Trung tâm ƯDCNSHĐN ở xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ được thành lập từ cuối năm 2008 với diện tích gần 208 hécta. Đến ngày 24-5-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 865/QĐ-TTg thành lập Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai trực thuộc UBND tỉnh. Đây là một trong 3 khu công nghệ cao công nghệ sinh học của Việt Nam.
Trung tâm ƯDCNSHĐN ở xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ được thành lập từ cuối năm 2008 với diện tích gần 208 hécta. Đến ngày 24-5-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 865/QĐ-TTg thành lập Khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai trực thuộc UBND tỉnh. Đây là một trong 3 khu công nghệ cao công nghệ sinh học của Việt Nam.
Khu nhà màng đầu tư hàng chục tỷ đồng hiện đang bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng Ảnh: L.Q |
Từ khi đi vào hoạt động đến nay (tập trung ở giai đoạn 2012-2016), có 29 đề tài, dự án khoa học trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi do Sở Khoa học - công nghệ đầu tư tại Trung tâm ƯDCNSHĐN với kinh phí cả trăm tỷ đồng. Hiện đa số các đề tài nghiên cứu đã kết thúc nhưng nhiều mô hình còn vướng mắc trong quá trình bàn giao hoặc chưa có hướng đầu tư mới. Theo đó, cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị được đầu tư của nhiều đề tài đang để không và ngày càng xuống cấp khiến khung cảnh tại trung tâm này khá hoang tàn, xập xệ.
* Xuống cấp, hư hao
Có mặt tại Trung tâm ƯDCNSHĐN trong những ngày gần đây, chúng tôi thấy nơi này khá hoang tàn. Gần 40 nhà màng rộng hàng hécta hầu như để hoang, nóc màng, lưới bên hông rách bung; hệ thống tưới nước tiết kiệm công nghệ cao cũng bị hư hỏng nặng; xung quanh cỏ dại mọc đầy. Theo báo cáo của Ban Quản lý khu công nghệ cao công nghệ sinh học Đồng Nai, đơn vị chỉ mới được bàn giao 2/7 mô hình nhà màng (thuộc nhóm 6 đề tài trồng rau, quả trong nhà màng), còn lại đang trong quá trình nghiệm thu hoặc chưa hoàn tất quyết toán. Hiện nay, hầu như tất cả các nhà màng đều bị hư hỏng và không còn sử dụng được.
Các trại nuôi dúi, chồn, gà Đông Tảo, heo rừng…, mỗi đề tài từng được đầu tư hàng tỷ đồng cũng khá hoang tàn; nhiều trại để trống vì không còn vật nuôi. Theo số liệu thống kê mà chúng tôi nắm được thì hiện mô hình dúi đã không còn vật nuôi do chết vì dịch bệnh; trại chồn cũng không còn mấy con và đều già, bệnh...
Các mô hình vườn cây như: thanh long, tiêu, sầu riêng, bơ…phát triển èo uột, hầu như đều bị dịch bệnh với tỷ lệ cây chết cao. Khi chúng tôi ghé thăm vườn lan trồng trong nhà lưới thì thấy công nhân ở đây đang xử lý thuốc vì cả vườn lan bị nhiễm nấm bệnh đến xác xơ. Theo một cán bộ quản lý ở đây, để duy trì vườn lan này cần hàng trăm triệu đồng/năm trả chi phí công lao động, phân, thuốc, nhưng hầu như không có thu.
* Duy trì cầm chừng
Theo quyết định của UBND tỉnh, từ ngày 1-7-2017, Trung tâm ƯDCNSHĐN trực thuộc Sở Khoa học - công nghệ sẽ chuyển sang trực thuộc Ban Quản lý khu công nghệ cao công nghệ sinh học. Tuy nhiên, do vướng mắc về các thủ tục pháp lý nên đến ngày 20-8-2018, ban quản lý mới tiếp nhận gần đầy đủ tài sản theo quy định. Ban quản lý hiện còn đang trong quá trình đánh giá lại thực trạng tài sản tiếp nhận từ Sở Khoa học - công nghệ.
Mặt khác, theo báo cáo tường trình của ông Trần Minh Tùng, Phó giám đốc Trung tâm ƯDCNSHĐN về việc Sở Khoa học - công nghệ và Trung tâm ƯDCNSHĐN đang phối hợp thực hiện các thủ tục quyết toán và thanh lý các mô hình như: sản xuất thử nghiệm một số giống lan thuộc nhóm Dendrobium, Cattleya, Oncidium, lan rừng trong nhà lưới; ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau ăn lá… Các hồ sơ quyết toán, thanh lý các hợp đồng nghiên cứu khoa học trên hiện chưa được ký vì những nguyên nhân như: trong nội dung các hợp đồng nghiên cứu khoa học của các đề tài trên không xác định vị trí cụ thể của các khối nhà màng được xây dựng; quá trình tổ chức xây dựng các nhà màng chưa đúng quy định (không thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công; không tuân thủ trong phê duyệt kế hoạch đấu thầu); mô hình nuôi bò Droughtmaster quá trình tổ chức xây dựng trại bò chưa đúng quy định; đề tài Xây dựng quy trình nhân nhanh giống và canh tác tạo vùng nguyên liệu cây đinh lăng lá nhỏ chưa có hồ sơ, tài liệu chứng minh khối lượng công việc đã thực hiện…
Theo Ban Quản lý khu công nghệ cao công nghệ sinh học, nhiều đề tài hiện vẫn chưa hoàn thành, chưa được nghiệm thu hoặc đang chờ quyết toán. Hiện Trung tâm ƯDCNSHĐN vẫn được giao tiếp tục duy trì những mô hình từ các đề tài khoa học. Khó khăn hiện nay là không có kinh phí duy trì các mô hình trên. Vì các mô hình này hầu như chưa có nguồn thu để tự nuôi.
Ông Trần Thế Vinh, Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao công nghệ sinh học cho biết, đơn vị đề xuất thanh lý các mô hình chăn nuôi như: nuôi dúi, chồn hương, nuôi bò Droughtmaster… không hiệu quả để sử dụng đất thực hiện các nhiệm vụ khác. Ban quản lý cũng sẽ phối hợp với Sở Khoa học - công nghệ và các cơ quan có liên quan căn cứ các quy định để trình các cấp có thẩm quyền xem xét dừng thực hiện những đề tài không hiệu quả trên diện tích đất do Khu công nghệ cao công nghệ sinh học quản lý. “Chúng tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh trong việc thu hút các nhà đầu tư mới để khôi phục, phát huy hiệu quả của các mô hình vườn cây hiện hữu; khai thác cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, máy móc đã đầu tư từ những đề tài khoa học” - ông Vinh nói.
Trong văn bản báo cáo về tình trạng các đề tài, dự án tại Trung tâm ƯDCNSHĐN, Sở Khoa học - công nghệ kiến nghị UBND tỉnh: Đến nay, một số hợp đồng nghiên cứu khoa học đã hết hạn nhưng do trong quá trình thực hiện hợp đồng có nội dung lập, dựng nhà màng không đúng thủ tục, kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho Sở Khoa học - công nghệ ghi nhận hiện trạng và thực hiện thanh lý hợp đồng nghiên cứu đã có quyết định nghiệm thu của UBND tỉnh. Để hạn chế tình trạng xuống cấp của nhà màng, kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho Sở Khoa học - công nghệ bàn giao nhà màng, tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu cho Trung tâm ƯDCNSHĐN theo quy trình bàn giao tài sản giữa 2 đơn vị. |
Bình Nguyên - Hương Giang