Ngành xuất khẩu giày dép vừa có một năm thắng lớn với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 19,5 tỷ USD. Trong đó, đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với kim ngạch 13,97 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 78,8%.
Ngành xuất khẩu giày dép vừa có một năm thắng lớn với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 19,5 tỷ USD. Trong đó, đóng góp chủ yếu cho kim ngạch xuất khẩu là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với kim ngạch 13,97 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 78,8%. Tổng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành giày dép hiện nay là gần 3 ngàn. Ngoài ra, cơ cấu đầu tư nước ngoài có thay đổi, trước đây số lượng doanh nghiệp... chiếm 30% nhưng nay đã tăng lên 40% cho thấy mức độ đầu tư của doanh nghiệp FDI vào ngành da giày rất nhanh.
Năm 2018, cơ cấu thị trường xuất khẩu của ngành da giày có sự thay đổi rõ rệt. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. 5 thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu bao gồm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mỗi năm, ước tính có trên dưới 1 tỷ đôi giày được sản xuất tại Việt Nam và hiện nay Việt Nam chỉ còn xếp sau Trung Quốc về sản lượng xuất khẩu giày dép. Chưa kể, giá trị của từng đôi giày, dép cũng đã nâng lên đáng kể so với thời kỳ trước, đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên, khác với sự tăng trưởng mạnh mẽ của giày dép xuất khẩu, có vẻ như tại thị trường nội địa Việt Nam các doanh nghiệp giày dép trong nước dù có nhiều nỗ lực đầu tư, song chỗ đứng vẫn chưa tương xứng. Hiện tại, với hơn 90 triệu dân mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 160-170 triệu đôi giày, dép. Tuy nhiên, thông tin từ Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam cho biết, doanh nghiệp trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50%, còn lại thị phần thuộc về hàng ngoại nhập. Những năm gần đây, một số doanh nghiệp trong nước đã đầu tư tương đối lớn về thương hiệu và hệ thống phân phối, đưa thương hiệu giày dép Việt Nam trở nên phổ biến hơn tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn bị đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng và các điểm yếu chủ đạo vẫn xoay quanh đồng vốn nhỏ hẹp, hệ thống phân phối mỏng, kinh nghiệm xây dựng và quảng bá thương hiệu ít ỏi...
Năm 2019 dự kiến vẫn sẽ là một năm “vàng son” của ngành da giày khi những cọ xát thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, xu hướng dịch chuyển sản xuất về Việt Nam của các tập đoàn FDI lớn tiếp tục mạnh dần lên, hứa hẹn một thời kỳ tốt đẹp cho xuất khẩu nói chung và giày dép nói riêng. Lãnh đạo Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam dự báo sản xuất ngành da giày năm 2019 sẽ tăng trên 10% so với năm 2018, với tổng kim ngạch đạt khoảng 21,5 tỷ USD. Xuất khẩu da giày chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch cả nước với tỷ lệ nội địa hóa đạt 60%. Và xuất khẩu giày dép sẽ đứng thứ 4 trong tốp 10 mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Hy vọng cùng với sự phát triển đó, thị trường nội địa sẽ là điểm mà các doanh nghiệp trong ngành hướng đến nhiều hơn và mạnh mẽ hơn.
Vi Lâm