Năm 2018, 4 loại nông sản xuất khẩu chính của Đồng Nai gồm: điều, cà phê, tiêu, cao su đều tăng sản lượng từ 5,5-69% so với năm trước đó, nhưng giảm mạnh về giá...
[links()]Năm 2018, 4 loại nông sản xuất khẩu chính của Đồng Nai gồm: điều, cà phê, tiêu, cao su đều tăng sản lượng từ 5,5-69% so với năm trước đó, nhưng giảm mạnh về giá. Tuy những nông sản trên đang đứng đầu về sản lượng xuất khẩu nhưng không chi phối được thị trường vì chủ yếu vẫn xuất hàng thô, chưa xây dựng được thương hiệu.
Nông dân Hoàng Văn Lập (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) tồn hàng tấn tiêu từ vụ thu hoạch năm ngoái. |
Nông dân bị ảnh hưởng lớn nhất vì khó về đầu ra khiến nhiều loại nông sản buộc phải bán dưới giá thành sản xuất.
* Tăng giá nhưng giảm lời
Năm 2018, Đồng Nai xuất khẩu 37 ngàn tấn nhân hạt điều với kim ngạch 329 triệu USD, tăng 5,5% về lượng so với năm trước nhưng giá chỉ bằng 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, cà phê xuất khẩu trên 221 ngàn tấn được 388,7 triệu USD, tăng 24% về lượng nhưng giá chỉ đạt 90,5%. Hạt tiêu xuất khẩu tăng 69% về lượng nhưng giá chỉ đạt trên 99%. Cao su xuất khẩu tăng 14% về lượng nhưng giá giảm gần 200 USD/tấn.
Bà Dương Lê Ngọc Hạnh, Giám đốc phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa cho biết: “Năm qua, Tín Nghĩa xuất khẩu trên 100 ngàn tấn cà phê tới hơn 30 nước, vũng lãnh thổ trên thế giới. Tuy lượng cà phê xuất khẩu tăng nhưng giá lại giảm đến 20% so với năm 2017. Nguyên nhân giá giảm là do cung vượt cầu”.
Nói về thực trạng của thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice (vốn đầu tư Hà Lan, trụ sở tại tỉnh Bình Dương, có dự án cánh đồng lớn cây tiêu tại Đồng Nai) cho rằng nông sản Việt đứng đầu về sản lượng xuất khẩu nhưng vẫn không làm chủ được thị trường do yếu thế về chất lượng.
Cụ thể, nhiều lô hồ tiêu xuất khẩu từ Việt Nam đã bị bạn hàng ép giá vì bị tiếng xấu về nhiễm chất cấm nên chủ yếu chỉ xuất được vào các nước, khu vực dễ tính như: Trung Quốc, Trung Đông... Đây cũng là nguyên nhân khiến tiêu Việt Nam thường có giá thấp hơn so với mặt bằng chung của thế giới. 2 năm liên tiếp, giá tiêu Việt Nam luôn dưới giá thành sản xuất, bằng 1/4 mức giá cao kỷ lục vào năm 2015. Giá rẻ nhưng Việt Nam vẫn đang tồn hàng chục ngàn tấn tiêu vì nguồn cung quá dồi dào. “Có một nghịch lý là tiêu trong nước đang tồn hàng nhưng doanh nghiệp vẫn phải tăng sản lượng tiêu nhập khẩu. Nguyên nhân nhập khẩu của doanh nghiệp tăng vì có những đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu và các thị trường khó tính mà tiêu Việt Nam vẫn chưa đáp ứng về chất lượng” - ông Lâm nói.
