Những ngày qua, Tổ tuyên truyền của tỉnh đã đến các xã trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) để tuyên truyền chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Nhìn chung, người dân trong vùng dự án rất vui mừng vì đã được trao đổi trực tiếp, chính thức thông tin về dự án. Song cũng không ít người dân còn băn khoăn về giá bồi thường, việc di dời chỗ ở cũng như tổ chức cuộc sống sau này.
Những ngày qua, Tổ tuyên truyền của tỉnh đã đến các xã trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay Long Thành) để tuyên truyền chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân. Nhìn chung, người dân trong vùng dự án rất vui mừng vì đã được trao đổi trực tiếp, chính thức thông tin về dự án. Song cũng không ít người dân còn băn khoăn về giá bồi thường, việc di dời chỗ ở cũng như tổ chức cuộc sống sau này.
Người dân xã Bình Sơn nhận tài liệu tuyên truyền về chính sách bồi thường, tái định cư dự án thu hồi đất Sân bay Long Thành. Ảnh: K.Giới |
Nhiều người dân trong vùng dự án Sân bay Long Thành đến nay vẫn băn khoăn bao giờ thì Nhà nước thu hồi đất cho dự án và giá bồi thường được bao nhiêu, khu tái định cư có xây dựng kịp để chuyển đến hay không?
* Mong sớm kiểm kê, đền bù đất
Bà Lê Thị Thanh Minh ở xã Bình Sơn cho hay rất “nóng ruột” muốn được đền bù, giải tỏa nhanh để đến khu tái định cư và ổn định cuộc sống. Bà Minh băn khoăn: “Không biết khi nào mới được đo đạc, kiểm kê đất và đền bù, chúng tôi chờ đợi lâu quá rồi. Và không biết giá đất đền bù được bao nhiêu?”.
Cũng trong tâm trạng trông đợi như bà Minh, ông Lê Văn Ho ở xã Long An cho biết, mong muốn của ông cũng như nhiều người dân ở đây là sớm được đền bù, và rất muốn biết cụ thể giá đất đền bù là bao nhiêu. Ông Ho chia sẻ, giá đất tại xã Long An hiện nay lên cao ngất ngưởng, trong khi đất trong vùng dự án thì không thể làm gì được và gần như “đóng băng”. Ông cũng kiến nghị Nhà nước sớm thu hồi và tính toán giá sao cho người dân trong vùng dự án không quá thiệt thòi; thời gian kiểm kê, áp giá đền bù không nên kéo dài gây thiệt hại cho dân. Theo Tổ tuyên truyền, phần lớn người dân đến dự các buổi tuyên truyền đều hỏi bao giờ công bố giá đất đền bù và tỏ ra khá sốt ruột.
Tái định cư cũng là vấn đề người dân hết sức quan tâm bởi đây là việc liên quan trực tiếp đến đời sống của các gia đình. Ông Đỗ Ngọc Dẫn ở xã Suối Trầu cho hay, tình trạng người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp là khá phổ biến, với những trường hợp đó liệu có được bố trí tái định cư hay không, lô tái định cư là bao nhiêu mét vuông? Cùng sự băn khoăn về đất tái định cư, bà Phạm Thị Sen ở xã Long An cho rằng có những lô đất tái định cư diện tích chỉ 80m2 là quá chật. Nhiều người dân xã Long An đã kiến nghị cho phép những trường hợp bố trí tái định cư ở diện tích 80m2 được đóng thêm tiền để chuyển sang những lô tái định cư có diện tích 100m2 trở lên.
* Lo lắng chuyện di dời
Theo quy định của khung chính sách bồi thường dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền, ngoài ra còn được nhận tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm với mức bằng 2 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của UBND tỉnh quy định. Diện tích đất được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư trong thời gian chờ xây dựng nhà ở mới sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà ở là 4 triệu đồng/hộ/tháng, thời gian hỗ trợ là 5 tháng. Đối với các trường hợp được bố trí tái định cư nhưng gia đình không có nhu cầu nhận đất ở cũng được hỗ trợ bằng mức trên. |
Về việc di chuyển vào khu tái định cư, nhiều người dân mong muốn được bố trí các hộ trong gia đình sống gần nhau. Ông Nguyễn Văn Bảo, người dân xã Suối Trầu nói: “Chúng tôi rất mong khi bố trí tái định cư, Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các hộ trong gia đình sống gần nhau để thuận tiện con chăm sóc cho cha mẹ lúc già yếu”. Ông Phan Văn Bôn cùng người dân ở xã Suối Trầu còn kiến nghị cho phép gia đình ông và các con ghép các lô tái định cư lại cho thuận tiện.
