Báo Đồng Nai điện tử
En

CPTPP có hiệu lực: Hàng ngàn dòng thuế đã được xóa bỏ

02:02, 12/02/2019

Ngày 14-1-2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Ngay sau đó, hàng ngàn dòng thuế xuất khẩu sang các nước ... đã được xóa bỏ.

Ngày 14-1-2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Ngay sau đó, hàng ngàn dòng thuế xuất khẩu sang các nước trong khuôn khổ CPTPP đã được xóa bỏ.

Công ty cổ phần giày dép cao su màu Đồng Nai (TP.Biên Hòa) sản xuất giày dép xuất khẩu vào Peru  Ảnh: H.GIANG
Công ty cổ phần giày dép cao su màu Đồng Nai (TP.Biên Hòa) sản xuất giày dép xuất khẩu vào Peru Ảnh: H.GIANG

Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Singapore được bãi bỏ thuế hoàn toàn. Còn lại các nước khác trong CPTPP đều giảm thuế về 0% với 77-95% các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

* Cắt bỏ thuế nhanh

Các nước tham gia CPTPP hiện tại đều đã phê duyệt lộ trình xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại thị trường 11 nước tham gia hiệp định. Trong đó, có 7 nước đưa ra biểu thuế quan áp dụng chung cho tất cả các đối tác của CPTPP là: Việt Nam, Singapore, Australia,
New Zealand, Malaysia, Peru và Brunei. Còn 4 nước sẽ ra biểu thuế quan áp dụng riêng cho từng đối tác CPTPP là: Nhật Bản, Canada, Chile và Mexico.

Ngay khi CPTPP có hiệu lực, Canada lập tức xóa bỏ 95% các dòng thuế đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào nước này. Nhật Bản xóa ngay 86% các dòng thuế và sau 5 năm tăng lên 90% các dòng thuế. Chile xóa bỏ 95,1% dòng thuế và đến năm thứ 8 sẽ tăng lên 99,9%. Peru xóa thuế cho gần 81% hàng hóa của Việt Nam và đến năm thứ 17 sẽ xóa 99,4% các dòng thuế. New Zealand cũng xóa gần 95% các dòng thuế và đến năm thứ 7 sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan.

Australia cũng cắt giảm ngay 93% các dòng thuế, các sản phẩm còn lại sẽ theo lộ trình tối đa trong 4 năm sẽ cắt giảm toàn bộ. Malaysia bỏ gần 85% các dòng thuế và lộ trình trong 11 năm sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan. Brunei bỏ ngay 92% thuế các mặt hàng và đến năm thứ 11 sẽ bỏ hết thuế nhập khẩu. Mexico xóa ngay hơn 77% các dòng thuế và đến năm thứ 10 sẽ bỏ 98% dòng thuế.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch - đầu tư, CPTPP sẽ giúp cho GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD và hơn 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2035.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết: “CPTPP sẽ giúp Việt Nam tăng xuất khẩu, đặc biệt khi xuất sang những thị trường chúng ta chưa có ký kết hiệp định thương mại tự do là Peru, Canada và Mexico”. Những mặt hàng Việt Nam sẽ có lợi thế trong xuất khẩu vào các nước thành viên của CPTPP là sản phẩm gỗ, thủy sản, gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, trái cây, giày dép, dệt may, điện tử, máy móc thiết bị.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh  đánh giá: “Thị trường các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP chiếm 13,5% GDP toàn cầu. Trong đó, Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 của thế giới nên xét toàn diện Việt Nam tham gia CPTPP có lợi nhiều hơn”.

Theo dự báo của các chuyên gia về kinh tế, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam như: dệt may, giày dép, thủy sản, sản phẩm gỗ nội thất, ngoại thất vào thị trường thị trường Canada, Peru, Mexico, Nhật Bản sẽ tăng mạnh. Lý do vì được miễn thuế nên khả năng cạnh tranh cao hơn so với mặt hàng cùng loại đến từ các nước không là thành viên của CPTPP.

* Xuất khẩu Đồng Nai: Cơ hội lớn

Đồng Nai nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu nên CPTPP có hiệu lực nhiều ngành hàng được hưởng lợi khi thuế về 0% hoặc giảm dần theo lộ trình. Những mặt hàng Đồng Nai sẽ có lợi thế là giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, nông sản, điện tử, máy móc, phụ tùng...

