Đồng Nai có tổng cộng 53 mỏ đá, đất đã và đang khai thác. Do đó nếu không tính toán kỹ, trong tương lai, sẽ hình thành những hố sâu với tổng diện tích rộng gần 1.400 hécta phải bỏ hoang để "chờ thời". Vấn đề được đặt ra làm sao để cải tạo các mỏ trên thành những công trình có ích.
[links()]Đồng Nai có tổng cộng 53 mỏ đá, đất đã và đang khai thác. Do đó nếu không tính toán kỹ, trong tương lai, sẽ hình thành những hố sâu với tổng diện tích rộng gần 1.400 hécta phải bỏ hoang để “chờ thời”. Vấn đề được đặt ra làm sao để cải tạo các mỏ trên thành những công trình có ích.
Xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu) - nơi có nhiều mỏ đang khai thác khá sâu |
Cả người dân lẫn chính quyền địa phương - nơi có các mỏ khai thác khoáng sản - đều hy vọng có những định hướng xa hơn để sau khai thác, có thể cải tạo những nơi đó thành khu du lịch hoặc các công trình có ích nhằm khai thác tối đa hiệu quả của đất đai và tránh được nhiều rủi ro khác.
* Cần tầm nhìn xa
Ngoài 13 mỏ đã đóng cửa, Đồng Nai còn có 40 mỏ khai thác đất sét và đá đã được cấp phép với diện tích lên đến 1.260 hécta và trữ lượng 412 triệu m3. Riêng đá khoảng 391 triệu m3, trong đó có 4 mỏ có trữ lượng lớn là Mỏ đá Thạnh Phú 1, xã Thạnh Phú; Mỏ đá Thiện Tân 2; Mỏ đá Thiện Tân 9, xã Thiện Tân (đều thuộc huyện Vĩnh Cửu) và Mỏ đá Tân Cang 1, xã Phước Tân (TP.Biên Hòa) trữ lượng từ 34,8-49,6 triệu m3. Tùy theo trữ lượng khoáng sản để UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên - môi trường cấp phép khai thác độ sâu từ 40-100m.
Đồng Nai hiện có 13 mỏ đã khai thác xong và hiện đang đóng cửa, 40 mỏ đá, đất đã cấp phép khai thác và gần 7 khu mỏ cấp phép thăm dò. Thế nhưng hầu hết các mỏ khoáng sản đều không có quy hoạch sau khai thác khoáng sản sẽ làm gì. Do đó, sau 10-20 năm tới, sẽ có tổng cộng gần 1.580 hécta bỏ hoang chưa biết đến khi nào. |
Theo ông Võ Hồng Vinh, Phó trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường), hiện có những mỏ lượng khoáng sản nhiều, nằm sâu dưới lòng đất và doanh nghiệp được cấp phép khai thác sử dụng công nghệ hiện đại có thể được cấp phép khai thác sâu đến 200-300m. Đồng Nai chưa có mỏ nào được cấp phép sâu như vậy, nhưng một số tỉnh khác như Bình Dương đã cấp phép khai thác sâu đến 200m. Với công nghệ hiện đại, các mỏ đất, đá có thể khai thác ở độ sâu đến gần 500m.
Hiện nay, tại Đồng Nai cũng như cả nước, hậu khai thác khoáng sản vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để biến những vực sâu thành những dự án, công trình có ích. Vì vậy, hàng trăm hécta vẫn đang bỏ hoang khiến chính quyền địa phương, người dân trong vùng lo lắng. Đặc biệt tới đây với những công nghệ hiện đại, Bộ Tài nguyên - môi trường, UBND tỉnh có thể cấp phép khai thác sâu gấp vài lần so với hiện nay thì hiểm họa càng lớn. Mong muốn của người dân là tỉnh, Trung ương trước khi cấp phép cần quy hoạch với tầm nhìn xa để các mỏ sau khai thác có thể mời gọi đầu tư làm các dự án mang lại giá trị kinh tế, xã hội. Đồng thời, quá trình khai thác phải quản lý, giám sát thật chặt không để vượt độ sâu, bề rộng và ô nhiễm môi trường.
GS-TSKH.Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ - quản lý môi trường (Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Đến thời điểm này, trên cả nước chưa có mỏ khai thác khoáng sản nào sau khi đóng cửa được hoàn thổ. Dù Luật Khoáng sản có quy định, nhưng hầu hết chủ mỏ chỉ phục hồi môi trường qua loa rồi bỏ đó. Khoáng sản tại Đồng Nai và các tỉnh, thành khác đều là khai thác không tái tạo, việc này ảnh hưởng xấu đến môi trường trong tương lai”. Ông Bá cũng nhấn mạnh, Luật Khoáng sản đã có quy định khai thác khoáng sản xong phải hoàn thổ nên muốn bảo vệ tốt môi trường cho tương lai, các tỉnh, thành khi cấp phép cho doanh nghiệp cần ràng buộc điều khoản trên vào phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành quản lý thật chặt và xử lý nghiêm các chủ mỏ cố tình khai thác vượt mức quy định về bề rộng và chiều sâu.
