Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi họp khẩn với UBND tỉnh Đồng Nai vào ngày 14-5 bàn về giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi trong tình hình mới.
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi họp khẩn với UBND tỉnh Đồng Nai vào ngày 14-5 bàn về giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi trong tình hình mới.
Cấm heo và sản phẩm từ heo từ vùng dịch ra ngoài. Ảnh chụp tại chốt kiểm dịch tạm thời tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên |
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nạn giết mổ lậu đang là nguyên nhân rất lớn gây lây lan dịch tả heo châu Phi tại Đồng Nai, địa phương phải quyết liệt xử lý triệt để tình trạng này.
Tỉnh cũng cần xây dựng một “kịch bản” sát thực tế hơn, hiệu quả hơn với các giải pháp đồng bộ trong chống dịch; nhất là chủ động giám sát, báo cáo về diễn biến dịch bệnh vì quan trọng nhất trong chống dịch là phát hiện sớm, xử lý triệt để.
* Lây dịch do giết mổ lậu?
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tính đến ngày 13-5, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi thuộc 5 xã của 3 huyện: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu với 63 con heo mắc bệnh; cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy 867 con (trên 35 tấn thịt).
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: các địa phương trong cả nước phải xác định chống dịch là công tác lâu dài trên quan điểm vừa diệt dịch, vừa phát triển chăn nuôi vì đây đang là sinh kế của hơn 2,5 triệu hộ gia đình. |
Đồng Nai đã lập 7 chốt kiểm dịch động vật tạm thời cấp tỉnh; 17 chốt kiểm soát nội bộ trong huyện. Từ ngày 25-2 đến 5-5, toàn tỉnh kiểm tra tổng cộng trên 2,7 ngàn xe vận chuyển heo qua địa bàn với gần 475 ngàn con, trong đó có 419 xe với gần 85,5 ngàn con được vận chuyển từ các tỉnh, thành khác.
Trong quá trình kiểm tra tại các chốt đã phát hiện và tổ chức tiêu hủy 120kg thịt heo không qua kiểm dịch và kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả heo châu Phi tại huyện Nhơn Trạch.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai Trần Văn Quang chỉ ra nguy cơ chính khiến dịch tả heo châu Phi lan rộng tại Đồng Nai là tuyến quốc lộ 1 đi qua địa bàn tỉnh dài cả trăm cây số, quá trình vận chuyển nếu có heo chết, heo yếu do bệnh là thương lái sẵn sàng đưa vào các lò giết mổ lậu nằm rải rác khắp nơi. Thịt heo bệnh từ các lò mổ lậu ra thị trường, vào bếp ăn tập thể rồi trở thành nguồn lây cho các hộ chăn nuôi khác khi các hộ chăn nuôi này sử dụng thức ăn thừa cho heo ăn.
Ông Quang dẫn chứng: “Ổ dịch lớn nhất tại Đồng Nai là ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) có nguyên nhân từ phương tiện vận chuyển, từ lò giết mổ lậu lây qua trại nuôi vì đây là khu vực trung chuyển nguồn heo từ ngoài tỉnh về. Hiện các ổ dịch đều xảy ra tại các trại chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong trường hợp xảy ra dịch tại trang trại có hàng ngàn hay cả chục ngàn con heo thì sẽ xảy ra rối loạn nếu không chủ động đề ra giải pháp xử lý”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định, tỉnh đã triển khai quyết liệt các giải pháp dập dịch và phòng chống dịch nên đến nay chưa phát sinh ổ dịch mới. Tuần tới, Đồng Nai sẽ tổ chức chương trình tổng động viên, ra quân tháng tiêu độc, sát trùng trên toàn tỉnh nhằm làm sạch môi trường, hạn chế tối đa sự lây lan của mầm bệnh, nâng cao ý thức chống dịch cho người chăn nuôi. |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cũng chỉ ra khó khăn của địa phương: “Chúng tôi đã làm rất quyết liệt trong việc xử lý nạn giết mổ lậu nhưng không dễ vì vi phạm này chưa có cơ chế xử lý hình sự mà chủ yếu vẫn phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe. Trong các giải pháp chống dịch, Đồng Nai cũng đã có văn bản cấm các khu công nghiệp bán thức ăn thừa ra thị trường mà phải xử lý như chất thải; đồng thời tập trung triển khai việc ứng dụng công nghệ cao vào quản lý đàn chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Huỳnh Thành Vinh khẳng định: “Để ngăn ngừa dịch lây lan, tỉnh đã thực hiện hàng loạt giải pháp quyết liệt như: thành lập lực lượng phản ứng nhanh phòng chống dịch tại các cấp phường, xã; tăng cường kiểm tra các địa điểm trung chuyển heo trên địa bàn tỉnh; lập các chốt kiểm dịch; thực hiện việc tiêu độc, sát trùng; phân công các cán bộ đầu mối, các địa phương phải báo cáo hằng ngày thông tin về tình hình dịch bệnh...”.
