Ban Chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp dịch tả heo châu Phi tỉnh Đồng Nai vừa làm việc với Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh để nghe giới thiệu chi tiết và bàn kế hoạch triển khai công nghệ Blockchain của Te-food...
Ban Chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp dịch tả heo châu Phi tỉnh Đồng Nai đã làm việc với Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh để nghe giới thiệu chi tiết và bàn kế hoạch triển khai công nghệ Blockchain của Te-food (hệ thống phần mềm quản lý đàn chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh) trên địa bàn Đồng Nai.
Hiện heo vào TP.Hồ Chí Minh đều phải truy xuất nguồn gốc. Trong ảnh: Trại trung chuyển tại Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) trước khi đưa heo đi TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Ảnh: B.Nguyên |
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, công nghệ Blockchain là giải pháp hữu hiệu trong quản lý chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn dịch tả heo châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay. Tuần tới, Đồng Nai sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu và tập huấn cho người chăn nuôi về công nghệ này và ngay sau đó bắt tay vào làm đúng theo lộ trình đề ra.
* Phòng dịch bằng công nghệ cao
Công nghệ Blockchain là hệ thống giúp quản lý đàn chăn nuôi; quản lý dịch bệnh và quản lý truy xuất chuỗi cung ứng. Chương trình chia làm 4 giai đoạn gồm: quản lý đàn và kiểm soát chống dịch bệnh; kiểm soát truy xuất chuỗi cung ứng; kiểm soát tái đàn - tái cơ cấu; hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững. Ứng dụng phần mềm này rất đơn giản, người chăn nuôi chỉ cần dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính tải phần mềm về và thực hiện các bước: đăng ký và khai báo về trại chăn nuôi; khai báo đàn và khai báo dịch; khai báo vận chuyển...
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh, cần cụ thể và đơn giản hóa nội dung chương trình truy xuất nguồn gốc để người chăn nuôi dễ dàng tiếp cận. Công tác quan trọng nhất hiện nay là tập trung tuyên truyền về những lợi ích thiết thực của chương trình để khuyến khích người chăn nuôi chủ động tham gia. |
Chỉ ra nguyên nhân phải áp dụng công nghệ 4.0 trong chống dịch tả heo châu Phi, TS.Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Te-food International nhấn mạnh, dịch tả heo châu Phi có tốc độ lây nhiễm quá nhanh, 100% heo chết khi bị bệnh và ít nhất phải vài năm nữa mới tìm ra vaccine phòng bệnh. Cần các giải pháp đồng bộ, lâu dài, căn cơ trong việc phòng chống đại dịch này và một trong những giải pháp hiệu quả hiện nay là ứng dụng công nghệ cao để phòng chống dịch.
Việc ứng dụng công nghệ Te-food để truy xuất nguồn gốc heo mang lại nhiều lợi ích: để người tiêu dùng yên tâm mua thịt heo khi có thể tự kiểm tra xuất xứ nguồn gốc heo từ trang trại tới nơi bán lẻ. Trung tâm tư vấn hỗ trợ Te-food hoạt động 24/7 để hướng dẫn người chăn nuôi thực hành an toàn sinh học và các thông tin kỹ thuật khác trong chương trình; tạo kênh liên lạc tức thời giữa chính quyền - người chăn nuôi...
Ở đây, người chăn nuôi không chỉ nhận tin nhắn từ cơ quan chức năng mà có thể gửi tin nhắn, hình ảnh phản hồi báo ngay cho cơ quan chức năng về diễn biến dịch bệnh, khi phát hiện nạn vứt xác heo chết bệnh ra môi trường hay những vấn đề liên quan đến chăn nuôi...
TS.Đào Hà Trung khẳng định: “Phần mềm Te-food có nhiều ưu điểm và hiệu quả hơn nhiều so với những phần mềm truy xuất nguồn gốc khác. Chương trình hỗ trợ miễn phí 5 năm; gồm: Chi phí bản quyền, chi phí trung tâm tư vấn; chi phí chỉnh sửa lắp đặt kết nối; chi phí vận hành... Chúng tôi đã có 3,5 triệu mã (code) sẵn sàng cấp cho người chăn nuôi đăng ký tham gia chương trình này”.
* Nhiều lợi ích với người nuôi
Tham gia chương trình, người chăn nuôi có nhiều lợi ích như: được cập nhật thông tin hằng ngày về giá heo, giá thức ăn chăn nuôi, giá vaccine; thông tin về người mua heo, về dịch bệnh; các hỗ trợ của Nhà nước; được ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ heo; hỗ trợ nhận đền bù nhanh khi xảy ra dịch; được ưu tiên kiểm dịch và vận chuyển, giết mổ…
Là địa phương từng triển khai thí điểm chương trình Te-food, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Nguyễn Đình Cương chỉ ra những khó khăn khi triển khai vào thực tế: “Các trang trại chăn nuôi lớn đã quan tâm thực hiện truy xuất nguồn gốc cho heo nhưng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn lơ là. Người chăn nuôi vẫn e ngại trong khai báo thông tin về chăn nuôi. Khi được nhận hỗ trợ thì người chăn nuôi chủ động khai báo thông tin còn lại họ thường tránh né hoặc cung cấp thông tin chưa chính xác. Cần có chính sách hỗ trợ song song để khuyến khích người chăn nuôi trung thực trong thống kê đàn”.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Liên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết thêm: “Khi chúng tôi về các trại chăn nuôi làm công tác thống kê đàn trong giai đoạn dịch bệnh đang bùng phát, nhiều trại không cho người ngoài vào bên trong nên khó nắm chính xác về số heo của từng hộ. Mặt khác, số lượng tổng đàn lại liên tục biến động, có trại thay đổi con số hằng ngày do xuất bán heo. Khó khăn khác là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đa số là người lớn tuổi không rành sử dụng điện thoại thông minh, đây cũng là vấn đề cần lưu ý khi triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc heo”.
Bình Nguyên