Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai luôn ở tốp đầu trong phát triển kinh tế

08:05, 05/05/2019

Đồng Nai là cửa ngõ giao thông của vùng, nơi có công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước và phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu các tỉnh, thành...

Đồng Nai là cửa ngõ giao thông của vùng, nơi có công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước và phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu các tỉnh, thành...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh tại hội nghị xúc tiến thương mại tại chỗ cho doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vào cuối năm 2018
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh tại hội nghị xúc tiến thương mại tại chỗ cho doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vào cuối năm 2018. Ảnh: Hương Giang

Theo UBND tỉnh, nhiều năm qua Đồng Nai luôn giữ được mức tăng trưởng GRDP 8-9%/năm. Trên 2 lĩnh vực quan trọng là công nghiệp, nông nghiệp tỉnh có nhiều chính sách đi trước như thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp có chọn lọc từ cách đây gần 10 năm; tập trung nguồn lực cho “tam nông” làm nền tảng cho xây dựng nông thôn mới trước cả nước 2 năm.

* Nhiều lĩnh vực dẫn đầu

Vì có những chính sách đi trước nên tỉnh đang dẫn đầu cả nước trên một số lĩnh vực quan trọng là xây dựng nông thôn mới, công nghiệp, xuất siêu. Đến đầu năm 2019, tỉnh đã có 133/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 100%), trong đó có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: “Hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới giúp đời sống của người dân vùng nông thôn trong tỉnh được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Có những nông dân ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất cho thu nhập 1-3 tỷ đồng/hécta/năm”. Điều dễ nhận thấy ở vùng nông thôn Đồng Nai là “điện, đường, trường, trạm” khang trang, thu nhập người dân nông thôn tăng 3-4 lần so với 10 năm trước.

Với 32 khu công nghiệp được thành lập và 31 khu đã có dự án đi vào hoạt động, Đồng Nai là tỉnh đứng đầu Việt Nam về phát triển khu công nghiệp. Các khu công nghiệp của tỉnh có tỷ lệ lấp đầy 78%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Có 10 khu công nghiệp đã lấp đầy và tiến hành làm hồ sơ xin mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Hồ Văn Hà, thu hút đầu tư FDI của Đồng Nai đã được hơn 1.400 dự án với tổng vốn đăng ký còn hiệu lực gần 29 tỷ USD. Đến thời điểm này, đã có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Những dự án tỉnh thu hút những năm gần đây hầu hết có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, công nghiệp hỗ trợ. Các doanh nghiệp trong nước cũng đầu tư vào tỉnh 233,2 ngàn tỷ đồng. 

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa).
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa).

* Hội nhập nhanh và bền vững

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Đồng Nai là tỉnh tham gia vào hội nhập nhanh và các doanh nghiệp đã biết tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương lại tự do mang lại để mở rộng thị trường xuất khẩu.

TS.Phạm Văn Chắt, giảng viên cao cấp, Trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhận xét: “Các doanh nghiệp Đồng Nai có sự chuẩn bị khá sớm nên khi các hiệp định thương mại tự do ký kết, có hiệu lực là nắm bắt ngay được cơ hội để hưởng các ưu đãi về thuế. Doanh nghiệp chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước để đảm bảo yêu cầu về xuất xứ hàng hóa đã góp phần cho xuất siêu của tỉnh tăng cao”.

Từ năm 2014, Đồng Nai bắt đầu chuyển sang xuất siêu, trước cả nước 3 năm và liên tục tăng trong những năm qua. Sở Công thương cũng thường xuyên mời các chuyên gia, tham tán thương mại từ các nước mà Việt Nam đã và sắp ký các hiệp định thương mại về giao lưu với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các doanh nghiệp nắm rõ những chính sách mới của những thị trường đang hoặc dự định sẽ đưa hàng hóa qua. Các tham tán, công sứ là cầu nối đưa những doanh nghiệp nước sở tại về Đồng Nai để liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng đầu tư, tiêu thụ hàng hóa.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Ngoài xúc tiến đầu tư, thương mại ra nước ngoài, tỉnh rất chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ cho doanh nghiệp trong nước, FDI gặp gỡ ký kết cung ứng sản phẩm cho nhau để giảm nhập khẩu. Có nhiều doanh nghiệp FDI cũng như doanh nghiệp trong nước đã tìm nguồn nguyên liệu sản xuất tại Đồng Nai và các tỉnh lân cận nên chủ động hơn trong sản xuất”. Nhiều lĩnh vực sản xuất của Đồng Nai đã giảm nhập khẩu nguyên liệu như: dệt may, giày dép, điện tử, máy móc...

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giữ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế của cả nước có sự góp sức rất lớn từ Đồng Nai.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích