Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa khá sớm từ thập niên 1980. Nhưng phải đến năm 2000, khi nhiều dự án FDI đầu tư vào tỉnh đi vào sản xuất thì xuất khẩu có bước tăng trưởng mạnh. Đến nay, tỉnh đã có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm.
Đồng Nai xuất khẩu hàng hóa khá sớm từ thập niên 1980. Nhưng phải đến năm 2000, khi nhiều dự án FDI đầu tư vào tỉnh đi vào sản xuất thì xuất khẩu có bước tăng trưởng mạnh. Đến nay, tỉnh đã có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm.
Theo Sở Công thương, năm 2017, Việt Nam mới bắt đầu xuất siêu thì Đồng Nai đã bắt đầu từ năm 2014. Hơn 5 năm qua, xuất siêu của tỉnh liên tục tăng. Cụ thể năm 2014 chỉ 0,6 tỷ USD đến năm 2018 đã tăng lên 2,6 tỷ USD và 4 tháng đầu năm 961 triệu USD.
* Những nhóm hàng xuất khẩu dẫn đầu
Kim ngạch của Đồng Nai ở những năm đầu xuất khẩu chỉ đạt vài triệu USD/năm, sau đó tăng dần. Năm 2010 là mốc quan trọng khi Đồng Nai xuất khẩu đạt 7,5 tỷ USD, trong những năm tiếp theo, mỗi năm kim ngạch đều tăng trên 1 tỷ USD. Đi cùng với đó, tỉnh tập trung thu hút những doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ để tính bài toán lâu dài cho phát triển công nghiệp.
Hiện nay, tỉnh đã có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD là: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng. Mức tăng trưởng của xuất khẩu bình quân khoảng 12%/năm.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết: “Để mở rộng được thị trường nước ngoài, công ty liên tục nâng cao tay nghề cho công nhân để có thể thực hiện được những đơn hàng may mặc khó trong thời gian ngắn. Do đó, đơn hàng đến với công ty ngày một nhiều, phải thường xuyên tuyển thêm lao động, tăng công suất. Công ty đã nhận được đơn hàng hết năm nay”. Theo ông Yoo Sun Hyung, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hyosung Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch), doanh thu mỗi năm của Hyosung khoảng 1,5 tỷ USD. Hyosung là doanh nghiệp xuất khẩu các loại sợi lớn trên thế giới và gần 90% sản phẩm được bán ra nước ngoài.
* Xuất siêu tăng nhanh
Năm 2010, Đồng Nai nhập siêu khoảng 1,6 tỷ USD, nhưng những năm sau giảm dần và đến năm 2014 thì chính thức chấm dứt nhập siêu, chuyển qua xuất siêu. “Bắt” lấy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, tỉnh đã tiến hành xúc tiến thương mại tại chỗ, giúp doanh nghiệp liên kết, cung ứng sản phẩm cho nhau. Sau 5 năm, xuất siêu của tỉnh tăng hơn 4 lần, chiếm hơn 30% của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm nay, tỉnh xuất siêu khoảng 916 triệu USD và dự kiến cả năm đạt 2,9 tỷ USD.
Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương nhận xét: “Hiện đã có hơn 10 hiệp định đã ký kết và có hiệu lực. Doanh nghiệp muốn hưởng ưu đãi về thuế khi xuất khẩu thì phải đáp ứng các yêu cầu xuất xứ hàng hóa. Trong đó đòi hỏi nguyên liệu phải sản xuất trong nước. Điều này giúp cho tỉnh chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu”.
Theo Bộ Công thương, Đồng Nai là một trong 5 tỉnh thành xuất khẩu, xuất siêu lớn nhất Việt Nam. Sau 44 năm giải phóng, thống nhất đất nước, tỉnh trở thành nơi sản xuất, xuất khẩu lớn của cả nước.
Khánh Minh