Ông Trần Dục Dân, Giám đốc Công ty cổ phần giày dép cao su màu Đồng Nai (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty đang tiến hành mở rộng xuất khẩu giày dép vào thị trường Peru và một số thị trường khác thuộc CPTPP. Thuế suất không còn sẽ giúp công ty giảm giá thành và tăng được khả năng cạnh tranh”. Nhưng theo ông Dân, hiện các doanh nghiệp giày dép đang gặp khó khăn trong tìm nguyên liệu đầu vào, vì phần lớn nguyên liệu đang nhập khẩu từ Trung Quốc. Dù nguyên liệu cho ngành giày dép tại Việt Nam đã có đủ, nhưng giá đắt hơn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc khoảng 20-40%.

Theo quy định của CPTPP, các doanh nghiệp muốn được hưởng các ưu đãi về thuế quan thì phải đáp ứng được yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Đơn cử, với hàng dệt may, tỷ lệ nội địa hóa đòi hỏi ngay từ khâu sợi. Do đó, doanh nghiệp muốn được miễn, giảm thuế buộc phải tìm nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên của CPTPP.

Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Tiến Chương đánh giá: “CPTPP chính thức có hiệu lực sẽ giúp cho xuất khẩu của tỉnh có mức tăng trưởng tốt hơn. Những mặt hàng đã bỏ thuế phần lớn là thế mạnh của Đồng Nai. Nhưng doanh nghiệp cũng phải mất một thời gian để chuyển đổi, tìm nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ những nước trong khối CPTPP mới nhận được ưu đãi thuế quan”.

Đồng Nai hiện có hơn 50 ngành hàng xuất khẩu chính và hầu hết những mặt hàng có trong danh mục được xóa bỏ thuế suất thì các doanh nghiệp trong tỉnh đều đang sản xuất. Trong hơn 10 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực thì đây là hiệp định có mức mở cửa sâu rộng nhất; đồng thời mức xóa bỏ thuế cũng lớn nhất. Thực tế, phần lớn doanh nghiệp Đồng Nai đều đã có sự chủ động đón CPTPP từ 2-3 năm trước nên đã có tìm hiểu về ngành hàng đang sản xuất và những đòi hỏi nếu muốn nhận được ưu đãi. Vì vậy, việc thực thi CPTPP tại Đồng Nai được cho là sẽ nhìn thấy hiệu quả nhanh.

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng nhận định, hiệp định sẽ mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường gần 500 triệu dân, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu, hàng Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất vào các nước như: Nhật Bản, Canada, Australia, Singapore... “Các nước đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình xuống 0% là cơ hội để doanh nghiệp Đồng Nai sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh là may mặc, giày da, đồ gỗ, công nghiệp chế biến, nông sản, thủy sản. Bên cạnh đó, hàng Việt sẽ cạnh tranh có hiệu quả hơn so với các nước chưa là thành viên của CPTPP như: Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia…” - ông Dũng nhấn mạnh.

Khoảng 2-3 năm trở lại đây, tỉnh liên tục tổ chức các đợt xúc tiến thương mại giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trên địa bàn để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau với mục đích giảm nhập khẩu, tăng xuất siêu và đón đầu các hiệp định thương mại tự do. Nhờ đi trước một bước nên Đồng Nai được Bộ Công thương đánh giá là một trong những tỉnh, thành tham gia hội nhập sâu và nhanh.

Hương Giang

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán CPTPP:

“Trong 10 đối tác của CPTPP, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại với 7 nước. Vì thế sẽ tạo ra được 3 thị trường mới là Mexico, Canada và Peru. Do đó, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng nhưng khó tạo ra những đột phá lớn. Doanh nghiệp muốn hưởng ưu đãi thì phải nghiên cứu kỹ từng thị trường với sản phẩm mình đang sản xuất để đáp ứng đúng các điều kiện”.

 

Giám đốc Sở Công thương Dương Minh Dũng:

“Chúng tôi đã soạn thảo 7 nội dung đề nghị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện để nắm bắt các cơ hội từ CPTPP là thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động tìm hiểu các thỏa thuận của CPTPP, nghiên cứu thêm những lĩnh vực mới để có thể tận dụng khởi nghiệp, xuất khẩu chú ý quy tắc xuất xứ, đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới và chủ động tìm đối tác liên kết đầu tư xuất khẩu”.

 

TS.Lê Văn Bảy, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế Trường đại học kinh tế Berlin (Đức):

“Để nắm bắt được những lợi thế của CPTPP, tôi nghĩ các doanh nghiệp Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác nên học cách liên kết, tạo thành chuỗi hỗ trợ lẫn nhau và hình thành những tập đoàn lớn để tăng tính cạnh tranh. Việc này các doanh nghiệp FDI đang làm rất tốt và xuất khẩu của họ ổn định và luôn đạt mức tăng trưởng cao”.

Tin xem nhiều