Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm 2019 chỉ ưu tiên những dự án công nghệ cao

10:01, 20/01/2019

Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai đã đạt khoảng 81%. Diện tích đất còn lại để cho thuê không nhiều (gần 1.300 hécta) nên trong năm 2019, tỉnh sẽ chỉ ưu tiên thu hút những dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy trong các khu công nghiệp (KCN) ở Đồng Nai đã đạt khoảng 81%. Diện tích đất còn lại để cho thuê không nhiều (gần 1.300 hécta) nên trong năm 2019, tỉnh sẽ chỉ ưu tiên thu hút những dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 - giai đoạn 2 mới đi vào hoạt động có công nghệ cao, sử dụng ít lao động
Một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 - giai đoạn 2 mới đi vào hoạt động có công nghệ cao, sử dụng ít lao động

Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có 35 KCN. Đến đầu năm 2019, Đồng Nai có 32 KCN, trong đó 31 KCN đã đi vào hoạt động. Nhiều KCN trên địa bàn tỉnh đã lấp đầy như: Agtex Long Bình, Nhơn Trạch 2 - Lộc Khang, Nhơn Trạch 5...

* Chọn lọc về công nghệ

Ông Masahico Makata, Tổng giám đốc Công ty TNHH đầu tư Long Đức (chủ đầu tư hạ tầng KCN Long Đức, huyện Long Thành) cho hay:  “Diện tích đất cho thuê tại KCN Long Đức đã gần hết nên các dự án thu hút mới sẽ được chọn lựa kỹ càng, phải có công nghệ cao hoặc thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, thân thiện với môi trường mới được chấp thuận. Hiện KCN đang xin tỉnh, Chính phủ cho mở rộng diện tích và nếu được mở rộng cũng sẽ chỉ mời gọi những dự án có công nghệ hiện đại”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho biết: “Diện tích đất công nghiệp không còn nhiều nên trong thu hút đầu tư sẽ chọn những dự án có giá trị gia tăng cao. Những dự án vốn ít nhưng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao vẫn được chọn, còn những dự án vốn lớn, đất thuê nhiều nhưng đóng góp ít cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ từ chối”. Như vậy, các dự án đầu tư vào tỉnh trong thời gian tới ngoài yêu cầu có công nghệ cao còn phải sử dụng ít lao động và thuộc những ngành nghề tỉnh đang cần như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến sâu nông sản, thực phẩm.

Thực tế, từ năm 2011 Đồng Nai đã bắt đầu thu hút đầu tư có chọn lọc, song gần đây diện tích đất cho công nghiệp không còn nhiều nên tỉnh có sự chọn lựa kỹ hơn các dự án. Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nhận định Đồng Nai là cửa ngõ giao thông của vùng, nơi có công nghiệp phát triển nhất cả nước, công nghiệp hỗ trợ rất phát triển nên các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh sẽ thuận lợi hơn nhiều tỉnh khác.

Đây cũng là lý do chính khiến cho tỉnh yêu cầu cao trong lựa chọn các dự án đầu tư nhưng số doanh nghiệp nước ngoài, trong nước đến thuê đất vẫn rất nhiều và tỷ lệ lấp đầy KCN cao hơn bình quân chung cả nước. “Vì diện tích đất cho thuê còn lại không nhiều nên năm 2019, các KCN sẽ chỉ chọn lựa các dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Đồng Nai là nơi được nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn rót vốn vào, đặc biệt khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng và đi vào hoạt động lượng doanh nghiệp đến đầu tư sẽ nhiều hơn” - ông Mai Văn Nhơn chia sẻ.

KCN công nghệ cao Long Thành hiện đang gấp rút hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thu hồi đất và làm hạ tầng. Dự tính cuối năm 2019, KCN này sẽ bắt đầu cho thuê đất, nhưng từ năm 2018 đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài trên lĩnh vực công nghệ cao ngỏ ý muốn ký hợp đồng. Dự án khi KCN trên hoàn thành, chỉ thu hút những dự án công nghệ cao trên các lĩnh vực.

* Sẽ có thêm 3 KCN

Đến thời điểm này Đồng Nai còn 3 KCN đang tiến hành làm thủ tục là KCN Cẩm Mỹ ở xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ), KCN Gia Kiệm trên địa bàn xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) và KCN Phước Bình ở xã Phước Bình (huyện Long Thành).

Những KCN trên có diện tích hơn 800 hécta, nếu được thành lập và đi vào hoạt động sẽ có thêm hơn 600 hécta đất cho thuê. Theo đánh giá của một số tổng lãnh sự, tập đoàn đa quốc gia thì trong vài năm tới, Đồng Nai vẫn là điểm đến được nhiều doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn. Nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất nhưng diện tích đất không còn nên phải tìm đến các tỉnh khác để đầu tư như: Công ty TNHH Hyosung Việt Nam, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam...

Ông Linson Lim, Chủ tịch Tập đoàn Keppel Land Việt Nam cho biết: “Keppel đã đầu tư vào tỉnh dự án khu đô thị tại TP.Biên Hòa, nhưng thời gian tới dự tính sẽ đầu tư tiếp lĩnh vực công nghiệp là sản xuất các thiết bị sử dụng điện năng lượng mặt trời. Dự án này phù hợp với yêu cầu của Đồng Nai vì công nghệ hiện đại, nhiều khâu đều được tự động hóa cần ít lao động”.

Các KCN của tỉnh hiện đều đã phân ra những ngành nghề sẽ thu hút đầu tư cho phù hợp với công tác quản lý về môi trường và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc liên kết cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau.

Hiện các doanh nghiệp trong các KCN đều có nhu cầu tìm nguồn nguyên liệu trong nước để hưởng các ưu đãi về thuế khi xuất vào các nước mà Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại. Vì thế, Đồng Nai đã đi trước một bước trong việc hình thành các KCN, phân theo ngành nghề thu hút, tạo thuận lợi lớn cho doanh nghiệp. Đây cũng là lý do chính khiến cho các điều kiện trong thu hút đầu tư của Đồng Nai tuy đòi hỏi cao hơn nhiều tỉnh khác nhưng doanh nghiệp nước ngoài vẫn đến rất đông.

Hương Giang

Tin xem nhiều