Thời gian qua, nhiều công trình lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh ngang nhiên mọc lên dù chưa được cấp phép xây dựng. Trong đó, có những công trình trị giá từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng...
[links()]Thời gian qua, nhiều công trình lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh ngang nhiên mọc lên dù chưa được cấp phép xây dựng. Trong đó, có những công trình trị giá từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Nhiều khu dân cư tự phát, xây dựng nhà ở không phép cũng mọc lên ở nhiều nơi gây ra những hệ lụy lớn cho các địa phương.
Công trình lớn xây dựng không phép ngay trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa). Ảnh: Khánh Minh |
Theo Sở Xây dựng, năm 2018 Đồng Nai phát hiện 612 vụ vi phạm về xây dựng, trong đó có 402 vụ xây dựng không phép. Những địa phương để xảy ra những công trình xây dựng trái phép nhiều là: Biên Hòa, Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom.
* Từ công trình hàng chục, hàng trăm tỷ…
Cho đến lúc này, “công trình” lớn nhất xây dựng không phép đã bị cơ quan chức năng phát hiện là Cụm công nghiệp Phước Tân (ở xã Phước Tân, TP.Biên Hòa). Khi vụ việc được công khai trước công luận thì khu vực này đã có 48 doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng dù chưa được cấp phép xây dựng. Số vốn mỗi doanh nghiệp đổ vào để xây dựng nhà xưởng tại cụm công nghiệp này là từ 4-10 tỷ đồng. Như vậy, ước tính đã có khoảng 300-400 tỷ đồng được doanh nghiệp đổ vào xây dựng nhà xưởng để hoạt động.
Để một cụm công nghiệp lớn như vậy với vài chục doanh nghiệp xây dựng không phép và hoạt động kéo dài trong nhiều năm, trách nhiệm đầu tiên thuộc về địa phương. Nếu kịp thời phát hiện và ngăn chặn, sẽ không xảy ra tình trạng như trên.
Vụ việc xây dựng không phép lớn gần đây bị phát hiện là trại heo của Công ty TNHH một thành viên Phan Thị Trâm, nằm gần hồ Trị An trên thượng nguồn sông Đồng Nai thuộc ấp 94, xã Túc Trưng (huyện Định Quán). Công trình này xây dựng trái phép kéo dài hơn nửa năm nhưng xã không phát hiện. Đến khi phát hiện, xử lý thì chủ đầu tư đã xây dựng trang trại được 70% và rót vào đó hơn 20 tỷ đồng để làm hơn 10 dãy chuồng trại, nhà kho, khu nhà ở cho công nhân. Khi dư luận bức xúc lên tiếng phản đối liên tục, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Môi trường vào Đồng Nai làm rõ vụ việc, đồng thời Bộ Công an cũng vào cuộc thì chủ đầu tư mới tự tháo dỡ, nhưng đến thời điểm này cũng chưa tháo dỡ xong.
Năm 2018, trên đường Dương Tử Giang sát Trung tâm thương mại Vincom thuộc phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) cũng mọc lên một công trình đồ sộ 4 tầng xây dựng không phép. Chủ đầu tư chỉ xin phép sửa sang hàng rào nhưng lại xây dựng tòa nhà lớn để làm trường học. Sau khi phát hiện công trình xây dựng trái phép, chính quyền địa phương đã xử phạt hành chính nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục xây dựng tòa nhà gần hoàn thiện. Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, công trình này vi phạm xây dựng trên đất thương mại dịch vụ và chưa được cấp phép xây dựng. Hiện chủ đầu tư đã bị buộc dừng mọi hoạt động, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phù hợp và xin cấp phép xây dựng.
Gần đây nhất là công trình trung tâm thương mại, nhà ở trên đường Đồng Khởi (TP.Biên Hòa). Cả công trình lớn đồ sộ có tổng vốn đầu tư gần 680 tỷ đồng nhưng lại thi công khi chưa được cấp phép xây dựng. Trong đó, có tòa nhà lớn để tổ chức các sự kiện đã hoàn thành và đi vào khai thác cũng chưa được cấp phép.
Công trình 4 tầng xây dựng trái phép trên đường Dương Tử Giang (TP.Biên Hòa). |
Câu hỏi được nhiều người dân đặt ra là tại sao những công trình lớn như vậy lại có thể ngang nhiên xây dựng khi chưa được cấp phép? Sau khi xử phạt hành chính, chính quyền sẽ cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện và “hợp thức hóa” hay bắt buộc phải tháo dỡ? Nếu các công trình xây dựng trái phép sau khi xử phạt rồi cho hoàn thiện hồ sơ để hợp thức hóa lâu dần có tạo thành tiền lệ cứ làm sai rồi chịu phạt và được hợp thức hóa?
