Ngày 11-1, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện chuyển sang thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017, Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27-3-2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27-2-2018.
Ngày 11-1, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến yêu cầu Bộ Giao thông - vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện chuyển sang thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21-10-2017, Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27-3-2017 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 27-2-2018.
Trước đó, Thủ tướng chỉ đạo là chậm nhất đến ngày 31-12-2018 phải triển khai thu phí tự động không dừng đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; chậm nhất đến ngày 31-12-2019 đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khác.
Lợi ích của việc thu phí tự động không dừng là quá rõ ràng, không cần bàn cãi, nhưng trong thực tế việc triển khai còn gặp quá nhiều bất cập dẫn đến quy định một đường còn thực hiện... nhiều nẻo. Như ngay trên địa bàn Đồng Nai hiện đang tồn tại 3 phương thức thu phí đường bộ. Cụ thể: Trạm thu phí cầu Đồng Nai hiện chỉ chấp nhận thu phí tự động qua thẻ Etag do Công ty TNHH thu phí tự động VETC phát hành; Trạm thu phí đường tránh Biên Hòa thì thu phí tự động qua OBU do Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam (VietinBank) phát hành; riêng trạm thu phí quốc lộ 51 thời gian đầu thu phí qua OBU, thời gian kế tiếp thu phí qua Etag và hiện nay thì không chấp nhận thu phí tự động qua bất cứ đơn vị nào mà chỉ thu trực tiếp tiền mặt.
Có nhiều nguyên nhân khiến việc thu phí tự động không dừng khó triển khai theo quy định của Chính phủ. Nhưng rõ ràng các kiểu thu phí bất nhất và lộn xộn như trên đã khiến người sử dụng thẻ thu phí tự động rất lúng túng và gặp nhiều phiền toái. Nếu muốn thuận lợi qua các trạm thu phí, phương tiện giao thông ở Đồng Nai phải duy trì 2 tài khoản để trả phí, trong đó tài khoản OBU ở VietinBank còn có thể sử dụng liên thông cho các mục đích khác nhưng tài khoản ở Etag thì “chết cứng”, tiền nộp vào tài khoản chỉ phục vụ duy nhất cho việc trả phí qua trạm, rất bất tiện, chưa kể người sử dụng còn thiệt thòi khi bị “ngâm” tiền trong tài khoản không sinh lợi trong khi vẫn phải đóng phí báo tin nhắn biến động.
Một chủ trương, chính sách mới ra đời nếu muốn triển khai có hiệu quả thì yếu tố đầu tiên là phải được sự đồng thuận; ở đây, là sự đồng thuận của chủ đầu tư các trạm BOT và người dân. Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông - vận tải), tính đến ngày 20-12-2018 mới có 680 ngàn ô tô dán thẻ thu phí tự động trong khi cả nước hiện có khoảng 2,8 triệu ô tô đang lưu hành, tỷ lệ chỉ đạt 24,2% cho thấy sự đồng thuận của người dân rất thấp. Nếu muốn người dân đồng thuận với việc sử dụng thẻ thu phí tự động không dừng, các cơ quan chức năng phải hạn chế đến mức tối đa những rắc rối, bất cập, thậm chí thiệt thòi như hiện nay bằng cách minh bạch trong việc thu phí cũng như công tác quản lý các trạm BOT, nâng cao năng lực đơn vị phát hành thu phí tự động… chứ không nên chỉ dùng mệnh lệnh hành chính, xử phạt chủ xe không dán thẻ thu phí tự động như đề xuất trước đây của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Hà Lam