Ngày 8-3, Đồng Nai đăng cai tổ chức hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2019 với hàng trăm đại biểu trong cả nước về tham dự.
[links()]Ngày 8-3, Đồng Nai đăng cai tổ chức hội nghị toàn quốc Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2019 với hàng trăm đại biểu trong cả nước về tham dự. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện chương trình NTM năm 2018 và triển khai kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (2010-2020).
Đoàn thẩm định nông thôn mới Trung ương trong chuyến thẩm định tại huyện Định Quán. Ảnh: B.Nguyên |
Cả nước đang phấn đấu về đích sớm trong xây dựng NTM với mục tiêu không chạy theo thành tích mà phải đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. Trong đó, không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn là mục tiêu lớn nhất.
Đồng Nai, Nam Định, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước
Theo Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới Trung ương, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền còn khá lớn. Trong khi tỉnh Đồng Nai, tỉnh Nam Định và TP.Đà Nẵng có 100% số xã đạt chuẩn NTM để chuyển sang giai đoạn nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu, thì một số địa phương khác có số xã đạt chuẩn rất thấp. Cụ thể: vùng miền núi phía Bắc chỉ đạt gần 23% trên tổng số xã; Tây nguyên gần 34%, đồng bằng sông Cửu Long gần 37%... |
Đến nay, cả nước có 3 địa phương đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM là tỉnh Đồng Nai, tỉnh Nam Định và TP.Đà Nẵng. Với 133 xã đạt chuẩn NTM, 26 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, Đồng Nai góp phần tạo nên thành tích chung để chương trình xây dựng NTM của cả nước về đích sớm so với mục tiêu đề ra.
Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng điều phối chương trình NTM tỉnh phấn khởi thông báo, 3 địa phương cuối cùng của Đồng Nai là huyện Tân Phú, huyện Định Quán và TP.Biên Hòa vừa được Hội đồng thẩm định Trung ương bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn huyện NTM.
Như vậy, nếu 3 địa phương trên đều được Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM, Đồng Nai sẽ có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2018. “3 địa phương trên đều được Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá cao về kết quả xây dựng NTM; đặc biệt là huyện Định Quán về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. NTM của Đồng Nai không ngừng được nâng cao vì càng về sau chuẩn của các tiêu chí đều được nâng lên, việc thẩm định cũng khắt khe hơn nhưng Đồng Nai vẫn nỗ lực về đích sớm hơn so với mục tiêu đề ra” - ông Gọi nói.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối chương trình NTM Trung ương (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn), đến nay cả nước có 4.144 xã (46,48%) đạt chuẩn NTM; có 61 đơn vị cấp huyện thuộc 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn NTM.
Điểm nổi bật là kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực theo định hướng cơ cấu lại sản xuất. Đến nay, các địa phương đã tập trung đầu tư và đã phát triển được khoảng 21 ngàn mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Trong đó, có gần 1,1 ngàn chuỗi nông sản an toàn, tăng 352 chuỗi so với năm 2017. Cả nước cũng có khoảng trên 4 ngàn sản phẩm đặc sản, dịch vụ du lịch cấp xã, huyện có lợi thế, là tiềm năng lớn để phát triển chương trình Mỗi xã một sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn truyền thống văn hóa của từng vùng miền. Một số doanh nghiệp chợ đầu mối, trung tâm tiêu thụ nông sản lớn đang dần phát triển hệ thống chuỗi liên kết cung ứng nông sản theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm.
* Trọng “chất” hơn “lượng”
Tuy cả nước đang phấn đấu đạt mục tiêu về đích sớm trong xây dựng NTM nhưng không chạy theo số lượng mà chất lượng càng được xem trọng. Theo đó, ngay từ đầu năm 2018, các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn, trong đó tăng cường phân cấp trách nhiệm của từng cấp và đề cao tinh thần trách nhiệm cho cơ sở.
Cục trưởng - Chánh Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến nhận xét: “Để những kết quả đạt được của chương trình đảm bảo thực chất và bền vững, năm 2018 một số địa phương như: Cà Mau, Hà Tĩnh... đã tổ chức thu hồi quyết định công nhận đạt chuẩn NTM của một số xã có tư tưởng “thỏa mãn”, không tích cực duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí sau đạt chuẩn; chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn còn thiếu bền vững. Trong đó, thu nhập của người dân là một trong số những chỉ tiêu rất được coi trọng trong việc xét lại này“.
Một số kết quả đạt được của chương trình xây dựng nông thôn mới quốc gia trên cả nước và ở Đồng Nai. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
Đây cũng là quan điểm mà Đồng Nai luôn giữ vững trong xây dựng NTM. Tuy đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM ở cấp tỉnh vào năm 2019, “về đích” sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu nhưng vẫn phải giữ vững về mặt chất lượng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh khẳng định: “Sau khi hoàn thành xây dựng NTM, Đồng Nai đang chịu áp lực cả về số lượng và chất lượng, nhất là về chỉ tiêu tăng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Nhưng Đồng Nai không chạy theo thành tích cả trong xây dựng NTM và NTM nâng cao mà muốn đi vào thực chất. Trong đó, việc không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn được chú trọng hàng đầu. Cụ thể, năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của các xã NTM nâng cao phải đạt 64 triệu đồng/người và tăng lên 66 triệu đồng/người vào năm 2020”.
Trên cơ sở kết quả họp Hội đồng thẩm định Trung ương vào tháng 1-2019, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thành thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận thêm 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Vừa qua, Hội đồng thẩm định Trung ương tiếp tục thẩm định thêm nhiều địa phương đạt chuẩn huyện NTM. Với tiến độ như hiện nay, dự kiến trong quý II-2019, cả nước sẽ hoàn thành sớm mục tiêu có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM; có ít nhất 70 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. |
Bình Nguyên