Vườn cây ăn trái sản xuất theo chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Bình An (huyện Long Thành) vừa đón Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến thăm khi về khảo sát kết quả xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai.
Vườn cây ăn trái sản xuất theo chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Bình An (huyện Long Thành) vừa đón Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đến thăm khi về khảo sát kết quả xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Lâm (bìa trái) tiếp Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đến thăm vườn đặc sản trái cây sản xuất theo chuẩn VietGAP của gia đình. |
Ông Lâm cũng là nông dân tiên phong tại địa phương trồng các loại trái cây đặc sản cho giá trị cao như: măng cụt, sầu riêng, chôm chôm... Ông còn làm mô hình du lịch vườn để xây dựng thương hiệu, bán trái cây sạch với giá tốt.
* Chọn cây khó để trồng
Ông Lâm kể: “Tôi quê gốc ở Ninh Thuận, về đất Long Thành được hơn 30 năm. Khi đó, vùng này còn là đất rừng, người dân tự làm đường đi, trời mưa phải vác xe đạp lên vai. Giai đoạn khai hoang rất gian nan”.
Thời gian đầu, ông Lâm chọn trồng điều, cà phê. Khi có vốn, ông mới bắt đầu trồng xen canh cây ăn trái. Chia sẻ nguyên nhân chọn lập vườn măng cụt, ông Lâm kể: “Khi còn nhỏ, tôi đọc truyện của nhà văn Sơn Nam nói về cây măng cụt là đời cha trồng, đời con, đời cháu mới ăn. Trừ khi gặp ô nhiễm thì cây mới chết chứ măng cụt có thể sống bền qua mấy thế hệ đời người. Bản thân tôi cũng từng thấy những cây măng cụt cả trăm tuổi vẫn cho trái ngọt”.
Vì mê giống cây đặc sản có thể cho thu hoạch nhiều đời, ông Lâm lặn lội khắp nơi tìm nguồn giống chuẩn. Ông đặt mua giống nuôi cấy mô măng cụt Thái về trồng. 8 năm sau vườn măng cụt đã cho năng suất tốt.
Chính vì muốn dưỡng sức bền cho những cây ăn trái có thể cho thu hoạch dài lâu, ông Lâm không lạm dụng phân, thuốc hóa học để ép cây nhanh lớn và đạt năng suất cao. Vườn cây ăn trái của ông chủ yếu sử dụng phân chuồng, sinh trưởng thuận theo tự nhiên. Đồng thời, tùy sức cây mà ông để lượng trái cho phù hợp. Nhờ đó, vườn măng cụt hiện nay đã hơn 20 năm tuổi mà vẫn căng tràn nhựa sống, vẫn ở giai đoạn sung mãn về năng suất và chất lượng trái.
* Làm du lịch vườn
“Đất Long Thành từ xưa đã nổi tiếng về chất lượng trái cây ngon. Nhưng tôi còn muốn làm ra trái cây sạch vì nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn rất lớn” - ông Lâm nói. Chính vì vậy, ông không ngại tiên phong thực hiện quy trình sản xuất VietGAP cho vườn trái cây đặc sản của mình.
Hiện 4 hécta đất vườn được ông Lâm chia thành nhiều khu vực, nơi chuyên trồng măng cụt, chỗ làm vườn chôm chôm Thái, khu trồng sầu riêng, chỗ trồng thanh long. Chính vì vậy, khi phát triển mô hình du lịch vườn, vườn đặc sản trái cây của gia đình ông Lâm thu hút du khách không chỉ vì trái cây ngon, an toàn mà còn khá đa dạng về chủng loại sản phẩm.
Ông Lâm chia sẻ: “Tôi làm du lịch vườn được 2 năm nay. Hiện du khách về tận vườn tiêu thụ được khoảng 30% tổng sản lượng trái cây thu hoạch. Họ chấp nhận mua với giá cao hơn ngoài thị trường nhưng yêu cầu cao về chất lượng. Do đó, không chỉ áp dụng quy trình sản xuất sạch, trong thu hoạch tôi cũng rất tỉ mỉ; trái chín rụng để bán hàng dạt, hàng du khách mua, tôi đều cho hái từng trái để đảm bảo không có trái hư, trái giập”.
Bình Nguyên