Nhiều vấn đề khác liên quan đến việc di dời tới khu tái định cư đã được đặt ra như: Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở (sổ đỏ) cho dân hay dân phải tự đi làm sổ đỏ? Việc đóng tiền đất, tiền hạ tầng ở khu tái định cư đối với những người dân có ít đất ở nơi bị giải tỏa tiền bồi thường không đủ nộp thì giải quyết ra sao? Nhiều người dân đề xuất, khi giao đất cho Nhà nước và được nhận tái định cư thì cần cấp sổ đỏ cho dân luôn, nếu để người dân phải tự đi làm sổ đỏ sẽ rất khó khăn.
Nhiều hộ dân ở xã Suối Trầu cũng kiến nghị nên kéo dài thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà khi chờ xây dựng nhà ở trong khu tái định cư hơn mức 5 tháng như quy định. Các hộ dân đưa ra dẫn chứng cho việc này là trong một thời gian ngắn cả ngàn hộ đến xây dựng nhà sẽ không đủ thợ, khó có thể làm kịp trong khoảng thời gian này.
Lo lắng cho “hậu tái định cư”, nhiều gia đình đắn đo hiện nay việc bố trí tái định cư mới xét đến những người lập gia đình, còn những trường hợp con lớn sắp lập gia đình không được xét, sau này đến khu tái định cư cùng chung sống sẽ rất chật chội. Ông Phạm Văn Vân ở xã Bình Sơn trăn trở: “Tôi có 3 đứa con lớn sắp lập gia đình, nếu sinh sống tại đây tôi có thể chia cho mỗi đứa một ít đất để làm nhà, nhưng vào khu tái định cư chỉ được xét một lô đất xây nhà, lúc các con lập gia đình không biết ở đâu”. Đó cũng là tâm trạng của nhiều người dân nghĩ đến chỗ sinh sống cho gia đình mình sau này.
* Cần xóa tin đồn thất thiệt
Ông Nguyễn Trọng Tài ở xã Cẩm Đường cho biết, trước khi đến với buổi hội nghị tuyên truyền ông đã chuẩn bị 38 câu hỏi. Khi đến hội nghị, ông đọc xong cuốn sổ tay tuyên truyền do Tổ tuyên truyền cấp thì ông chỉ còn 3 kiến nghị và 4 câu hỏi. Những kiến nghị cũng như thắc mắc của ông sau đó cũng đã được cán bộ tuyên truyền trả lời, giải đáp nên ông khá hài lòng. “Từ trước tới nay, đây là lần đầu tiên được cơ quan của tỉnh nói rất rõ cho nhân dân hiểu về dự án liên quan đến Sân bay Long Thành. Việc này mà được làm sớm hơn thì những buổi sáng ở các quán cà phê không có chuyện bàn tán không đúng, kể cả việc phao tin đồn nhảm về dự án như thời gian qua. Rất tiếc việc phổ biến chính sách này đến bây giờ mới thực hiện” - ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Trọng Tài ở xã Cẩm Đường đặt câu hỏi với Tổ tuyên truyền chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Sân bay Long Thành. Ảnh: K.Giới |
Ông Nguyễn Văn Phi ở xã Bình Sơn cũng nằm trong diện bị thu hồi đất cho dự án cho biết, khi đến nghe xong buổi tuyên truyền do tỉnh tổ chức ông đã rõ về các chính sách mà người dân sẽ được hưởng khi bị thu hồi đất. Cũng ở xã Bình Sơn, ông Nguyễn Văn Hồng chỉ thực sự yên tâm khi đến gặp và trao đổi trực tiếp với tổ tuyên truyền về việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông đã hết hạn có được đền bù không. Không chỉ ông Trọng, ông Phi hay ông Hồng mà nhiều người dân ở các xã Cầm Đường, Bình Sơn, Long An và Suối Trầu cũng đã rõ ràng hơn sau khi đi nghe buổi phổ biến các chính sách pháp luật về bồi thường hỗ trợ tái định cư...
Trong 3 ngày, Tổ tuyên truyền của tỉnh đã thực hiện phổ biến chính sách pháp luật về bồi thường, thu hồi đất cho gần 1.500 người dân ở 4 xã (Cầm Đường, Bình Sơn, Long An và Suối Trầu), riêng xã Suối Trầu đông dân nhất được triển khai 3 buổi.
Những buổi tuyên truyền này được thực hiện tại các ấp nơi người dân bị thu hồi đất. Cán bộ Tổ tuyên truyền giải đáp cụ thể từng trường hợp thắc mắc của các gia đình khi Nhà nước thu hồi đất cho dự án như: gia đình sẽ được những gì và không được những gì, các chính sách giải quyết ra sao và người dân có thêm băn khoăn, kiến nghị gì cũng được ghi nhận và tiếp thu đầy đủ.
Khắc Giới