Trong những năm qua, dù nguồn ngân sách luôn trong tình trạng hạn hẹp, nhưng UBND tỉnh vẫn cố gắng bố trí vốn để có thể triển khai xây dựng các tuyến đường, đặc biệt là đường giao thông cho những vùng nông thôn.
Trong những năm qua, dù nguồn ngân sách luôn trong tình trạng hạn hẹp, nhưng UBND tỉnh vẫn cố gắng bố trí vốn để có thể triển khai xây dựng các tuyến đường, đặc biệt là đường giao thông cho những vùng nông thôn.
Thi công đường Sông Nhạn - Dầu Giây Ảnh: K.GIỚI |
Kinh tế phát triển, nhu cầu đầu tư cho hệ thống giao thông là khá lớn. Nhìn vào bức tranh giao thông nông thôn hiện nay có thể thấy khá rõ điều này.
* “Nhựa hóa” gần như toàn tỉnh
Trong năm 2018, huyện Xuân Lộc đã chi hơn 40 tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, bên cạnh đó còn vận động nhân dân cùng đóng góp kinh phí, ngày công để sửa chữa các tuyến đường đảm bảo giao thông. Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho biết, hằng năm huyện vẫn phải dành nguồn vốn khá lớn cho giao thông để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
Trên địa bàn Đồng Nai có 7 dự án giao thông được đầu tư theo dạng PPP (đối tác công - tư) thuộc thẩm quyền của tỉnh quyết định, trong đó 5 dự án theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) với tổng số vốn gần 3.600 tỷ đồng và 2 dự án được đầu tư theo hình thức BT quỹ đất (xây dựng - chuyển giao) với số vốn gần 1 ngàn tỷ đồng. Phương án đầu tư theo dạng PPP đã giúp huy động được nguồn vốn lớn để triển khai các dự án. |
Cũng như huyện Xuân Lộc, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh việc phát triển hạ tầng giao thông nông thôn đã được quan tâm đầu tư khá mạnh. Theo số liệu thống kê của Sở Giao thông - vận tải, ở thời điểm năm 2008, tỷ lệ nhựa hóa các tuyến đường huyện chưa đến 60% thì đến nay đã lên đến 90% (hơn 1 ngàn km).
Ngoài ra, những trục đường xã, liên xã được thảm nhựa hoặc bê tông đạt theo tiêu chuẩn của Bộ Giao thông - vận tải thời gian 10 năm trước chỉ đạt tỷ lệ hơn 30%, đến nay đã lên đến 92%, đạt gần 1.100km đường được nhựa hóa. Ở cấp độ trục đường thôn, xóm, tỷ lệ được đầu tư đạt chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông - vận tải cũng lên đến trên 1.500km, đạt 96% và tăng 58% so với năm 2008.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Thanh Bình, việc đầu tư cho giao thông nông thôn được thực hiện khá tốt trong những năm qua trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Vừa qua, đoàn công tác Ủy ban Kinh tế Quốc hội làm việc tại tỉnh cũng đánh giá cao việc xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là công tác đầu tư hạ tầng nông thôn nhưng không bị tình trạng nợ như một số địa phương.
* Hàng ngàn tỷ đồng cho các dự án
Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hơn 2.500km đường và xây dựng được 45 cầu bê tông cốt thép. Tổng kinh phí thực hiện lên đến hơn 7.300 tỷ đồng (tương đương vốn cho đầu tư phát triển của tỉnh cả năm 2018). Cụ thể, các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh 2.700 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 2.200 tỷ đồng, số tiền do nhân dân đóng góp và xã hội hóa hơn 2.400 tỷ đồng, trong khi đó vốn từ Trung ương chỉ hơn 4 tỷ đồng. Đây là một nỗ lực rất lớn của tỉnh trong việc đầu tư hạ tầng giao thông.
Không chỉ tập trung cho các dự án giao thông nông thôn, những dự án lớn của tỉnh với số vốn hàng ngàn tỷ đồng cũng được thực hiện đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét như các tuyến đường 769, 768, hương lộ 10, 319... Hiện tại hàng chục dự án cũng đang được tỉnh đưa vào danh mục đầu tư. Chỉ tính riêng các dự án chuyển tiếp từ năm 2018 sang và dự án được duyệt triển khai trong năm 2019 hơn 10 dự án với tổng số vốn gần 3 ngàn tỷ đồng.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ: “Mấy năm gần đây tỉnh tập trung nhiều cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông. Nguồn ngân sách có hạn nên vốn đầu tư cho các dự án cũng được tính toán bằng nhiều hình thức như đối tác công tư (PPP), xây dựng - chuyển giao (BT) hay đầu tư - khai thác - chuyển giao (BOT). Nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông của tỉnh hiện nay là rất lớn, còn khá nhiều dự án đang chờ vốn để đầu tư”.
Vân Nam