Đồng Nai không thiếu những cây trồng chủ lực với diện tích lớn, giàu tiềm năng xuất khẩu như: cà phê, điều, chuối, bưởi, sầu riêng..., nhưng cả ngành chế biến và xuất khẩu trái cây tươi đều chưa xứng tầm với tiềm năng.
Đồng Nai không thiếu những cây trồng chủ lực với diện tích lớn, giàu tiềm năng xuất khẩu như: cà phê, điều, chuối, bưởi, sầu riêng..., nhưng cả ngành chế biến và xuất khẩu trái cây tươi đều chưa xứng tầm với tiềm năng.
Sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom |
[links()]Đồng Nai ưu tiên đầu tư phát triển ngành chế biến nông sản với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
* Cần có vùng chuyên canh xuất khẩu
Vài năm trở lại đây, vùng chuyên canh chuối xuất khẩu tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) đã thu hút thương lái Trung Quốc và doanh nghiệp xuất khẩu trái cây trong nước về đầu tư hàng chục vựa thu mua, xưởng đóng gói chuối xuất khẩu. Giá chuối ở vùng này luôn cao hơn nhiều khu vực khác do những lợi thể như: có diện tích trồng lớn; nông dân giàu kinh nghiệm nên chất lượng chuối đồng đều, đạt chuẩn xuất khẩu; thuận lợi về cơ sở hạ tầng như đường, điện...
Theo ông Vy Đức Hiền, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng và tiêu thụ chuối xuất khẩu Tân Thành (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), dù Trung Quốc có tăng hàng rào bảo hộ với mặt hàng trái cây xuất khẩu nhưng nhu cầu của thị trường này với riêng trái chuối và các mặt hàng trái cây khác còn rất lớn.
Để tăng sản lượng trái cây xuất khẩu vào thị trường này, nông sản nông dân sản xuất đạt chuẩn chỉ mới đáp ứng 50% yêu cầu; 50% còn lại là do khâu thu hoạch, đóng gói quyết định. “Muốn mở rộng thị trường xuất khẩu cho mặt hàng trái cây, cần xây dựng được những vùng chuyên canh được đầu tư với diện tích lớn, chất lượng đồng đều; có cơ sở hạ tầng như đường, điện đồng bộ để thu hút giới kinh doanh về lập xưởng sơ chế, đóng gói hàng xuất khẩu” - ông Hiền nói.
* Đầu tư chế biến sâu
Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến - phát triển thị trường nông sản cho biết: “Nông sản Việt Nam không thể mãi loay hoay chờ “giải cứu” hay được mùa mất giá. Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này, cần phải giải quyết bài toán về sản xuất, chế biến và thị trường”.
Từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã chú trọng thúc đẩy toàn diện lĩnh vực chế biến, từ khâu sơ chế, bảo quản đến chế biến tinh và chế biến sâu. Đặc biệt, 2 năm qua Bộ đã có chủ trương đẩy mạnh hình thành và phát triển hệ thống chế biến gắn kết với vùng nguyên liệu; trong đó đẩy mạnh một số ngành chế biến nông sản có công nghệ và thiết bị tương đối hiện đại, mang tầm của khu vực và thế giới.
Vân Phát: Chế biến trái cây tại Công ty TNHH Vân Phát (huyện Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên |
Đây cũng là nội dung trọng tâm của ngành nông nghiệp Đồng Nai. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Giai đoạn 2019-2020, Đồng Nai sẽ tập trung cho nhiệm vụ phát triển công nghiệp trong nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đặc biệt ưu tiên phát triển ngành chế biến nông sản, thực phẩm để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững. Việc cụ thể là cần thành lập ngay các cụm công nghiệp chế biến nông sản tại những địa phương có vùng nguyên liệu lớn”.
Nói về kế hoạch xây dựng các cụm công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: “Có những khu chuyên cho ngành sơ chế, chế biến trái cây, nông sản là nguyện vọng của nhiều cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, cần ưu tiên hình thành các cụm công nghiệp chuyên sâu về chế biến tại các vùng nguyên liệu nông sản lớn. Các địa phương cũng cần làm việc lại với các chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn để ưu tiên một phần quỹ đất cho các doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm kết nối với các vùng nguyên liệu”.
Lê Quyên