Gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời điểm này các làng nghề chuyên làm đặc sản cho tết đang bận rộn để kịp các đơn hàng. Đồng Nai là nơi có khá nhiều đặc sản cho tết...
Gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thời điểm này các làng nghề chuyên làm đặc sản cho tết đang bận rộn để kịp các đơn hàng. Đồng Nai là nơi có khá nhiều đặc sản cho tết như: bánh tráng, bánh gai, hủ tiếu, miến, nhang...
Vào dịp gần Tết Nguyên đán, những cơ sở sản xuất hủ tiếu tại phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) tăng lượng hàng cung cấp cho khách hàng. |
Những đặc sản của Đồng Nai ngoài tiêu thụ ở thị trường nội địa còn xuất khẩu sang một số nước trên thế giới. Và có những gia đình đã giữ nghề trải qua 3-4 đời.
* Cung không đủ cầu
Cách Tết Nguyên đán chừng 1 tháng là thời điểm các cơ sở sản xuất đặc sản ở Đồng Nai bận rộn nhất. Vì các đại lý đặt hàng nhiều gấp 1,5-2 lần so với ngày thường. Có những cơ sở phải từ chối bớt đơn đặt hàng vì không đáp ứng kịp nhu cầu của khách.
Những doanh nghiệp làm đặc sản xuất khẩu đều tự nghiên cứu, thiết kế một số loại máy móc giảm bớt những công đoạn làm thủ công để tăng sản lượng. Tuy nhiên một số công đoạn được làm bằng máy móc chất lượng của sản phẩm thua kém so với làm thủ công hoàn toàn. |
Bà Nguyễn Thị Anh (KP.2, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho biết: “Gia đình tôi có đến 3 đời làm hủ tiếu khô, cung cấp cho các đại lý trong và ngoài tỉnh. Dịp tết, các mối đặt hàng nhiều gấp 2 lần so với ngày thường, nhưng gia đình tôi không làm kịp nên phải từ chối bớt”.
Phường Hố Nai là nơi có nghề sản xuất sợi hủ tiếu, bánh đa, miến lâu đời. Sản phẩm làm ra được khách hàng đánh giá có chất lượng ngon hơn hẳn các nơi khác nên đặt mua khá nhiều, hầu hết các cơ sở đều cung không đủ cầu. Nghề này khá vất vả, phải thức khuya, dậy sớm nhưng lợi nhuận lại không cao nên những người trẻ ở Hố Nai ít theo nghề. Trước đây vùng này có gần 40 cơ sở sản xuất hủ tiếu, bánh đa, miến, bánh ướt, song hiện chỉ còn dưới 10 cơ sở.
Bà Trần Thị Kiển (KP.2, phường Hố Nai) chia sẻ: “Những người còn giữ nghề làm bánh đa, sợi hủ tiếu, miến thì đa phần đã lớn tuổi, còn người trẻ theo nghề rất hiếm do thu nhập thấp hơn nhiều so với làm công việc khác. Vì thế, vào dịp tết nhu cầu tăng cao, các mối đề nghị tăng sản lượng thêm gấp đôi nhưng tôi cũng chỉ tăng thêm 10-15%”. Một số đại lý sau khi đặt bánh đa, sợi hủ tiếu ở Hố Nai đã đóng gói và đưa đi xuất khẩu.
Nghề làm bánh gai ở phường Tân Mai (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) vào dịp gần tết nhu cầu tăng cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Hiện các cơ sở đã chuẩn bị sẵn nguyên liệu để cách Tết Nguyên đán khoảng 2 tuần sẽ bắt đầu tăng số lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tại xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) thời điểm này, các cơ sở làm bánh tráng cũng tăng công suất thêm 30-40% vẫn không đủ cung ứng. Theo các cơ sở, nhiều khách hàng đặt lượng bánh tăng gấp 2-3 lần nhưng không có hàng để bán. Bánh tráng Thạnh Phú là đặc sản lâu đời của Đồng Nai, hương vị rất ngon. Các công đoạn được làm rất công phu và chăm chút kỹ càng. Bánh phải được phơi sương, phơi nắng để dẻo và thơm.
* Đưa đặc sản xuất ngoại
Hiện nay, một số cơ sở sản xuất đặc sản của Đồng Nai đã thành lập công ty, sản xuất với số lượng lớn để xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Úc và một số nước khác. Dịp gần tết, các doanh nghiệp tăng công suất thêm 30-100% để đáp ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Trần Trọng Nguyễn, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên sản xuất thực phẩm thương mại Đông Nhi (huyện Trảng Bom) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất sợi hủ tiếu, miến, bánh đa, bún khô xuất khẩu vào Nhật Bản, Mỹ, Úc và Đài Loan với số lượng hơn 40 tấn/tháng. Trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, công ty tăng công suất hơn 30% mới cung cấp đủ cho các đơn hàng”. Hiện công ty đang xây dựng thêm nhà xưởng để nâng công suất, mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước khác.
Đặc sản bánh tráng của Đồng Nai hiện đã xuất vào được những thị trường như: Nga, Nhật Bản, Mỹ để phục vụ cho người Việt sinh sống tại đây. “Gần đến tết, công ty tăng công suất lên gấp 2 lần, tương đương hơn 2 tấn/ngày để cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Công ty đang mở rộng nhà xưởng nâng công suất lên 100 tấn/tháng để mở rộng xuất khẩu vào các thị trường khác” - ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Kim Minh (TP.Biên Hòa) cho biết.
Ngoài ra, ở Đồng Nai còn có một số doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất nhang, cốm, bánh chưng để xuất khẩu. Hàng đặc sản xuất khẩu được chuẩn bị trước Tết Nguyên đán 30-40 ngày và cuối năm là mùa sản xuất cao điểm các mặt hàng trên cho cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.
Hương Giang