Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa trái xoài xuất khẩu

09:05, 20/05/2019

Tuy trái xoài Đồng Nai rất giàu tiềm năng xuất khẩu nhưng loại trái cây được cho là đặc sản của Đồng Nai này từng rơi vào cảnh "giá rẻ như cho" vẫn không có người mua. Gần đây, Việt Nam đã có lô xoài đầu tiên xuất khẩu thành công vào thị trường Hoa Kỳ. Nhưng mở rộng kênh xuất khẩu để trái xoài có đầu ra bền vững vẫn là bài toán khó.

Tuy trái xoài Đồng Nai rất giàu tiềm năng xuất khẩu nhưng loại trái cây được cho là đặc sản của Đồng Nai này từng rơi vào cảnh “giá rẻ như cho” vẫn không có người mua. Gần đây, Việt Nam đã có lô xoài đầu tiên xuất khẩu thành công vào thị trường Hoa Kỳ. Nhưng mở rộng kênh xuất khẩu để trái xoài có đầu ra bền vững vẫn là bài toán khó.

Bà Nguyễn Thị Kim Mai (bìa phải) hướng dẫn nông dân quy trình trồng xoài sạch đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên
Bà Nguyễn Thị Kim Mai (bìa phải) hướng dẫn nông dân quy trình trồng xoài sạch đạt chuẩn xuất khẩu. Ảnh: B.Nguyên

Đồng Nai đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đầu tư cánh đồng lớn; hướng dẫn sản xuất xoài tiên tiến đạt chuẩn xuất khẩu để loại trái cây giàu tiềm năng xuất khẩu này có thị trường bền vững.

* Long đong... đặc sản

Vài tuần trở lại đây, giá xoài ba mùa mưa chỉ còn khoảng vài ngàn đồng/kg; xoài Đài Loan chỉ từ 10-12 ngàn đồng/kg. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc, giống xoài đặc sản thường bán được giá cao hiện cũng bị rớt giá và chỉ còn từ 16-18 ngàn đồng/kg. Tại một số xã vùng sâu, giá xoài còn thấp hơn mức bình quân nói trên. Điều nông dân lo lắng hơn là dù chấp nhận bán với giá lỗ vốn nhưng vẫn không dễ tìm được người mua.

Ông Phan Bá Long, nông dân xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) bày tỏ lo lắng: “3 tuần nay, xoài ba mùa mưa chỉ bán được 2 ngàn đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc cũng chỉ còn 16 ngàn đồng/kg mà gọi thương lái cũng không đến mua. Liên hệ với các chủ đại lý thu mua trái cây, họ cũng nói chưa mua ngay được vì cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều chậm “ăn” hàng. Nhiều nhà vườn đã có hiện tượng xoài chín rụng đầy gốc nên thiệt hại càng lớn hơn”.

Cũng chung tâm trạng, ông Lê Hồng Thi, nông dân trồng xoài tại xã Phú Lý chia sẻ: “Hiện nông dân đang rất khốn khổ tìm đầu ra cho trái xoài. Chúng tôi mong ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương quan tâm hơn, không nên “bỏ mặc” nông dân tự tìm thị trường. Chúng tôi mong có sự hỗ trợ, định hướng hết sức cụ thể về nhu cầu của thị trường hiện nay về trái xoài để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp”.

Ngay cả giống xoài đặc sản cát Hòa Lộc vốn được thị trường ưa chuộng, thường bán được với giá cao hơn nhiều so với các giống xoài khác hiện cũng khó gọi thương lái thu mua. Theo bà Nguyễn Thị Kim Mai, Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán): “Xoài cát Hòa Lộc là giống đặc sản của Việt Nam nên không lo “đụng hàng” với các nước khác. Từng có nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản, Hoa Kỳ muốn ký hợp đồng bao tiêu trái xoài này xuất khẩu nhưng đều vuột mất cơ hội vì không đủ nguồn hàng cung cấp”.

* Sản xuất theo chuẩn xuất khẩu

Với mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu xoài, Đồng Nai đã triển khai các dự án cánh đồng lớn cho trái xoài, hỗ trợ cho nông dân làm chứng nhận VietGAP cho trái xoài; mở các lớp tập huấn trồng xoài theo chuẩn xuất khẩu của Nhật Bản... Nhưng đến nay, trái xoài vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Vụ thu hoạch năm nay, xoài mất mùa, giảm năng suất từ 20-30% so vụ thu hoạch năm ngoái nhưng trái xoài vẫn rớt giá vì thị trường Trung Quốc đang siết chặt việc nhập khẩu trái cây theo đường tiểu ngạch. Theo nông dân trồng xoài, dự án cánh đồng lớn, sự liên kết sản xuất theo quy mô lớn vẫn còn lỏng lẻo; hiệu quả thực tế chưa cao nên chưa đáp ứng được những thị trường khó tính.

Bà Kim Mai chỉ ra những cái khó trong việc chuẩn về khâu sản xuất của nông dân: “Điểm “nghẽn” lớn nhất trong sản xuất an toàn đạt chuẩn xuất khẩu là nông dân mình vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, vẫn giữ thói quen lạm dụng phân, thuốc hóa học để có năng suất cao, trái xoài to, bóng. Trong khi đó, sản xuất sạch tốn kém và mất nhiều công chăm sóc hơn và hiện thị trường cho trái sạch vẫn còn bấp bênh. Điều cần nhất là nông dân phải thay đổi từ tư duy sản xuất, kiên định làm theo hướng an toàn mới mong có đầu ra bền vững”.

Cũng theo bà Mai, hiện có doanh nghiệp đang đặt vấn đề hợp tác với trang trại của bà về việc bao tiêu trái xoài xuất khẩu. Theo đó, trang trại có nhu cầu liên kết với nông dân trồng xoài theo hướng sinh học; thực hiện việc bao trái để hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học... Trang trại sẽ chuyển giao kỹ thuật sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu, nhất là kỹ thuật xử lý cho trái nghịch vụ cho những nông dân tham gia chuỗi liên kết.

Ông Nguyễn Quân, Giám đốc Công ty Northwest Evergreen.Co. tại Washington, D.C (Hoa Kỳ) cho biết: “Tôi đang hợp tác với Tổ hợp tác trái cây an toàn Lộc Mai với mong muốn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ trái xoài cát Hòa Lộc. Qua khảo sát tại thị trường Hoa Kỳ, tôi thấy không có loại xoài nào ngon bằng giống xoài cát Hòa Lộc nên đã nhiều lần về Việt Nam tìm vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu”.

Theo ông Quân, doanh nghiệp đầu tiên vừa xuất khẩu lô xoài đầu tiên vào thị trường Hoa Kỳ đã mất 10 năm chuẩn bị. Điều này cho thấy yêu cầu của thị trường Hoa Kỳ rất khắt khe. Nhưng tiềm năng của thị trường này là rất lớn, cửa thị trường cũng đã mở, nông dân cần thay đổi ngay thói quen sản xuất để không bỏ lỡ cơ hội lớn này.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều