Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp hữu cơ là "giấc mơ" vừa nhọc nhằn vừa đẹp đẽ

09:04, 12/04/2019

Xuất thân từ một kỹ sư, bôn ba nhiều năm và cũng kiếm được khá nhiều tiền từ nghề marketing, nhưng năm 2013 Phạm Phương Thảo (ngụ tại TP.Hồ Chí Minh) đột ngột rẽ sang một con đường mà bản thân chưa từng va chạm: làm và bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Chị Phạm Phương Thảo. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Chị Phạm Phương Thảo. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Xuất thân từ một kỹ sư, bôn ba nhiều năm và cũng kiếm được khá nhiều tiền từ nghề marketing, nhưng năm 2013 Phạm Phương Thảo (ngụ tại TP.Hồ Chí Minh) đột ngột rẽ sang một con đường mà bản thân chưa từng va chạm: làm và bán sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Chuỗi cửa hàng hữu cơ Organica ra đời bắt nguồn từ những cơn nghén của người phụ nữ lần đầu tiên làm mẹ của chị Thảo với những băn khoăn rất “thời sự”: làm sao biết thực phẩm mình mua có thực sự sạch hay không? Liệu những gì mình ăn vào ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển của con mình? Và chị quyết định sẽ trồng và bán sản phẩm hữu cơ với suy nghĩ sẽ đem đến cho những người mẹ như mình một nguồn thực phẩm an toàn thực sự.

Nhưng “nói dễ, làm khó”, chỉ 2 năm sau, người mẹ trẻ giàu nhiệt huyết đó đã bất lực ngồi khóc ngay trên trang trại rau hữu cơ tại huyện Long Thành trong một buổi chiều mưa tầm tã vì những ngổn ngang của thời khởi nghiệp: nhân sự thiếu, vốn thiếu, chứng nhận hữu cơ quốc tế chưa đạt được, mùa mưa rau giập nát hết trong khi cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh lay lắt tồn tại và căn nhà duy nhất của gia đình thì đã bán để lấy tiền trồng rau hữu cơ... Cảm giác bất lực đó ấn tượng đến nỗi hiện tại khi Organica đã trở thành cái tên uy tín, quen thuộc trong ngành thực phẩm hữu cơ với 6 cửa hàng tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; có trang trại chuẩn hữu cơ quốc tế, có cả trăm đối tác và những vườn hữu cơ liên kết đàng hoàng, uy tín, có nhiều nhà đầu tư muốn cùng hợp tác mở rộng... chị vẫn tự nhắc mình, nông nghiệp hữu cơ chưa bao giờ là một “con đường rải hoa hồng”.

* Người mẹ trẻ khóc giữa vườn rau

 Vì sao chị chọn tự làm trang trại chuẩn hữu cơ mà không tìm đối tác có sẵn sản phẩm hữu cơ để hợp tác, đơn giản hơn là kiểm tra chất lượng rồi lấy hàng về bán?

- Là bởi tôi muốn trải nghiệm thế nào là làm nông nghiệp hữu cơ một cách thực sự. Tôi quyết định thuê công ty tư vấn nước ngoài tư vấn cho mình toàn bộ quy trình, tiêu chuẩn, giải pháp... và cả hồ sơ, giấy tờ, thủ tục để có thể có một trang trại rau hữu cơ đạt chuẩn châu Âu danh chính ngôn thuận, chứ không phải là “mác” hữu cơ tự nhận, cũng không còn là “sản phẩm canh tác theo hướng hữu cơ” gì hết. Sản xuất hữu cơ không đơn giản chỉ là câu chuyện không dùng hóa chất, đó còn là câu chuyện về đất, về nước, giống, sản phẩm... với quá trình theo dõi sát sao từng ngày, từng luống thậm chí từng cây rau.

May mắn của tôi là có một người bạn cho mượn đất để làm trang trại tại Long Thành. May mắn nữa, khu đất này là đất trại gà bỏ hoang 10 năm, đủ thời gian cho đất đai nghỉ ngơi và hồi phục, do đó khi lấy mẫu đất, mẫu nước gửi đi kiểm nghiệm thì đủ tiêu chuẩn để trồng rau hữu cơ. Chúng tôi chia nhỏ đất thành luống, tìm mua nguyên liệu đầu vào cũng khá khó khăn vì thời điểm đó các thị trường vật liệu để canh tác hữu cơ chưa nhiều. Tóm lại là “hệ sinh thái” cho nông nghiệp hữu cơ 7 năm trước rất hiếm hoi. Tôi phải tìm mua từng chai phân hữu cơ nhập khẩu với giá đắt đỏ.

 Và hành trình để trang trại Organica Đồng Nai trở thành một trong những vườn rau đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn hữu cơ quốc tế ra sao?

- Organica với cá nhân tôi và gia đình là một bước ngoặt liều lĩnh vì thời điểm đó tôi vừa sinh con xong mà phải bán nhà để có tiền làm trang trại. Lúc đó không bán nhà thì không được, vì làm gì cũng cần vốn. Nhưng kể cả bán nhà thì toàn bộ số tiền đó cũng... tiêu tan trong vòng 3-4 tháng.

Năm 2013 bắt đầu làm vườn, đến tháng 8-2015 thì tôi... kiệt quệ. Vốn ít, nhân sự thiếu, đầu ra chưa ổn định. Tôi nhớ trước đó mình xuống vườn Long Thành trong một ngày mưa. Nhìn rau trong vườn giập nát, nhân sự nghỉ hết vì nhiều lý do, cả trang trại 2 hécta không có rau thu, chứng nhận hữu cơ thì vẫn chưa đạt được và cho đến thời điểm đó rau bán tại cửa hàng Organica vẫn là rau canh tác theo hướng hữu cơ chứ chưa nhận được chứng nhận chính thức. Tôi ngồi khóc giữa trang trại rồi lang thang ngoài đường, không dám về cửa hàng vì sợ nhân viên... nhắc nợ, nghĩ bụng chắc là mình thất bại rồi, chắc mình không cầm cự được.

Nhưng sự kiện đã “cứu vớt” tôi chính là vào tháng 10-2015, trang trại Organica Đồng Nai đã đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ do Tổ chức Control Union cấp. Tôi như “sống” lại, thấy được thành quả đầu tiên quan trọng nhất và gom hết những đồng tiền cuối cùng, tôi mở một họp báo nhỏ để công bố là rau của Organica đã chính thức được chứng nhận. Tôi công bố vì nghĩ mình cần có câu trả lời chính thức cho những khách hàng tin tưởng Organica bấy lâu nay, là rau canh tác theo hướng hữu cơ lâu nay đã có chứng nhận. Nhân viên của tôi còn vui hơn cả tôi vì dù nhỏ bé, đó cũng là thành tựu của chúng tôi sau bao ngày vất vả.

Hằng năm, tổ chức đánh giá lại tiến hành các đợt kiểm tra về quy trình làm việc, canh tác và tuân thủ các quy định mà tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và châu Âu đưa ra, liên tục trong các năm 2016, 2017 và 2018 Trang trại Organica Long Thành đều đạt chuẩn hữu cơ của USDA và EU Organic Farming.

Tôi xác định Organica ra đời là để cho người Việt, nên tôi bắt đầu từ những loại rau bình thường trên mâm cơm người Việt: rau muống, rau lang, rau thơm, bầu, bí... Những gì Organica đã đạt được cho thấy chúng tôi đi đúng hướng. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng trong phát triển bởi thị trường thực phẩm hiện nay “thiếu thông tin, thừa nghi ngại”, người tiêu dùng phải nhận thức tốt thì thị trường này mới phát triển mạnh được.

 Câu chuyện người mẹ trẻ khởi nghiệp làm sản phẩm hữu cơ là câu chuyện khá phổ biến về chị. Nhưng cũng nhiều lần chị nói vui rằng chị không dám khuyên ai làm nông nghiệp cả. Vì sao?

- Tôi vẫn được coi là một người phụ nữ làm nông nghiệp hữu cơ với câu chuyện có sức truyền cảm hứng cho những ai muốn khởi nghiệp, nhưng nghịch lý là tôi lại thường khuyên các bạn... đừng làm. Nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ không phải là con đường dành cho những người không chịu được áp lực. Có lẽ ít lĩnh vực nào mà khi đầu tư rất nhiều tiền vào rồi mà nhiều lúc người ta vẫn thấy... chẳng đâu vào đâu vì tiền đã hóa thành đất, thành nước và thành phẩm chưa chắc đã đạt được như mong muốn.