* Cân nhắc khi cấp phép
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Phi từng đề xuất UBND tỉnh không nên cấp phép khai thác khoáng sản tại địa bàn huyện nữa vì đã có 13 mỏ đá đang khai thác. Tỉnh nên quản lý chặt hơn quá trình khai thác, vận chuyển để doanh nghiệp lấy đúng trữ lượng được cấp phép và vận chuyển đúng yêu cầu để hạn chế đường sá xuống cấp và ô nhiễm bụi. Đồng thời, UBND tỉnh cũng nên có giải pháp để những khu mỏ trên khi đóng cửa có thể làm các dự án khác, tránh bị bỏ hoang.
Tất cả các mỏ khai thác khoáng sản tại Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác chưa thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường như cũ vì chi phí rất lớn có thể lên 2-4 triệu USD/hécta. Đây cũng là lý do khiến nhiều quốc gia trên thế giới đã hạn chế đến mức thấp nhất việc khai thác các loại khoáng sản không tái tạo. Bởi giữ lại được thì có 2 điểm lợi lớn là: môi trường được bảo vệ, nguồn tài nguyên dự trữ còn nhiều.
Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Bửu Long cho rằng: “Sở dĩ đơn vị có thể cải tạo mỏ đá sau khai thác thành Khu du lịch Bửu Long thu hút vài trăm ngàn khách tham quan/năm như hiện nay là vì quá trình khai thác chỉ tạo ra những hồ sâu từ 30-40m và còn để lại nhiều núi đá nhỏ rải rác trong hồ. Muốn những mỏ đá, đất sau khai thác có thể làm du lịch phải quy hoạch từ đầu và chỉ cho khai thác theo đúng như vậy”.
Ông Nguyễn Việt Tiến, Giám đốc Công ty TNHH du lịch sinh thái Bò Cạp Vàng (huyện Nhơn Trạch) - người có nhiều năm gắn bó với đầu tư khai thác du lịch sinh thái bày tỏ, để không uổng phí cả ngàn hécta khi các mỏ đóng cửa, tỉnh nên thuê đơn vị tư vấn giỏi làm quy hoạch trước khi cấp phép để khai thác xong có thể biến các vùng mỏ trên thành những khu du lịch sinh thái. Như vậy sẽ phát huy tốt giá trị của đất đai và tránh được nguy hiểm, ô nhiễm môi trường.
* Phải kiểm soát chặt chẽ
Theo Sở Tài nguyên - môi trường, những năm gần đây để bảo vệ môi trường, tỉnh đã cắm mốc những khu vực hạn chế khai thác khoáng sản. Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát, xử lý ô nhiễm trong quá trình khai thác nghiêm ngặt hơn. Cụ thể buộc các chủ mỏ phải đầu tư lắp đặt hệ thống phun sương tự động khu xay đá, hố thu nước và đường bê tông kết nối trong khu vực chế biến ra tuyến đường chung.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh đều phải lắp đặt hệ thống giám sát bằng camera tại khu vực vệ sinh phương tiện vận chuyển sản phẩm của mỏ đưa đi tiêu thụ. Những dữ liệu trên được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên - môi trường để giám sát”. Cũng theo ông Chánh, hiện tỉnh quản lý rất chặt các mỏ đang khai thác, thường xuyên kiểm tra nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm để góp phần bảo vệ môi trường tốt hơn.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trước khi cấp phép khai thác khoáng sản UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên - môi trường phải có tính toán cụ thể là sau khai thác sẽ làm gì để tận dụng tối ưu hiệu quả của đất đai. Trên cơ sở đó quy định chi tiết độ sâu, bề rộng của từng mỏ cho phù hợp. Quá trình doanh nghiệp khai thác thì giám sát thật chặt để họ phải làm đúng, như vậy khi ngừng khai thác sẽ dễ mời gọi nhà đầu tư làm các dự án khác.
Theo Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng, thành phố phối hợp với các sở, ngành quản lý chặt các mỏ đang khai thác đá, đất để giảm ô nhiễm xuống mức thấp nhất. Những năm gần đây, bức xúc của người dân về khai thác, vận chuyển khoáng sản đã giảm. Tuy nhiên, TP.Biên Hòa có gần 10 mỏ đã đóng cửa nhiều năm để đó nên việc quản lý rất khó khăn. Với 10 mỏ đang khai thác, thành phố cũng mong UBND tỉnh sớm nghiên cứu giải pháp cải tạo các khu mỏ đã đóng cửa thành những công trình đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho hay: “Thời gian qua, cũng có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu dự tính đầu tư điện mặt trời tại các khu mỏ đã đóng cửa. Nếu có thể làm được điện sạch từ những khu mỏ đá sẽ là một trong những giải pháp hay cho những khu mỏ đã đóng cửa. Tuy nhiên, đến nay chưa có doanh nghiệp nào chính thức xin cấp phép đầu tư”.
Hương Giang