng tôi bán trong chợ phải trả rất nhiều loại thuế, phí; nguồn thịt cũng được kiểm soát chặt chẽ trong khi sạp thịt vỉa hè hoàn toàn bị thả nổi” - bà Thanh nói.
Chuối già hương đã lâm vào cuộc “giải cứu” vào năm 2017 |
Công ty TNHH một thành viên Hương Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu) đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở giết mổ hiện đại, an toàn và hệ thống cửa hàng bán thực phẩm sạch khi tham gia dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lifsap. Nhưng sản phẩm của doanh nghiệp hiện chủ yếu cung cấp vào hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp cả ở thị trường Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh nhưng hầu như chưa vào được các chợ truyền thống ngay tại địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Vĩnh Cửu: “Cơ sở giết mổ an toàn gặp không ít khó khăn do sự cạnh tranh không lành mạnh của nạn giết mổ lậu. Tiểu thương không muốn đưa heo vào lò giết mổ tập trung vì chúng tôi kiểm soát rất kỹ nguồn gốc heo; heo bệnh, heo chết không được phép giết mổ tại lò”.
* Những mùa vụ “đắng”
Chỉ trong quý I-2019, hàng ngàn hécta tiêu, điều, cà phê đã bị chặt bỏ. Đây là 3 mặt hàng chủ lực Đồng Nai đang tập trung đầu tư chế biến sâu theo đề án nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Theo số liệu của Cục Thống kê Đồng Nai, hiện diện tích cây điều còn hơn 36,4 ngàn hécta, giảm gần 1,4 ngàn hécta so với cuối năm 2018; diện tích tiêu hiện còn trên 16,5 ngàn hécta, cà phê còn 12,7 ngàn hécta; điều giảm khoảng 2,5 ngàn hécta. Cùng thời gian ngắn này, diện tích các loại cây ăn trái chưa có ngành chế biến như: chuối, sầu riêng, mít, bưởi... tăng đột biến lên hàng ngàn hécta.
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, thời gian qua, nông dân chặt bỏ nhiều loại cây công nghiệp như: tiêu, cà phê, điều... vì giá thấp. Tuy nhiên, nông dân chỉ nên chặt bỏ những vườn già cỗi, kém năng suất với cây hồ tiêu hiện thị trường cung vượt cầu. Riêng với cà phê, điều tuy có thời điểm giá xuống thấp nhưng vẫn là những nông sản có đầu ra tương đối ổn định do ngành chế biến phát triển. Nông dân nên ghép cải tạo, chuyển đổi giống mới để tăng năng suất, tăng giá trị cho cây trồng này.
Ông Vinh cảnh báo: “Hiện xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc không còn dễ như trước vì họ đưa ra hàng loạt yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn... nông dân không nên nhìn vào nhu cầu thị trường ngắn hạn để đổ xô trồng các loại cây ăn trái vì rủi ro về thị trường là rất lớn”.
Bình Nguyên - Kim Ngân