Tôi chứng kiến những người quen ban đầu rất hào hứng theo nông nghiệp sạch, nhưng rồi họ cũng như tôi, òa khóc giữa trang trại hàng chục hécta khi đầu ra không có, sản phẩm bấp bênh... Và trước khi làm nông nghiệp, cần phải xác định rằng đằng sau một câu chuyện thành công bao giờ cũng là mồ hôi và nước mắt, chưa kể 10 câu chuyện khởi nghiệp nông nghiệp thì có bao nhiêu câu chuyện thành công? Với tôi, cho đến lúc này dù đã xác định rất rõ con đường mình đã chọn, bắt đầu có thành tựu song nông nghiệp hữu cơ vẫn là con đường đi rất vất vả, nhọc nhằn dù nó có vẻ đẹp riêng.

* Sự trung thực chính là “vũ khí”

 Organica hiện nay đã là một thương hiệu uy tín với chuỗi cửa hàng thực tế, với hàng ngàn mặt hàng và mạng lưới đối tác rộng. Chị có nghĩ mình sẽ phát triển hoặc bán cổ phần để Organica phát triển nhanh hơn nữa?

- Sau thời điểm có chứng nhận chính thức, doanh thu bắt đầu tăng, Organica bắt đầu có khách hàng, tôi bắt đầu có tiền để thanh toán công nợ, đầu tư thêm vườn, hợp tác với những vườn có chứng nhận hữu cơ khác. Organica cũng nhận được những lời đề nghị hợp tác để mở rộng thêm thương hiệu và mạng lưới. Nhưng tôi vẫn chọn cách làm cẩn trọng, cá tính của tôi không cho phép tôi lựa chọn những điều vượt quá khả năng kiểm soát. Làm và bán sản phẩm hữu cơ là gì? Với tôi, khi đã cam kết với khách hàng về chất lượng sản phẩm, tôi phải theo sát từng chút một để đảm bảo hữu cơ thật sự là hữu cơ, không có sự đánh tráo khái niệm nào ở đây cả.

 Chị có chọn hợp tác với nông dân trong việc sản xuất nông sản hữu cơ không?

- Nông dân chỉ cần 2 thứ: giải pháp và đầu ra. Chỉ cần cung cấp cho họ giải pháp và cho họ đầu ra thì họ sẽ hợp tác với mình. Nhưng tôi bắt buộc phải đồng hành với họ, phải ứng tiền, phải làm cho họ thấy mình luôn ở bên cạnh họ, cùng họ để giải quyết các vấn đề phát sinh. Đó không phải là điều đơn giản với một doanh nghiệp nhỏ như Organica. Vậy nên tôi chọn cách phát triển vườn rau tự thân trước, cả vườn nhiệt đới và vườn ôn đới, rồi hợp tác với các trang trại đã có chứng nhận hữu cơ quốc tế trước. Khi đủ sức, tôi sẽ hợp tác với nông dân.

 Thị trường thực phẩm hữu cơ ngày một trở nên hấp dẫn với cả những tên tuổi lớn như: Vinamit, Vinamilk và sắp tới là những “đại gia” khác, chị có sợ phải cạnh tranh với họ không? “Vũ khí” của chị là gì?

- Nói không sợ thì là nói dối. Tôi có sợ, vì xét cho cùng Organica vẫn là một doanh nghiệp nhỏ, dù có uy tín và thương hiệu riêng song vẫn đang xoay xở để phát triển đúng hướng. Nhưng sợ thì giải quyết được gì? Tôi nghĩ rằng cho đến cùng, “vũ khí” cạnh tranh của chúng tôi chính là sự minh bạch và trung thực. Từng sản phẩm chúng tôi bán đều phải được kiểm soát chặt chẽ từ khi gieo trồng đến khi ra sản phẩm, cam kết với khách hàng bằng cả trái tim, nếu không, chúng tôi làm sao giữ khách? Làm sao tồn tại được giữa thị trường đầy cam go này?

Tôi đã đi nhiều nước để tìm hiểu về thị trường thực phẩm hữu cơ, và nhận ra rằng giữa những thị trường cạnh tranh khốc liệt như châu Âu chẳng hạn, vẫn có những thương hiệu thực phẩm hữu cơ quy mô gia đình tồn tại và phát triển hằng trăm năm chỉ dựa trên một bí quyết duy nhất: làm đàng hoàng, làm chất lượng và giữ chữ tín. Tôi nghĩ Organica của mình cũng sẽ đi theo con đường đó lâu dài.

 Xin cảm ơn chị!

Kim Ngân (thực hiện)

Tin xem nhiều