Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu hút FDI: Cần một "phiên bản" mới

09:01, 14/01/2019

Năm 2018 chứng kiến chặng đường 30 năm Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính từ năm 1988. Ngày 29-12-1987, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, văn bản pháp lý quan trọng nhất chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Năm 2018 chứng kiến chặng đường 30 năm Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính từ năm 1988. Ngày 29-12-1987, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, văn bản pháp lý quan trọng nhất chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Được tham khảo dựa trên nghiên cứu từ gần 20 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác, Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời điểm đó được đánh giá là một trong những luật “hấp dẫn” nhất. Luật ban hành vào ngày “áp chót” của năm 1987, thì kể từ năm 1988 đến tháng 5-1990, sau hơn 2 năm có 213 giấy phép đầu tư đã được cấp với tổng vốn đăng ký khoảng 1,8 tỷ USD. (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - đầu tư).

Từ đó đến nay, Luật Đầu tư nước ngoài đã qua nhiều lần sửa đổi nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế và tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư. Cụ thể, luật đã được sửa 4 lần vào các năm 1990;1992; 1996; 2000, cho đến khi thay thế bởi Luật Đầu tư chung vào năm 2005.

Năm 2014, Quốc hội tiếp tục sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư 2014, tạo một bước đột phá về tư duy, bởi từ nay, doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm, không còn nhiều giới hạn trong lĩnh vực đầu tư nữa. Lúc này, một làn sóng đầu tư mới mạnh mẽ hơn bắt đầu. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sau hơn 30 năm “đón” dòng vốn FDI, từ năm 1988 đến tháng 8-2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút 26.438 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Trong làn sóng thu hút FDI đó, Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài, thậm chí đi trước hàng chục năm do đặc tính lịch sử. Đồng Nai có khu công nghiệp đầu tiên vào những năm 1960 của thế kỷ trước, do đó khi bắt đầu có chính sách mở cửa thu hút đầu tư, Đồng Nai nhanh chóng trở thành tỉnh dẫn đầu về cả số lượng dự án. Sau hàng chục năm thu hút, tính đến cuối năm 2018, Đồng Nai có 1.874 dự án với tổng vốn đầu tư 33,71 tỷ USD, trong đó số dự án còn hiệu lực là 1.378 dự án, có tổng vốn 28,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, 3 quốc gia, vùng lãnh thổ dẫn đầu theo thứ tự là: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản.

Sau 30 năm thu hút vốn FDI, Đồng Nai cũng sớm có nhận thức mới về thu hút đầu tư. Từ năm 2011, tỉnh đã định hướng lại trong thu hút đầu tư trên cơ sở chọn lọc các dự án nghiêm ngặt hơn. Trong đó, Đồng Nai kiên quyết từ chối các dự án có công nghệ cũ, lạc hậu, gây ảnh hưởng môi trường; chỉ chấp nhận những dự án có công nghệ mới, có phương án xử lý tốt đối với các tác động về môi trường… Ở thời điểm đó, có nhiều lo ngại cho rằng nếu làm thế, số vốn FDI thu hút sẽ giảm. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay lượng vốn đầu tư vào tỉnh vẫn tăng đều và các dự án ngày càng xanh, sạch, chất lượng hơn.

Tổng kết 30 năm thu hút vốn FDI, Chính phủ cũng đã đề ra một giai đoạn “FDI phiên bản mới” tương tự Đồng Nai đã làm để bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững mà không đánh đổi môi trường.

Vi Lâm

Tin xem nhiều