Đến nay, toàn tỉnh đã sử dụng khoảng 25 ngàn lít hóa chất phục vụ công tác tiêu độc, khử trùng. Ngoài ra, các địa phương cũng dự trữ chống dịch và hỗ trợ cho người chăn nuôi 650 ngàn kg vôi.
* Phải ổn định thị trường
Nói về việc ổn định thị trường heo hơi trong và sau dịch, ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho rằng khi công bố xảy ra dịch, người dân “bán tháo” heo là nguyên nhân khiến heo hơi rớt giá mạnh. Trong khi đó, các hộ chăn nuôi nhanh chóng giảm đàn, nên sau dịch nguồn heo bị thiếu hụt lớn là điều khó tránh khỏi.
Sở Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh về chuẩn bị phương án đảm bảo nguồn cung thịt heo sau dịch; đồng thời xây dựng kế hoạch tăng nguồn cung các sản phẩm khác từ thịt gà, thủy hải sản... cung cấp ra thị trường bổ sung cho nguồn thịt heo bị thiếu hụt. “Mong Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tổ chức giết mổ, cấp đông thịt heo để giải quyết tình trạng ứ hàng trong thời gian xảy ra dịch và có nguồn dự trữ sau dịch” - ông Lộc kiến nghị.
Bàn về giải pháp duy trì chăn nuôi và duy trì nguồn cung thịt heo trong và sau dịch, ông Nguyễn Thiều Nam, Phó tổng giám đốc Masan Group (TP.Hồ Chí Minh) kiến nghị tại hội nghị trực tuyến toàn quốc chống dịch heo châu Phi vừa diễn ra trước đó: “Chính phủ và các cơ quan chức năng nên kiểm soát vấn đề dịch bệnh theo 3 tuyến: tuyến 1 là đảm bảo không cho bất kỳ heo hoặc đàn heo nào nhiễm dịch bệnh được xuất chuồng, xuất trại; tuyến 2 là đảm bảo không có bất kỳ con heo nào nhiễm bệnh vào nhà máy giết mổ; tuyến 3 là kiểm soát thành phẩm khi ra khỏi cơ sở giết mổ để đảm bảo không có bất kỳ sản phẩm thịt heo mất an toàn nào đến tay người tiêu dùng. Trường hợp phát hiện cơ sở giết mổ cố tình vi phạm thì sẽ bị đóng cửa”.
Đại diện doanh nghiệp này còn cho rằng quy định đối với vùng dịch bệnh bị uy hiếp chỉ được phép giết mổ, phân phối trong vùng dịch là bất cập vì các đơn vị có lượng heo được giết mổ quy mô lớn sẽ không thể tiêu thụ hết được nguồn thịt. Trong khi đó, các doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ công nghiệp theo quy mô lớn hầu hết đều tuân thủ tốt; tiếp tay gây phát tán dịch bệnh là các cơ sở giết mổ lậu, nhỏ lẻ lại chưa được kiểm soát.
Bình Nguyên