Nhằm tồn tại và phát triển, các DN Việt ngày càng chú ý đến xây dựng, quảng bá thương hiệu để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến và lựa chọn.
Nhằm tồn tại và phát triển, các DN Việt ngày càng chú ý đến xây dựng, quảng bá thương hiệu để người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến và lựa chọn. Song điều đầu tiên là DN cần khắc phục được những hạn chế về vốn, tăng tính liên kết.
Sản xuất hàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tại Công ty cổ phần thực phẩm GC (ở Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) |
[links()]Tại Đồng Nai có hơn 30 ngàn DN đã đăng ký thành lập. Những năm gần đây, nhiều DN Đồng Nai trên các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh đã vươn lên khẳng định được tên tuổi, thương hiệu như: GC, Nam Long, Bình Minh, Nhất Nam, Chiếc lá xanh...
* “Gọi tên” những điểm yếu
Các chuyên gia trong nước và thế giới khi nghiên cứu về thị trường, DN vừa và nhỏ Việt Nam đã chỉ ra những điểm yếu cần khắc phục để “trụ” vững và phát triển trong thời kỳ hội nhập sâu như: tính liên kết giữa các DN kém, máy móc thiết bị lạc hậu, chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất kinh doanh trung - dài hạn hiệu quả, chưa chú ý đến quảng bá, xây dựng thương hiệu, quản trị DN còn yếu. Những yếu điểm trên khiến các DN nhỏ của Việt Nam khó bứt phá để vươn lên trở thành những tập đoàn thương hiệu lớn mạnh.
PGS-TS.Nguyễn Tiến Hoàng, giảng viên Trường đại học ngoại thương TP.Hồ Chí Minh nhận định: “DN Việt muốn phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập cần ở thế chủ động và chú trọng xây dựng thương hiệu. Nhà nước cần có những hỗ trợ về chính sách để xây dựng được các thương hiệu quốc gia. Khi có được các thương hiệu quốc gia DN không chỉ giữ được thị phần nội địa mà sẽ xuất khẩu trực tiếp, tăng được giá trị gia tăng và lợi nhuận vì giảm khâu trung gian”.
Một số ý kiến cho rằng, thực ra điểm yếu lớn nhất của DN Việt là thiếu tính liên kết. Tại một số nước phát triển, khi các DN muốn lớn mạnh hơn để trở thành tập đoàn có thể chọn cách liên kết nhiều công ty trên các lĩnh vực để cùng bổ trợ cho nhau. Nhưng tại Việt Nam, xu hướng thường ngược lại, nghĩa là khi công ty lớn mạnh, nhiều người sẽ tách ra để thành lập các công ty nhỏ để làm riêng.
TS.Lê Văn Bảy, chuyên ngành kinh doanh quốc tế Đại học kinh tế Berlin Đức đánh giá: “DN Việt khó lớn mạnh vì khâu liên kết còn yếu nên chuỗi cung ứng sản phẩm thường bị cắt ngắn khó đến tay người tiêu dùng. Tham gia vào hội nhập sâu, DN Việt muốn vươn xa thì phải học cách liên kết tạo thành chuỗi, trở thành những tập đoàn lớn để tăng tính cạnh tranh”.
* Làm sao để vươn xa?
Tại Đồng Nai có những DN nhỏ, siêu nhỏ đã tìm được hướng đi đúng và từng bước khẳng định mình bằng chất lượng sản phẩm và sự tin dùng của khách hàng.
Ông Lê Bạch Long, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (huyện Long Thành) cho biết: “Nhiều năm liền sản phẩm của Nam Long được người tiêu dùng trong nước bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao. Do đó, thị trường trong nước liên tục mở rộng và mức tăng trưởng của công ty là hơn 20%/năm. Để thương hiệu găng tay cao su Nam Long được nhiều người lựa chọn, công ty đầu tư máy móc hiện đại nhằm đảm bảo chất lượng, số lượng, giá cạnh tranh”. Bên cạnh việc dành được thị trường trong nước thì Nam Long mở rộng xuất khẩu hàng vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm G.C (ở Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) - một trong những DN hàng đầu Việt Nam trong chế biến nha đam, thạch dừa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… chia sẻ: “Những ngày đầu gia nhập thị trường, sản phẩm của G.C chưa có tên tuổi, thương hiệu nên khách hàng rất dè dặt. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng thì công ty thường xuyên tham gia các hội chợ, các chương trình giới thiệu hàng Việt để người tiêu dùng trong nước biết đến và đón nhận. Hiện sản phẩm G.C tiêu thụ nội địa và xuất khẩu khá tốt, công ty tiếp tục mở rộng nâng công suất để đáp ứng các đơn hàng trong và ngoài nước”.
Một số DN bước đầu gặt hái được những thành công và khẳng định vị trí của mình trên sân nhà cho rằng, muốn phát triển, các DN phải liên kết để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định. Bên cạnh đó, buộc phải chú trọng và đầu tư đến khâu quảng bá sản phẩm, mở rộng kênh phân phối vì đó là những điểm cơ bản nhất để bán được hàng.
Khánh Minh