Báo Đồng Nai điện tử
En

Không "ngủ quên" trên thành tích

10:02, 10/02/2019

Đồng Nai đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, "về đích" sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Trong đó, tỉnh xác định sẽ tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân...

Đồng Nai đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) ở cấp tỉnh vào năm 2019, “về đích” sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu. Theo đó, Đồng Nai không chỉ phải đạt về số lượng các xã, huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao mà phải không ngừng giữ vững và nâng cao cả về mặt chất lượng.

Đoàn thẩm định nông thôn mới của Trung ương thăm Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) vào cuối tháng 1-2019
Đoàn thẩm định nông thôn mới của Trung ương thăm Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) vào cuối tháng 1-2019

Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn là nội dung được tỉnh chú trọng hàng đầu. Trong đó, thu hút đầu tư vào chế biến được cho là một trong những lời giải cho bài toán xây dựng đầu ra bền vững hơn cho nông sản tỉnh nhà.

* Trọng “chất” hơn tăng “lượng”

Trong dịp thẩm định NTM tại Đồng Nai vào tháng 1 vừa qua, Cục trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh: “Xây dựng NTM là việc thường xuyên, lâu dài, có điểm bắt đầu chứ không có điểm kết thúc; nếu không giữ được thì sẽ thu hồi danh hiệu, thực tế một số địa phương trong cả nước đã thực hiện thí điểm thu hồi công nhận xã, huyện NTM. Trong đó, thu nhập của người dân là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong việc xét lại này”. Ông Tiến cũng cho rằng Đồng Nai cần tổ chức những đoàn đánh giá, kiểm tra, rà soát lại để tiếp tục đưa ra những giải pháp nâng cao về chất với những xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, chú trọng mục tiêu không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; góp phần tạo ra dấu ấn để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2019. 

Về vùng nguyên liệu chế biến, toàn tỉnh đã hình thành được 25 vùng cây trồng chủ lực như: tiêu, xoài, bưởi, cà phê, ca cao...; xây dựng được 65 chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, quy mô trên 8,1 ngàn hécta với gần 6,7  ngàn hộ nông dân tham gia

Thể hiện quyết tâm trong xây dựng nông thôn thời “hậu NTM”, Đồng Nai đã kiến nghị với Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cần ban hành quy định về việc xử lý đối với các địa phương không duy trì, giữ vững kết quả sau 5 năm đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, tỉnh còn kiến nghị Trung ương hướng dẫn Đồng Nai lập hồ sơ đối với cấp tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để chủ động triển khai thực hiện. Mặt khác, thực hiện thí điểm huyện NTM kiểu mẫu là vấn đề vừa mới vừa khó nên cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh: “Hậu NTM, Đồng Nai đang chịu áp lực cả về số lượng và chất lượng, nhất là về chỉ tiêu tăng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tỉnh cũng đưa ra lộ trình cụ thể về việc không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Cụ thể, năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của các xã NTM nâng cao phải đạt 64 triệu đồng/người và tăng lên 66 triệu đồng/người vào năm 2020”.

* Thu hút đầu tư chế biến

Sau khoảng thời gian hình thành các vùng sản xuất lớn, thì đầu tư vào chế biến sâu để tăng giá trị nông sản là con đường tốt nhất để duy trì và phát triển mạnh các ưu thế về sản xuất nông nghiệp. Do đó, Đồng Nai xác định đây là cách để tăng “chất” trong xây dựng nông thôn mới. Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh: “Đồng Nai có lợi thế là tỉnh đã hình thành được tác phong công nghiệp từ rất sớm. Người dân cũng đã có tư duy về công nghiệp nên phát triển công nghiệp chế biến là một bước đi mà tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới. Các địa phương cần rà soát lại các cụm công nghiệp, các vùng nguyên liệu để từ đó hình thành được một số cụm công nghiệp chế biến nông sản”.

Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) nhận xét: “Đầu tư vào chế biến sâu là giải pháp cho vòng luẩn quẩn trồng - chặt, chặt - trồng của nông dân và giúp doanh nghiệp có bước tiến bền vững trong nông nghiệp”. Những thành quả bước đầu doanh nghiệp này đạt được đã chứng minh hiệu quả của bài toán đầu tư cho chế biến. Hiện hàng chục sản phẩm chế biến của Trọng Đức đã xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó có thị trường khó tính là Nhật Bản. Doanh nghiệp cũng xây dựng được vùng nguyên liệu chế biến nhờ gắn kết được lợi ích với nông dân trồng ca cao.

Nêu cụ thể hơn về lợi thế thu hút đầu tư vào ngành chế biến nông sản, ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết: “Đồng Nai hiện có trên 2,7 ngàn cơ sở chế biến, tập trung vào các ngành hàng có lợi thế của địa phương như: cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị cao, đồ gỗ... Sản xuất nông nghiệp đã ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, GAP, nông nghiệp hữu cơ...”.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích