Giai đoạn 1988-1993 - thời điểm Đồng Nai bắt đầu tiếp cận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì lượng vốn đầu tư chỉ đạt hơn 200 triệu USD. Nhưng đến nay, vốn FDI vào tỉnh đã đạt 29,2 tỷ USD, gấp hơn 140 lần. Sau hơn 30 năm, Đồng Nai đã trở thành địa phương xếp thứ 4 trên cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương.
Giai đoạn 1988-1993 - thời điểm Đồng Nai bắt đầu tiếp cận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì lượng vốn đầu tư chỉ đạt hơn 200 triệu USD. Nhưng đến nay, vốn FDI vào tỉnh đã đạt 29,2 tỷ USD, gấp hơn 140 lần. Sau hơn 30 năm, Đồng Nai đã trở thành địa phương xếp thứ 4 trên cả nước, chỉ sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương.
Sản xuất thiết bị máy bay tại Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.GIANG |
Theo UBND tỉnh, giai đoạn 1994-1998, FDI mới phát triển tạo ra sự đột phá lớn trong việc tăng trưởng công nghiệp và các lĩnh vực khác của nền kinh tế - xã hội với nhiều dự án lớn của tập đoàn: Fujitsu, Kao, Samsung, Kolon, Chrysler, C.P., Cargill... Đây là thời kỳ được xem là “làn sóng đầu tư nước ngoài” đầu tiên vào Việt Nam và Đồng Nai là tỉnh đi tiên phong.
* Luôn trong nhóm dẫn đầu
Từ những ngay đầu mở cửa đón dòng đầu tư FDI, Đồng Nai đã trở thành nơi được doanh nghiệp các nước chọn là “cứ điểm” đầu tiên. Sau một thời gian hoạt động thành công, nhiều doanh nghiệp mới dần mở rộng đầu tư ra các tỉnh thành khác. Cụ thể như: Samsung, C.P., Cargill, Hyosung, Taekwang Vina...
Ông Chung Wen Cheng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - văn hóa Đài Bắc tại TP.Hồ Chí Minh: “Đài Loan có chính sách “hướng Nam” nên Đồng Nai sẽ là một trong những điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong thời gian tới. Hiện Đồng Nai đang là một trong 3 tỉnh ở Việt Nam được doanh nghiệp Đài Loan chọn đầu tư nhiều nhất”. |
Mất 2 năm từ 1999-2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới, mức độ hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam lúc này chưa sâu rộng đã làm suy giảm đầu tư cả nước, trong đó có Đồng Nai. Vì thế những dự án cấp mới vẫn ổn định nhưng vốn giảm do không có các dự án lớn mà chủ yếu là dự án quy mô vừa và nhỏ.
Khoảng thời gian năm 2001 -2010, dòng vốn FDI đổ vào tỉnh có sự đột phá đạt 9 tỷ USD, bình quân mỗi năm vốn đăng ký 900 triệu USD. Dự án đầu tư lớn nhất trong giai đoạn này thuộc Tập đoàn Formosa Đài Loan với vốn đầu tư 951 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam với vốn đầu tư hơn 563 triệu USD và các dự án bất động sản Khu dân cư Long Tân - Phú Hội 290 triệu USD, Khu phức hợp và khách sạn 5 sao 100 triệu USD, Khu dân cư Water front (TP.Biên Hòa) 750 triệu USD và Khu dân cư Aqua City (TP.Biên Hòa) gần 519 triệu USD.
Từ năm 2011 đến nay, thu hút đầu tư dự án FDI theo định hướng của tỉnh là ưu tiên công nghiệp hỗ trợ, ít ô nhiễm môi trường, công nghệ cao... Giai đoạn này đã thu hút được 7,3 tỷ USD. Có nhiều dự án lớn, ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, y tế thuộc Công ty TNHH Lixil VN có vốn đăng ký 441 triệu USD, Công ty TNHH SMC Manufacturing hơn 111 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai 660 triệu USD... Điều này cho thấy dấu hiệu của “làn sóng đầu tư nước ngoài” thứ hai vào Đồng Nai với các dự án ngày càng phù hợp với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.
Phó tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh Chung Minchul cho rằng, Đồng Nai đón được nhiều nhà đầu tư đến từ nước này vì chính sách của tỉnh thông thoáng, chưa kể đây là cửa ngõ giao thông vùng, khí hậu thuận lợi, thổ nhưỡng tốt nên tốn ít chi phí cho xây dựng nhà xưởng sản xuất. “Hầu hết các tập lớn của Hàn Quốc như: Hyosung, Taekwang Vina, Chang Shin, CJ, Wosung... đều đặt nhà máy sản xuất tại Đồng Nai. Thời gian qua, các tập đoàn trên không ngừng mở rộng sản xuất tại Đồng Nai và nhiều tỉnh thành khác” - ông Minchul nhấn mạnh.
* Hướng tới nền công nghiệp xanh
Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đã được cấp phép đầu tư. Trong đó, 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 1.260 dự án FDI và 430 dự án của nhà đầu tư trong nước với tổng vốn 26,8 tỷ USD. Tỉnh trở thành nơi phát triển công nghiệp nhất cả nước và là một trong những tỉnh thành thuộc nhóm đầu của cả nước về thu ngân sách. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp cũng giải quyết việc làm cho gần 600 ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Hơn 10 năm qua, giá trị ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh luôn giữ mức tăng trưởng bình quân hơn 8%/năm.
Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty TNHH Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa). Tên ảnh Taekwang. |
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái đánh giá: “Nhiều năm nay, Đồng Nai thu hút vốn FDI chú trọng đến công nghệ, chất lượng dự án, giá trị gia tăng mang lại là điểm ưu tiên hàng đầu để lựa chọn. Dự án vốn lớn nhưng không đảm bảo các yêu cầu của tỉnh đề ra cũng sẽ bị từ chối”.
Mặc dù có sự chọn lọc, nguồn vốn FDI đổ vào tỉnh hằng năm đều vượt kế hoạch đề ra. Hiện có 45 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký 29,2 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với hơn 6,2 tỷ USD, tiếp đến là Đài Loan khoảng 4,8 tỷ USD, Nhật Bản gần 4,5 tỷ USD, Singapore trên 3,5 tỷ USD, Bristish Virgin Island hơn 1,5 tỷ USD và Trung Quốc gần 1,5 tỷ USD.
Khoảng 3 năm trở lại đây, dòng vốn và đơn hàng FDI dịch chuyển về Đồng Nai ngày càng tăng. Lý do, tỉnh là nơi có công nghiệp hỗ trợ phát triển, doanh nghiệp dễ tìm nguồn cung nguyên liệu giảm nhập khẩu và chủ động trong sản xuất. Bên cạnh đó, chính sách thu hút đầu tư, tay nghề lao động, quy trình giải quyết khó khăn vướng mắc của Đồng Nai cũng được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Ông Park Il Bong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hi Knit ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch VI (huyện Nhơn Trạch): “Năm 2006, công ty bắt đầu đến Đồng Nai xây dựng nhà xưởng sản xuất các loại vải cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 25 triệu USD, sau một thời gian hoạt động hiệu quả, công ty đã nâng vốn lên 123 triệu USD. Đặc biệt, mọi khó khăn của doanh nghiệp được tỉnh tháo gỡ rất nhanh nên sản xuất kinh doanh tương đối thuận lợi”. |
Hương Giang