* … đến những khu dân cư không phép
Trước đây, do quản lý không chặt nên nhiều địa phương có khu công nghiệp phát triển, đông dân nhập cư đã để hình thành những khu dân cư tự phát. Người dân mua đất giấy tay, đất nông nghiệp xây dựng nhà ở không phép tràn lan, tạo thành các khu dân cư hoàn toàn không có giấy phép xây dựng, lụp xụp, thiếu đường đi, nước, điện.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện xử lý 402 công trình xây dựng không phép; trong đó có 209 công trình buộc phải phá dỡ. Địa phương nhiều công trình xây dựng không phép nhất là TP.Biên Hòa với 275 công trình và có 144 công trình buộc phải tháo dỡ. |
Những nơi hình thành các khu dân cư tự phát xây dựng nhiều nhà ở không phép là TP.Biên Hòa, các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành và Nhơn Trạch. Đây cũng là những nơi đang “nóng” về tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp trong những năm gần đây. Cụ thể TP.Biên Hòa có những phường, xã như: Trảng Dài, Long Bình, Phước Tân, Tam Phước, An Hòa. Huyện Vĩnh Cửu có các xã: Thạnh Phú, Tân Bình, Thiện Tân... đã hình thành các khu dân cư không phép từ vài chục đến cả trăm hộ dân.
Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho hay: “Hơn 50 ngàn lao động trong Khu công nghiệp Thạnh Phú hầu hết là dân nhập cư nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Muốn có chỗ ở ổn định nhưng thu nhập lại thấp nên người dân đã mua đất nông nghiệp dưới hình thức giấy tay ở các xã: Thạnh Phú, Thiện Tân, Tân Bình để cất nhà trái phép, từ đó hình thành các khu dân cư tự phát đông đúc”.
Cũng theo ông Phi, những trường hợp này đã xảy ra từ nhiều năm trước, nếu bây giờ buộc tháo dỡ hết là điều không thể. Do đó, những nơi dân cư đã ở đông đúc thì huyện đề xuất tỉnh cho điều chỉnh thành quy hoạch khu dân cư tự cải tạo, sau đó cho người dân chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và cấp phép xây dựng. Như vậy nhà nước thu được tiền chuyển mục đích sử dụng đất và địa phương cũng dễ quản lý hơn. Từ năm 2018 trở đi, huyện giao trách nhiệm cho các xã phải phát hiện kịp thời những trường hợp xây dựng không phép, không phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phải tháo dỡ ngay.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa), nơi có nhiều khu dân cư xây dựng trái phép cho hay: “Phường có 5 khu dân cư đông đúc xây dựng không phép, hình thành từ nhiều năm trước. Bây giờ nếu phải đập bỏ cả ngàn căn nhà sẽ gây bất ổn lớn trong đời sống người dân nên phường đề xuất thành phố cho điều chỉnh quy hoạch thành khu dân cư tự cải tạo để hợp thức hóa cho người dân”.
Biểu đồ thể hiện tổng số công trình xây dựng vi phạm hành chính, số công trình không có giấy phép xây dựng và tổng số công trình buộc phải phá dỡ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong năm 2018. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Theo ông Nguyễn Tôn Trọng, Chủ tịch UBND xã Phước Tân (TP.Biên Hòa), trên địa bàn xã cũng hình thành một số khu dân cư xây dựng trái phép với hơn 200 hộ. Những hộ dân này đã sinh sống ở đây nhiều năm và hiện ở khá đông nên xã cũng kiến nghị thành phố điều chỉnh quy hoạch cho làm khu dân cư.
* Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước đây, trong một số cuộc họp, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đã nhấn mạnh: “Để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng nhà ở trái phép nhiều là do chính quyền địa phương chưa quản lý chặt chẽ. Không lý nào người dân xây dựng cả một căn nhà mà chính quyền xã, phường, ấp, khu phố không biết”.
Những năm trước, rất nhiều đối tượng phân lô, bán nền đất nông nghiệp đã “bảo kê” luôn việc xây dựng nhà ở không gặp trục trặc gì. Vì thế những khu dân cư tự phát mới mọc lên rầm rộ để lại hàng loạt hệ lụy như thiếu đường sá, điện, nước.
Ông Lê Hữu Đảng, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết: “Huyện đã phải kiểm điểm 2 chủ tịch xã và 8 cán bộ địa chính, xây dựng vì để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép ở những xã đông dân cư. Từ cuối năm 2017, huyện đã giao cho bí thư, chủ tịch các xã phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên địa bàn”. Cũng theo ông Đảng, huyện chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện cử lực lượng xuống kiểm tra thường xuyên các xã đang “nóng”về tình trạng xây dựng trái phép như: xã Bắc Sơn, An Viễn, Bình Minh, Hố Nai 3... để phát hiện, xử lý kịp thời.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết đã xử lý kỷ luật và luân chuyển hơn 20 cán bộ phường, xã vì để xảy ra tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép. Các địa phương khác cũng đã giao cho chủ tịch UBND các xã, phường phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra xây dựng không phép.
Khánh Minh