* Lệ thuộc lớn vì xuất thô
Hiện nông sản của Việt Nam hầu hết là xuất thô, nhiều loại chưa xuất được trực tiếp nên giá trị gia tăng chưa cao. Điểm yếu này càng bộc lộ rõ khi thị trường nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chính của Việt Nam đang rơi vào cảnh cung vượt cầu.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, 5-7 năm trước nhiều doanh nghiệp còn dự báo được thị trường và chủ động trữ hàng chờ giá tốt mới bán để thu lợi nhuận cao. Nhưng vài năm nay, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu lớn không ngừng lập kỷ lục mới về… giá thấp khiến doanh nghiệp kinh doanh cũng khốn đốn. Không ít doanh nghiệp trữ hàng để đảm bảo đủ sản lượng lớn cung cấp cho các đơn hàng xuất khẩu đã bị thua lỗ, phá sản khi giá nông sản đột ngột giảm mạnh. Hiện hầu như không doanh nghiệp nào nghĩ đến việc chuẩn bị nguồn hàng trước mà thu vào là sang tay ngay. Lợi nhuận xuất khẩu nông sản của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không cao vì thường phải qua trung gian do chưa trực tiếp xuất khẩu được.
Biểu đồ thể hiện kim ngạch xuất khẩu và giá trị kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản của Đồng Nai qua 2 năm 2017 và 2018. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Năm 2016, ngành xuất khẩu nông sản khó khăn, không ít doanh nghiệp của Đồng Nai rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí phá sản. Tình trạng doanh nghiệp ngành nông sản nợ thuế trở thành bài toán khó của một số địa phương. Nguyên nhân là do các cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh đa số là có quy mô nhỏ và cực nhỏ, nhiều cơ sở đầu tư sản xuất, kinh doanh theo kiểu thời vụ, chụp giật, sẵn sàng đóng cửa khi thị trường gặp khó khăn.
Hiện thị trường xuất khẩu nông sản cũng không còn hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp. Ông Phạm Đây, Giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Hoàng Long Tân (xã Bàu Trâm, TX.Long Khánh) cho biết doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh các mặt hàng nông sản vì giá cả thị trường biến động quá bất thường dẫn đến rất nhiều rủi ro. Ông Đây dẫn chứng: “Thị trường nông sản liên tục giảm giá và hiện vẫn chưa có điểm dừng. Cụ thể, giá hồ tiêu liên tục rơi theo chiều thẳng đứng, có ngày giảm giá đến vài lần khiến doanh nghiệp càng trữ hàng càng lỗ vốn. 2-3 năm trở lại đây, Trung Quốc giảm nhập hàng, đầu ra thu hẹp trong khi nguồn cung luôn dư thừa khiến doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế bị bạn hàng chèn ép, càng làm càng thua lỗ”.
* Thiếu bền vững
Dù Việt Nam đang tự hào nằm trong tốp đầu về xuất khẩu tiêu, cà phê, cao su, điều nhưng thực tế người dân sản xuất những mặt hàng trên 2 năm nay đang khốn đốn vì giá xuống dưới giá thành.
Dù có gần 30 năm gắn bó với cây cà phê, ông Nguyễn Mạnh Huy, nông dân tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) vẫn đang băn khoăn với bài toán chuyển đổi sang trồng cây khác. Theo ông Huy: “Vụ thu hoạch vừa qua, vườn cà phê wcủa tôi đạt năng suất cao nhưng thu vẫn không đủ bù chi vì giá quá thấp. Vài năm trở lại đây, giá cà phê quá bấp bênh và thường đứng ở mức thấp khiến nông dân nhiều địa phương của tỉnh đang đua nhau chặt bỏ cây trồng này”.
Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của Đồng Nai. Tỉnh cũng ưu tiên triển khai sớm các dự án cánh đồng lớn cho cây cà phê nhằm tăng sức cạnh tranh cho cây trồng này. Nhưng hiện toàn tỉnh chỉ còn 15 ngàn hécta cà phê, giảm hàng ngàn hécta so với vài ba năm trước đó và hiện nông dân vẫn đang tiếp tục chặt bỏ.
Ông Hoàng Văn Lập (ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Cách đây 4 năm, khi giá tiêu hơn 200 ngàn đồng/kg, người dân đua nhau trồng tiêu, hiện giá tiêu giảm xuống còn 50 ngàn đồng/kg họ lại chặt tiêu chuyển sang trồng chuối. Phần lớn các vùng trồng nông sản của Đồng Nai vẫn chưa gắn kết được với doanh nghiệp nên đầu ra rất bấp bênh”.
Bình Nguyên - Hương Giang