Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn vừa công bố một chương trình hành động nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ của ngành đã được chỉ ra trong "món quà đầu năm" của Chính phủ: Nghị quyết 01 ban hành ngay ngày đầu năm 1-1-2019.
Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn vừa công bố một chương trình hành động nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ của ngành đã được chỉ ra trong “món quà đầu năm” của Chính phủ: Nghị quyết 01 ban hành ngay ngày đầu năm 1-1-2019.
Đây được xem là một kịch bản đáng chú ý của ngành nông nghiệp, không chỉ phục vụ cho việc thực hiện Nghị quyết 01 mà còn tạo tiền đề để hiện thực hóa nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao phó trong hội nghị tổng kết năm 2018 của ngành: đưa Việt Nam trở thành 1 trong 15 nước có nền nông nghiệp phát triển mạnh nhất trong vòng 10 năm tới.
Theo đó, Bộ đặt ra mục tiêu năm 2019 phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản lên 43 tỷ USD (tăng 3 tỷ USD so với năm 2018), trong đó: sản phẩm trồng trọt 21 tỷ USD; sản phẩm chăn nuôi 0,8 tỷ USD; thủy sản 10,5 tỷ USD; lâm sản 10,5 tỷ USD, còn lại là các mặt hàng khác. Nhằm thực hiện thành công mục tiêu này, Bộ cho biết sẽ rà soát chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, tiếp tục chuyển đất lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn hoặc nuôi trồng thủy sản phù hợp với sinh thái của địa phương; phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao, cây dược liệu.
Cùng với đó, tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật. Tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.
Đối với ngành chăn nuôi, phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi từ 550 triệu USD trong năm 2018 lên 800 triệu USD trong năm 2019, và năm 2020 ngành chăn nuôi sẽ chính thức vào nhóm sản phẩm tỷ USD. Dự kiến Bộ sẽ rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực (nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam).
Mặc dù những mục tiêu và giải pháp là khá cụ thể, song theo nhiều chuyên gia, việc Việt Nam vào tốp 15 thế giới về nông nghiệp trong 10 năm tới là không dễ, đòi hỏi một sự tập trung nỗ lực vượt bậc. Quan điểm này dựa trên thực tế nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn đang còn loay hoay với những điểm yếu cố hữu như: quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ cao vẫn đang trong giai đoạn non trẻ và chưa đồng đều, vốn ít, tư duy nông dân chưa thực sự đổi mới, chính sách cho nông nghiệp chưa theo sát thực tế… Để vượt qua những thách thức nội tại này, sẽ đòi hỏi một sự chuyển mình lớn lao từ chính sách đến tư duy làm nông nghiệp mà trong một sớm một chiều khó có thể làm ngay. Mặc dù vậy, việc thị trường mở cửa được cho là một động lực lớn đặt nông nghiệp Việt Nam vào thế phải nhanh chóng đổi mới cho phù hợp với bối cảnh mới, hy vọng động lực này cùng với những nỗ lực khác sẽ đủ lớn để Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn về nông nghiệp trong thời gian tới.
Vi Lâm