Báo Đồng Nai điện tử
En

Ưu tiên vốn cho dự án giao thông

09:03, 11/03/2019

Năm 2019, Đồng Nai ưu tiên dành vốn ngân sách để thực hiện các dự án giao thông nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn đi lại cho người dân...

Năm 2019, Đồng Nai ưu tiên dành vốn ngân sách để thực hiện các dự án giao thông nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn đi lại cho người dân. Dự kiến năm nay sẽ khởi công mới khoảng 46 dự án.

Dự án mở rộng đường Đặng Văn Trơn (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) được ưu tiên vốn triển khai nhanh
Dự án mở rộng đường Đặng Văn Trơn (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) được ưu tiên vốn triển khai nhanh

Theo Sở Kế hoạch - đầu tư, trong số các dự án triển khai trong năm nay có 6 dự án trọng điểm gồm 4 dự án chuyển tiếp từ năm trước qua và 2 dự án sẽ khởi công mới.

* Chú trọng các dự án cầu, đường

Một trong những giải pháp để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội của Đồng Nai là triển khai nhanh các dự án giao thông kết nối với giao thông vùng để tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, phát triển dịch vụ đi kèm. Cụ thể là những tuyến đường mở mới hoặc nâng cấp mở rộng tại TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh, các huyện Thống Nhất, Trảng Bom... thường kéo theo những khu vực lân cận phát triển mạnh về kinh tế.

Năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao chỉ tiêu kế hoạch sử dụng vốn gần 2.750 tỷ đồng để thực hiện 76 dự án thuộc 8 lĩnh vực là giao thông, hạ tầng công cộng, quản lý nhà nước, nông - lâm - thủy lợi, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội,  giáo dục và y tế. Có 38 dự án chuyển tiếp từ năm trước qua. Trong đó, nhiều dự án là đường giao thông, cầu thuộc địa bàn TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đang thực hiện nhiều dự án giao thông của quốc gia như các tuyến đường cao tốc.

Vì thế trong năm 2019 tỉnh sẽ triển khai nhanh và quyết liệt nhiều dự án cầu, đường như: đường kết nối cảng Phước An; nâng cấp mở rộng đường 319B (huyện Nhơn Trạch); xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên hương lộ 2 với tổng vốn đầu tư gần 390 tỷ đồng; sửa chữa nâng cấp hương lộ 21; mở rộng đường Đỗ Văn Thi (TP.Biên Hòa); dự án đường Sông Nhạn - Dầu Giây; nâng cấp đường 765 đoạn qua huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ; nâng cấp đường Bắc Sơn - Long Thành, Xuân Bắc - Thanh Sơn; xây dựng cầu Thanh Sơn (huyện Định Quán)...

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: “Trong năm 2019, tỉnh ưu tiên vốn triển khai các dự án giao thông để góp phần phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Tuy nhiên các dự án hiện đang vướng khâu giải phóng mặt bằng nên tỉnh đang yêu cầu các địa phương làm nhanh công tác này để có đất sạch triển khai dự án”. Thực tế, nhiều dự án vì vướng công tác giải phóng mặt bằng nên kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các công trình.

Hầu hết các địa phương hiện nay đều có những dự án giao thông mở rộng, nâng cấp đường. Bên cạnh những vướng mắc về bồi thường, nhiều địa phương đề xuất tỉnh rút ngắn thời gian thực hiện dự án và bố trí vốn để thi công nhanh. Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú Nguyễn Văn Nghị đề xuất: “Cần sớm bố trí vốn để mở rộng tuyến đường Tà Lài - Trà Cổ để góp phần phát triển du lịch và tạo thuận lợi cho người dân trong việc vận chuyển nông sản. Nếu tuyến đường này được thi công nhanh sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của huyện”.

Ngoài các tuyến đường, cầu do tỉnh đầu tư thì các địa phương cũng ưu tiên vốn để làm mới, mở rộng các tuyến đường thuộc địa phương quản lý. Những tuyến đường có người dân đi lại nhiều sẽ được thực hiện trước.

* Tìm thêm nguồn vốn khác

Hiện nay, việc thực hiện các dự án giao thông bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) đã tạm ngưng trên phạm vi cả nước nên Đồng Nai đang phải tìm những nguồn khác để triển khai các dự án. Để có đủ vốn ưu tiên cho các dự án giao thông, tỉnh đã huy động từ nhiều nguồn: đấu giá đất, xổ số kiến thiết, cổ phần hóa doanh nghiệp.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận định: “Đồng Nai cần nguồn vốn rất lớn từ ngân sách để thực hiện các công trình giao thông. Trong năm 2019, tỉnh tập trung khai thác nguồn vốn từ cổ phần hóa các doanh nghiệp và đấu giá đất công. Riêng đấu giá đất công trong năm nay dự kiến sẽ được 4 ngàn tỷ đồng. Như vậy tạm thời đủ vốn cho các công trình giao thông, vấn đề còn lại là làm nhanh việc giải phóng mặt bằng để thi công”. Theo ông Trần Văn Vĩnh, các công trình nên hoàn thành sớm các thủ tục để thi công trong mùa khô sẽ thuận lợi hơn, vì mùa mưa nhiều công trình rất khó thi công.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng vướng mắc lớn nhất trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông cũng như các dự án trọng điểm khác về y tế, giáo dục nằm ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nếu các địa phương đều thực hiện tốt việc này thì nhiều dự án sẽ rút ngắn được thời gian, sớm hoàn thành đi vào khai thác, tạo thuận lợi cho địa phương. “Tới đây, tỉnh sẽ tổ chức họp giao ban thường xuyên với các địa phương và sở, ngành về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Như vậy, những dự án gặp khó khăn về bồi thường sẽ được tháo gỡ nhanh” - ông Hà nói.

Thực tế, muốn các dự án giao thông cũng như thuộc các lĩnh vực khác triển khai nhanh, ngoài các yếu tố vốn, bồi thường và giải phóng mặt bằng thì khâu giải quyết hồ sơ cũng rất quan trọng. Theo các doanh nghiệp đầu tư dự án, trong quá trình thực hiện dự án thường phát sinh nhiều vấn đề buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế và thời gian đợi điều chỉnh hồ sơ rất lâu.

Hương Giang

Tin xem nhiều