Trong hội nhập, có một số tiêu chuẩn mà nông dân Việt Nam theo đuổi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của mình, trong đó phổ biến nhất là VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn về nông sản hữu cơ. Ban đầu, nhiều nông dân hào hứng với việc thực hành theo các tiêu chuẩn nói trên, song dần dần mọi người bỏ cuộc với một câu "đúc kết" rằng "làm theo tiêu chuẩn khó quá mà giá bán cũng có khác gì đâu".
Trong hội nhập, có một số tiêu chuẩn mà nông dân Việt Nam theo đuổi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của mình, trong đó phổ biến nhất là VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn về nông sản hữu cơ. Ban đầu, nhiều nông dân hào hứng với việc thực hành theo các tiêu chuẩn nói trên, song dần dần mọi người bỏ cuộc với một câu “đúc kết” rằng “làm theo tiêu chuẩn khó quá mà giá bán cũng có khác gì đâu”.
Thực ra, tiêu chuẩn là một “hành trình” bắt buộc sẽ phải có, phải được thực hành trơn tru không phải chỉ để tăng giá bán hàng (nếu tăng được thì quá tốt), mà là để có thể vẫn bán được hàng trong thời buổi hội nhập, khi nông dân quốc tế miệt mài theo đuổi các tiêu chuẩn, nông dân Việt không thể đứng ngoài, vì đứng ngoài thì hàng sẽ bán cho ai?
Một bộ tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP có hàng chục tiêu chí đề ra, buộc nông dân theo dõi, tỉ mỉ ghi chép mỗi ngày để có sự hiểu biết tốt nhất về quá trình sinh trưởng, nguồn gốc sản phẩm, tất cả không nằm ngoài mục đích chứng minh cho người tiêu dùng thấy rằng nông sản của mình làm ra là đáng tin cậy, an toàn, minh bạch. Điều này đòi hỏi tính kỷ luật rất cao và một tư duy sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp. Chẳng hạn, để xuất khẩu trái cây cho đối tác Nhật Bản, việc họ yêu cầu phải ghi nhật ký canh tác chi tiết hằng ngày với khoảng 200 tiêu chí là bình thường, nông dân sẽ “mệt” hơn cả việc trồng trọt hay canh tác, nhưng nếu không làm thì cơ hội bán hàng sẽ vụt qua.
Phải thừa nhận, hiện nay việc đạt được các tiêu chuẩn nêu trên đã khó, duy trì tiêu chuẩn còn đòi hỏi tốn kém thời gian, công sức khiến nhiều nông dân ngừng luôn, không làm nữa. Song các chuyên gia cảnh báo, nếu không đủ tính kỷ luật và thay đổi tư duy thì nông sản Việt Nam tới đây ngay cả việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc (lâu nay được coi là dễ tính, không đòi hỏi chuẩn này chuẩn nọ quá cao) cũng không còn dễ dàng nữa. Trung Quốc đã và đang có nhiều động thái siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản, kể cả đường tiểu ngạch.
Vậy, tư duy cần thay đổi ở đây chính là việc xem tiêu chuẩn là điều bình thường cần phải làm trong thời hội nhập, chứ không phải là cái xa vời, làm “cho sang” hay để nâng giá hàng hóa. Khách hàng nào rồi dần dần cũng sẽ yêu cầu các tiêu chuẩn cao hơn, phù hợp với từng nơi để người tiêu dùng có thể tin cậy được. Bản thân thị trường Việt Nam cũng đang dần yêu cầu tiêu chuẩn đối với nông sản, thực phẩm bán trên thị trường, do đó tư duy canh tác theo các tiêu chuẩn phải sớm được định hình bền vững trong suy nghĩ của nông dân thì nông nghiệp Việt Nam mới phát triển bền vững được.
Vi Lâm