UBND huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa có một chương trình "vô tiền khoáng hậu" nhằm hỗ trợ nông dân trồng tiêu vượt qua khó khăn tạm thời. Cụ thể, huyện đã huy động đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang... thu hoạch tiêu giúp nông dân, bởi hiện tại do giá tiêu xuống quá thấp, nông dân không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch tiêu nên nhiều nhà đành bỏ mặc tiêu chín rộ trong vườn.
UBND huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa có một chương trình “vô tiền khoáng hậu” nhằm hỗ trợ nông dân trồng tiêu vượt qua khó khăn tạm thời. Cụ thể, huyện đã huy động đoàn thanh niên, lực lượng vũ trang... thu hoạch tiêu giúp nông dân, bởi hiện tại do giá tiêu xuống quá thấp, nông dân không đủ tiền thuê nhân công thu hoạch tiêu nên nhiều nhà đành bỏ mặc tiêu chín rộ trong vườn.
Từ câu chuyện của nông dân huyện Châu Đức, nhìn lại Đồng Nai, mặc dù chưa có cuộc “giải cứu” nào dành cho cây tiêu, song ở hiện tại và tương lai gần điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi loại cây này đang “thất sủng”.
Sở dĩ nói như trên là vì toàn bộ diện tích hồ tiêu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không “thấm tháp” gì so với diện tích trồng tiêu của Đồng Nai. Thống kê cho thấy diện tích trồng tiêu của Đồng Nai đang ở khoảng 17 ngàn hécta (trong khi quy hoạch chỉ giới hạn ở mức 9 ngàn hécta tiêu vào năm 2020). Như vậy, diện tích tiêu ở Đồng Nai trong mấy năm qua đã tăng hơn gấp đôi so với quy hoạch. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, theo thống kê hiện chỉ có khoảng trên dưới 7 ngàn hécta, chưa bằng một nửa diện tích tiêu của Đồng Nai.
Nguyên nhân khiến diện tích tiêu tăng “phi mã” trong thời gian qua là do giá. Có thời điểm giá tiêu tăng lên đến 200 ngàn đồng/kg và nông dân dễ dàng kiếm tiền tỷ chỉ sau một vụ tiêu. Và hiện tại, nhiều nông dân dở khóc dở cười cũng do giá tiêu giảm quá mạnh. Thời điểm này giá tiêu đen mua tại vườn chỉ từ 46-48 ngàn đồng/kg, bằng 1/4 so với thời kỳ cao điểm. Nhân công thiếu, giá bán thấp, đầu tư cao... khiến không ít vườn tiêu trở thành gánh nặng của nông dân.
Nhìn xa hơn, đây rõ ràng là câu chuyện sản xuất không theo tín hiệu thị trường, chạy theo phong trào trong một thời gian quá ngắn mà thiếu những thông tin, dự báo về thị trường tiêu thụ. Và không chỉ với hồ tiêu, bài học này đã từng diễn ra với cây cao su - loại cây được mệnh danh là “vàng trắng” một thời. Trước đây mủ cao su có giá, nhiều người ào ạt trồng khiến diện tích cao su tăng chóng mặt, và khi giá rớt, nhà nhà lại rủ nhau chặt bỏ.
Sự cảm tính và cái nhìn ngắn hạn trong việc lựa chọn cây trồng, lựa chọn mức đầu tư đã diễn ra nhiều năm nay trên nhiều loại cây: chuối, thanh long, điều, tiêu, cà phê, cao su... gây ra không ít hệ lụy cho nông dân lẫn nhà quản lý. Nếu không sớm có sự thay đổi triệt để, đến một lúc nào đó, tất cả các biện pháp “giải cứu” đều sẽ mất tác dụng và người chịu thiệt vẫn là nông dân.
Vi Lâm