Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có 27 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hơn 5,2 ngàn hécta. Dù tỉnh đã có nhiều ưu ái, nhưng các CCN trên địa bàn vẫn phát triển khá ì ạch.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có 27 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích hơn 5,2 ngàn hécta. Dù tỉnh đã có nhiều ưu ái, nhưng các CCN trên địa bàn vẫn phát triển khá ì ạch.
Nhiều cơ sở sản xuất gỗ ở xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) muốn di dời vào cụm công nghiệp để mở rộng sản xuất xuất khẩu. |
Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn liên kết cung ứng được sản phẩm cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc xuất khẩu thì phải đáp ứng các tiêu chí về nhà xưởng sản xuất, môi trường, lao động... Tỉnh đã đi trước một bước là quy hoạch các CCN để ưu tiên di dời các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
* Chờ đợi cụm công nghiệp
Toàn tỉnh hiện có trên 18 ngàn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm hơn 80%. Phần lớn các doanh nghiệp dạng này đang hoạt động trong các khu dân cư.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong 2-4 năm tới Việt Nam vẫn là nơi được nhiều nhà đầu tư FDI rót vốn vào và Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành được lựa chọn nhiều nhất. Những doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam đều muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước, trong khi đó doanh nghiệp nhỏ trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai được đánh giá chất lượng sản phẩm khá tốt. Điều còn vướng lớn nhất là mặt bằng sản xuất cần kịp thời gỡ khó. |
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Đồng Nai đã vuột mất cơ hội khi có những doanh nghiệp FDI muốn liên kết mua sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do nhà xưởng sản xuất nằm trong khu dân cư hoặc chưa đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Do đó, rất nhiều doanh nghiệp muốn tỉnh sớm hoàn thành hạ tầng các CCN và có chính sách ưu đãi về giá thuê đất để dời vào, có nơi sản xuất đảm bảo.
Ông Võ Văn Phi, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu - địa bàn có nhiều CCN nhất tỉnh, cho biết: “Huyện có 7 CCN, trong đó 5 CCN đã có chủ đầu tư hạ tầng nhưng chưa có cụm nào hoàn thành hạ tầng. Vì thế việc di dời, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào sản xuất đành phải chậm lại. Lý do triển khai hạ tầng chậm là vì người dân có đất bị thu hồi cho là giá thấp, chưa chịu giao đất”.
Ông Phan Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư Đại Vĩnh Phát (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Công ty đầu tư hạ tầng CCN gỗ Thiện Tân, hiện công tác bồi thường hoàn thành 80%, đang tiến hành san ủi mặt bằng. Tuy nhiên, số hộ dân còn lại chưa nhận bồi thường vì yêu cầu giá cao hơn, việc này làm chậm tiến độ của dự án”. Ông Bình nhận định, nếu dự án sớm hoàn thành hạ tầng sẽ có nhiều doanh nghiệp nhỏ đang sản xuất sản phẩm gỗ thuê đất làm nhà xưởng và mở rộng sản xuất, xuất khẩu.
Tại các địa phương khác, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng trông đợi CCN sớm hoàn thành và tỉnh có chính sách ưu đãi trông thuê đất để có điều kiện di dời vào, yên tâm sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
* Tiến hành gỡ khó
Đến đầu tháng 1-2019, trên địa bàn tỉnh mới có 4 CCN hoàn thành hạ tầng và đã được các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vào thuê đất gần đầy.
Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho hay: “Huyện có 2 CCN là Hưng Lộc và Quang Trung. Trong đó, CCN Hưng Lộc mới triển khai giai đoạn 1 được 10 hécta và đã có công ty đầu tư nhà máy sản xuất. Còn lại hơn 30 hécta đang vướng công tác bồi thường, huyện cố gắng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giao đất sạch cho nhà đầu tư để làm hạ tầng và thu hút doanh nghiệp nhỏ vào sản xuất”.
Hiện nay, giá thuê đất trong các khu công nghiệp của Đồng Nai rất cao, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ không đủ khả năng thuê. Vì vậy, hầu hết đều trông đợi vào các CCN. Trong 2-3 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu... đến Đồng Nai tìm cách liên kết với doanh nghiệp Đồng Nai để cung ứng sản phẩm. Tuy nhiên, khi đối tác kiểm tra cơ sở sản xuất của doanh nghiệp thì đã từ chối hợp tác vì không an tâm với nơi đặt nhà xưởng sản xuất, công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ.
Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương đánh giá, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đóng góp lớn cho nền kinh tế của tỉnh. Vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hiện nay là đất xây dựng nhà xưởng để sản xuất. Do đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các chủ đầu tư hạ tầng CCN khoảng 20 tỷ đồng/CCN để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thành hạ tầng thu hút nhà đầu tư thứ cấp là doanh nghiệp nhỏ. Những huyện vùng sâu, vùng xa khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng, tỉnh sẽ hỗ trợ việc bồi thường giải phóng mặt bằng và giá đất sạch cho đơn vị đầu tư.
“Hội nhập sâu, nhiều doanh nghiệp FDI muốn tìm đối tác cung ứng nguyên phụ liệu trong nước. Hiện Đồng Nai có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy sớm hoàn thành hạ tầng các CCN, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vào sản xuất chính là giúp họ thêm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ” - ông Dũng nhấn mạnh.
Hương Giang