Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều công trình thủy lợi "khát" vốn

10:02, 25/02/2019

Các công trình thủy lợi hiện nay của tỉnh chủ yếu cung cấp nước cho những vùng sản xuất lúa, cây hằng năm với diện tích hơn 20 ngàn hécta/vụ. Rất nhiều vùng hiện đang thiếu các công trình thủy lợi để cung cấp nguồn nước tưới cho cây lâu năm.

Các công trình thủy lợi hiện nay của tỉnh chủ yếu cung cấp nước cho những vùng sản xuất lúa, cây hằng năm với diện tích hơn 20 ngàn hécta/vụ. Rất nhiều vùng hiện đang thiếu các công trình thủy lợi để cung cấp nguồn nước tưới cho cây lâu năm.

Hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom) có dự án sửa chữa, nạo vét trữ nước nhưng chưa triển khai
Hồ Sông Mây (huyện Trảng Bom) có dự án sửa chữa, nạo vét trữ nước nhưng chưa triển khai

Theo quy hoạch UBND tỉnh đã phê duyệt thì giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai cần đầu tư khoảng 4.290 tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với diện tích gần 17,3 ngàn hécta. Ngoài ra nguồn vốn trên dùng thực hiện các công trình tiêu thoát nước cho gần 20 ngàn
hécta và cấp nước trên 50,1 ngàn m3/ngày đêm.

* Chờ đợi nhiều năm

Vào mùa khô huyện Xuân Lộc là nơi hay thiếu nước sản xuất cho cây lâu năm nên huyện đã đề xuất UBND tỉnh cho làm trạm bơm đưa nước từ sông La Ngà về tạo thêm nguồn nước tưới cho gần 1,4 ngàn hécta cây trồng lâu năm của các xã Xuân Bắc, Xuân Thọ và Suối Cao. Thế nhưng, dự án kéo dài nhiều năm đến nay vẫn nằm trên giấy và chưa biết khi nào mới tiến hành xây dựng.

Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Lê Khắc Sơn cho hay: “Nhiều năm nay, huyện đề xuất tỉnh, Trung ương sớm phê duyệt và bố trí vốn xây dựng trạm bơm cấp nước cho 3 xã nhằm nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập của người dân để nhanh hoàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước. Song đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn và bà con rất trông chờ dự án này”. Cũng theo ông Sơn nguồn vốn cần để xây dựng trạm bơm và hệ thống mương dẫn nước là gần 800 tỷ đồng. Các bộ, ngành, tỉnh sau khi khảo sát đều đã thống nhất cho triển khai dự án nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Dự án này đã được đề xuất và khảo sát gần 5 năm nay.

Theo các nhà vườn, nếu có nước đầy đủ có thể xử lý cây ăn trái ra hoa cho trái rải vụ, lợi nhuận có thể tăng gấp 1,5-2 lần so với chính vụ.

Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt thì trong giai đoạn 2016-2020, mỗi địa phương đều sẽ triển khai 5-7 công trình thủy lợi để chống hạn vào mùa khô. Cụ thể như huyện Xuân Lộc có 6 công trình lớn nhưng hiện mới đầu tư hồ Gia Măng và một số công trình kênh mương nội đồng. Huyện Định Quán 7 công trình nhưng phần lớn vẫn đang còn thực hiện thủ tục chưa tiến hành xây dựng được. Huyện Cẩm Mỹ có 5 công trình nhưng chưa xây dựng được 30% theo quy hoạch...

* Thiếu vốn cho thủy lợi

Nguồn vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi khá lớn, trung bình mỗi năm gần 1 ngàn tỷ đồng. Trong đó gồm vốn ngân sách trung ương, tỉnh, địa phương và xã hội hóa. Các dự án công trình thủy lợi là lĩnh vực rất khó huy động xã hội hóa. Nếu có chỉ là vận động người dân làm kênh mương nội đồng ở những đoạn nhánh nhỏ, còn những công trình lớn rất khó vận động người dân, doanh nghiệp tham gia.

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình thủy lợi đang thiếu vốn để đầu tư. Do đó, những công trình các địa phương đề xuất lên tỉnh phải xem xét, ưu tiên vốn cho những công trình quan trọng trước”. Cũng theo ông Minh, các huyện nên có rà soát, đề xuất những công trình thủy lợi cấp thiết cần triển khai sớm để tỉnh cân nhắc bố trí vốn thực hiện cho phù hợp.

Khánh Minh

 

Tin xem nhiều