Trong 2 năm: 2019 và 2020, Đồng Nai cần khoảng 650 tỷ đồng để đầu tư cho công trình nước sạch nông thôn. Trong đó, dự tính vốn đầu tư chủ yếu là từ nguồn xã hội hóa...
Trong 2 năm 2019 và 2020, Đồng Nai cần khoảng 650 tỷ đồng để đầu tư cho công trình nước sạch nông thôn nhằm nâng số hộ được sử dụng nước sạch lên 80% (tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đến cuối năm 2018 đạt 70%). Trong đó, dự tính vốn đầu tư chủ yếu là từ nguồn xã hội hóa.
Nhà máy cấp nước sạch Thiện Tân tại xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: H.GIANG |
Để hoàn thành kế hoạch cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2019-2020, ngoài ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng các sở, ngành, địa phương phải huy động nguồn vốn xã hội hóa khoảng 450 tỷ đồng.
* Ngại khó thu hồi vốn
Để cung ứng đủ nước sạch cho gần 200 ngàn người trong gần 2 năm tới thì Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phải phối hợp với các huyện mời gọi các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mới, nâng cấp khoảng 38 công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, vận động trên 16 ngàn hộ ở những vùng sâu, vùng xa mà hệ thống nước sạch khó đi tới lắp đặt thiết bị lọc nước gia đình.
Theo Trung tâm nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, kế hoạch năm 2019, sẽ vận động gần 11,3 ngàn hộ dân vùng sâu, vùng xa không thể đưa đường ống dẫn nước sạch về lắp đặt thiết bị lọc nước nhỏ lẻ hộ gia đình để có nước sạch sử dụng. Những hộ nghèo, dân tộc thiểu số lắp đặt thiết bị lọc nước sẽ được hỗ trợ 70%, hộ chính sách và cận nghèo hỗ trợ 60%. Mỗi bộ lọc nước có giá 4,5 triệu đồng, lọc 10 lít/giờ. |
Trong vòng 2 năm, để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư 450 tỷ đồng xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước sạch nông thôn là điều rất khó khăn bởi nếu không có những chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn, doanh nghiệp sẽ không đầu tư.
Đơn cử trước đây có gần 20 doanh nghiệp xin đầu tư các công trình nước sạch vùng nông thôn, nhưng sau khi tìm hiểu nhận thấy khó tiếp cận các chính sách ưu đãi, trong khi thời gian thu hồi vốn khoảng 16-18 năm thì đã có 5 doanh nghiệp rút lui.
Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: “Tỉnh có chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư các công trình nước sạch nông thôn là vay vốn ưu đãi 7%/năm, hỗ trợ đất sạch. Tuy nhiên, nguồn vốn vay ưu đãi rất khó tiếp cận vì đòi hỏi nhiều thủ tục mà doanh nghiệp không đáp ứng được nên rất khó mời gọi nguồn vốn xã hội hóa”.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn ngại công trình đầu tư xong, người dân nông thôn chỉ sử dụng nước trong mùa khô còn mùa mưa dùng nước mưa thì thời gian thu hồi vốn có thể còn lâu hơn nữa. Ông Phạm Thế Tăng, Trưởng phòng Kế hoạch - kỹ thuật Công ty cổ phần cấp nước Đồng Nai cho hay: “Trong năm 2017 và 2018, công ty đầu tư mạng lưới nước sạch cho các huyện khoảng 319 tỷ đồng, nhưng doanh thu tiền nước chỉ được hơn 17 tỷ đồng, không đủ chi trả các chi phí tiền điện, lương cho người lao động, lãi suất vốn vay ngân hàng...”.
Cũng theo ông Tăng, đầu tư các công trình cấp nước sạch nông thôn của công ty đang bị thua lỗ. Do đó, công ty đang phải lấy lợi nhuận từ các nguồn cấp nước đô thị, cấp nước công nghiệp để bù lại. Nhưng hiện công ty đã cổ phần nên nếu đầu tư lỗ liên tiếp thì các cổ đông sẽ không đồng ý.
Một số công ty xin đầu tư dự án nước sạch nông thôn cho hay, nếu tỉnh tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi 7%/năm, khi xây dựng xong hệ thống nước sạch phải vận động người dân sử dụng thì các doanh nghiệp mới dám mạnh dạn đầu tư.
* Gỡ khó cho dự án nước sạch
Đầu tư hệ thống nước sạch cho vùng nông thôn rất tốn kém, bởi các hộ gia đình thường ở xa nhau nên đường ống dẫn nước phải kéo dài. Vốn bỏ ra lớn, khả năng thu hồi chậm, lợi nhuận thấp, lại không có những chính sách ưu đãi đi kèm rất khó vận động các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư.
Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho biết: “Có nhiều dự án nước sạch nông thôn chậm triển khai là do vướng vào thủ tục đất đai và vốn vay”. Cụ thể, nhiều dự án nước sạch chủ đầu tư xin mở rộng diện tích gấp 1,5-3 lần so với quy hoạch ban đầu mà muốn mở rộng diện tích phải xin điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và thời gian đợi điều chỉnh khá lâu.
Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài cho hay: “Các công trình nước sạch nông thôn rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hình thức xã hội hóa nên huyện phải đề xuất tỉnh cho xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân ở một số xã”. Thực tế, trên địa bàn huyện Định Quán có dự án cấp nước sạch cho Khu công nghiệp Định Quán và 3 xã xung quanh đã có chủ đầu tư, nhưng gần 10 năm nay dự án chưa thực hiện được vì doanh nghiệp ngại đổ vốn ra không hiệu quả.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết: “Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành đơn giản, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để đầu tư các công trình nước sạch nông thôn với mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân”.
Hiện Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, trong đó nước sạch cho người dân nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Muốn hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch cho nông thôn, tỉnh cần sớm có những chính sách đủ hấp dẫn doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư.
Hương Giang