Gần 1 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị toàn quốc về logistics nhằm tìm hướng phát triển mạnh mẽ hơn cho lĩnh vực này, trong đó tập trung vào các giải pháp cắt giảm chi phí và kết nối giao thông...
Gần 1 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hội nghị toàn quốc về logistics nhằm tìm hướng phát triển mạnh mẽ hơn lĩnh vực này, trong đó tập trung vào các giải pháp cắt giảm chi phí và kết nối giao thông hiệu quả.
Xuất hàng tại Cảng Đồng Nai |
Dịch vụ logistics được hiểu đơn giản là dịch vụ cung cấp, xử lý các gói công tác hậu cần liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ. Được đánh giá là lĩnh vực mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế nhưng để ngành dịch vụ này nhanh chóng “chuyển mình”, không phải là chuyện dễ dàng.
* Còn nhiều bất cập
Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến hết năm 2018 cả nước có hơn 3 ngàn doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có tới 90% là DN nhỏ, thậm chí là DN siêu nhỏ có mức vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng; khoảng 5% số DN có vốn từ 10-20 tỷ đồng và 5% số DN còn lại có mức vốn trên 20 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phấn đấu thực hiện là đến năm 2025, tỉ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15-20%; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm tương đương 16-20%; xếp hạng về chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. |
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, phần lớn các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều là DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Không chỉ nguồn vốn ít mà năng lực các DN cũng còn hạn chế và tính liên kết lại kém.
“Thay vì cạnh tranh với nhau bằng chất lượng dịch vụ thì nhiều DN lại đua nhau cạnh tranh bằng giá nên không phát triển được. Theo tôi, tính liên kết của các DN logistics tại Đồng Nai nói riêng và trên cả nước nói chung là rất yếu” - ông Hưng nhận xét.
Cũng theo ông Hưng, do những hạn chế trên nên các DN logistics trong nước thường đảm nhận các công đoạn đơn giản như vận tải nội địa và giao nhận. Giá trị của công đoạn này rất thấp nếu tính trong tổng chuỗi giá trị của logistics trên thị trường.
Ngoài vấn đề năng lực, một số điều kiện khác của các DN cũng còn hạn chế khiến chi phí hoạt động logistics của Việt Nam cao hơn so với một số nước trong khu vực. Cụ thể, chi phí logistics của Việt Nam năm 2018 ở mức từ 17-19% GDP, trong khi đó của Thái Lan là 15% và Singapore là 8%.
Ông Đặng Văn Điềm, Giám đốc Công ty TNHH Thông Quan (TP.Biên Hòa) hoạt động trong lĩnh vực logistics cho hay hạ tầng giao thông yếu kém cũng là một rào cản lớn khiến lĩnh vực này khó tăng tốc. Hạn chế này cũng được Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) khẳng định. Theo VLA, hiện tại vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ, trong khi đường bộ đang bị quá tải, không đáp ứng nhu cầu.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký VLA cho rằng chỉ khi việc kết nối giữa đường thủy với đường bộ tốt hơn, khai thác vận tải đường thủy suôn sẻ hơn thì lúc đó chi phí vận chuyển mới có sức cạnh tranh. Ông Minh cũng đề cập đến một vấn đề khác là hiện nay tình trạng hàng hóa vận chuyển một chiều vẫn còn nhiều khiến chi phí logistics khó giảm.
* Tạo mọi điều kiện
Khơi thông thị trường và tạo điều kiện để DN dịch vụ logistics Việt Nam phát triển là yêu cầu của Chính phủ đặt ra với các bộ, ngành cũng như các địa phương.
Ông Nguyễn Phúc Thọ, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai cho biết trong năm 2018 Cục đã thành lập và đưa vào hoạt động 2 đội nghiệp vụ tại Cảng Đồng Nai và ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch với mục đích tạo điều kiện hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động dịch vụ logistics của tỉnh. Các chương trình cải cách thủ tục hành chính của ngành thời gian qua đều nhắm đến mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho việc thông quan hàng hóa của DN nói chung và hoạt động logistics nói riêng, cụ thể là ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hoạt động từ phương án tiền kiểm sang hậu kiểm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Ông Lương Quang Diệu, Phó giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu Công ty TNHH Luật Việt Á chi nhánh TP.Hồ Chí Minh cho rằng thời gian gần đây công tác cải cách thủ tục hành chính đã có tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu. Nhiều quy định đã được bãi bỏ, đồng thời ứng dụng mạnh công nghệ thông tin cho các khâu làm thủ tục hải quan. Theo ông Diệu, để tạo điều kiện cho dịch vụ logistics trong nước phát triển hơn nữa thì rất cần có sự hỗ trợ mạnh hơn, như các chính sách ưu đãi cho những DN làm dịch vụ này.
PGS-TS.Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam cũng cho rằng để lĩnh vực logistics trong nước phát triển cần đầu tư mạnh cho kết nối các loại hình vận tải, bên cạnh đó là đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này.
Vân Nam