Báo Đồng Nai điện tử
En

Giám đốc ngành xây dựng "mê" trồng rau thủy canh

10:01, 27/01/2019

Là giám đốc một công ty xây dựng, ông Cao Chu Tuấn (44 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) tiếp tục thử thách bản thân với mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh tại khu đất của gia đình ở KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).

Là giám đốc một công ty xây dựng, ông Cao Chu Tuấn (44 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) tiếp tục thử thách bản thân với mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh tại khu đất của gia đình ở KP.4, phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa).

Mô hình vườn rau thủy canh Nhiệt Đới Farm của ông Cao Chu Tuấn tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa)
Mô hình vườn rau thủy canh Nhiệt Đới Farm của ông Cao Chu Tuấn tại phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa)

* Tự tìm hiểu công nghệ

Ông Tuấn cho biết: “Tôi là người thích tìm hiểu, nhất là các lĩnh vực liên quan đến công nghệ. Trong những năm gần đây, tôi nhận thấy mô hình về nông nghiệp công nghệ cao dần được nhiều người chú ý. Xuất phát từ mong muốn tìm hiểu thêm về mô hình này cũng như muốn tận dụng khu đất trống để tự trồng rau sạch cho gia đình nên tôi bắt đầu tìm hiểu thêm và được các anh em có chuyên môn về nông nghiệp đưa đi tham quan nhiều mô hình trồng rau thủy canh ở Đà Lạt và TP.Hồ Chí Minh”.

Nhận thấy mô hình này có nhiều hiệu quả và thú vị nên đầu năm 2017, ông Tuấn quyết định đầu tư trồng rau thủy canh. Do chi phí chuyển giao công nghệ quá cao nên ông Tuấn tự mình tìm hiểu kỹ thuật trồng.

Sau thời gian đầu vừa tự mày mò, học hỏi những người đi trước vừa thử nghiệm các công nghệ, ông Tuấn đã xây dựng khu nhà kính trồng rau có diện tích 3 ngàn m2 với hệ thống quản lý vườn rau, tưới tự động tiết kiệm nhập khẩu từ Israel, kết hợp với công nghệ nhà kính mà ông từng thấy ở Đà Lạt.

Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, thời gian đầu triển khai mô hình, rau phát triển rất chậm, thậm chí bị héo úa, kém chất lượng nên ông Tuấn lại tiếp tục tìm hiểu. Ông nhận thấy việc sử dụng nhà kính để trồng rau tại vùng có khí hậu nóng ẩm như Đồng Nai là không phù hợp như những vùng ở Đà Lạt. Do đó, ông quyết định thay thế toàn bộ hệ thống nhà kính sang dùng nhà mành lưới để trồng. Đến nay toàn bộ chi phí đầu tư cho vườn rau của ông vào khoảng 5 tỷ đồng.

* Gắn với du lịch nông nghiệp

Theo ông Cao Chu Tuấn, dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng việc xoay vòng vốn khi trồng rau thủy canh lại dễ và liên tục vì thời gian cho rau thành phẩm nhanh. Đặc biệt, sản lượng rau thu được trên cùng diện tích đất sử dụng cao hơn nhiều so với cách trồng truyền thống.

“Hiện vườn của tôi mỗi ngày cho khoảng 400kg rau ăn lá các loại. Với giá bán dao động từ 20-50 ngàn đồng/kg tùy loại rau, mỗi tháng vườn rau của tôi cho thu nhập từ 100-200 triệu đồng” - ông Tuấn cho hay. Từ thành công bước đầu này, hiện ông Tuấn đang tiếp tục xây dựng thêm khu nhà trồng các loại rau ăn trái như cà chua, dưa leo với diện tích 1 ngàn m2.

Mô hình trồng rau thủy canh này phù hợp với các gia đình sống ở đô thị vì không cần nhiều đất vẫn có nguồn rau sạch phục vụ nhu cầu hằng ngày. Hiện ông Tuấn cũng phát triển mô hình, lắp đặt hệ thống trồng rau thủy canh cho các hộ gia đình. Theo đó, chi phí cho một hệ thống trồng rau thủy canh quy mô từ 10-20m2 do ông Tuấn lắp đặt hiện có giá từ 12-24 triệu đồng, sản lượng rau có thể đáp ứng cho nhu cầu của một gia đình khoảng 4-5 người.

“Bên cạnh việc tái đầu tư cho mô hình, thời gian tới, tôi còn tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm mô hình nuôi cá kết hợp vườn rau thủy canh nhằm hướng tới phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nông trại với tên gọi Nhiệt Đới Farm dành cho thiếu nhi và những người trẻ thích tìm hiểu về nông nghiệp” - ông Tuấn chia sẻ thêm.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều