Để phục vụ cung cấp thông tin cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ Công Thương, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội một số nội dung liên quan đến việc quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá điện.
Để phục vụ cung cấp thông tin cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Bộ Công Thương, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội một số nội dung liên quan đến việc quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu và việc điều hành giá điện.
Khách đến mua xăng tại cửa hàng bán lẻ xăng, dầu số 9 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN) |
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công thương và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, xem xét sửa đổi các quy định về thuế, nghiên cứu quy định thuế bảo vệ môi trường cho riêng xăng sinh học E5, E10, phù hợp với mức phát thải ra môi trường.
Đồng thời, Bộ Công thương chủ trì tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh xăng dầu để thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn và đảm bảo nguồn cung tốt hơn; phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP
để ngày càng hoàn thiện hơn công tác quản lý, điều hành thị trường xăng dầu. Cùng với đó, Bộ Công thương, các tổ chức, cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền về mặt hàng xăng E5RON92 nhằm khuyến khích người dân sử dụng để bảo vệ môi trường.
* Báo cáo công tác điều hành giá điện nêu rõ: Trước phản ảnh của một số khách hàng về hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 4, Bộ Công thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 55 tổng công ty điện lực và một số khách hàng sử dụng điện trên cả 3 miền. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4-2019 tăng là do 3 nguyên nhân: Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công-tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công-tơ của tháng 3-2019.
Như vậy, quá trình điều hành giá điện (cả về mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh) trong thời gian qua nói chung và quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện vào ngày 20-3-2019 vừa qua đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao, cân nhắc nhiều yếu tố, xem xét đánh giá tác động nhiều chiều và bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành bám sát thực tiễn, đề xuất các biện pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành giá điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Theo TTXVN