Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự án nút giao Dầu Giây: 2 lần "vỡ" tiến độ

09:11, 12/11/2018

Nút giao ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) là nơi có mật độ giao thông đông đúc và khá phức tạp vì đây là điểm giao cắt của 2 tuyến quốc lộ (quốc lộ 1, quốc lộ 20) và tỉnh lộ 769.

Nút giao ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) là nơi có mật độ giao thông đông đúc và khá phức tạp vì đây là điểm giao cắt của 2 tuyến quốc lộ (quốc lộ 1, quốc lộ 20) và tỉnh lộ 769.

Thi công cầu vượt ngã tư Dầu Giây trong dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây.
Thi công cầu vượt ngã tư Dầu Giây trong dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây sẽ hoàn thành vào đầu năm 2018. Thế nhưng đến nay đã gần cuối năm mà công trình thi công mới đạt hơn một nửa.

* Tiếp tục chậm

Dự án xây dựng, mở rộng nút giao ngã tư Dầu Giây được khởi công vào đầu tháng 2-2017, theo dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2018. Tiến độ này ở thời điểm cam kết đã được cho là “bất khả thi” do không giải phóng được mặt bằng. Vì thế dự án được Bộ Giao thông - vận tải cho phép lùi thời hạn đến ngày 31-10-2018. Tuy nhiên đến nay thời gian gia hạn đã hết nhưng công trình vẫn còn rất ngổn ngang.

Cầu vượt dọc theo quốc lộ 1 qua nút giao Dầu Giây có chiều dài gần 350m với 10 nhịp, chiều rộng mặt cầu là 16m với 4 làn xe cơ giới lưu thông. Phần nút giao được mở rộng cả quốc lộ 1 và quốc lộ 20 để đảm bảo tốc độ lưu thông qua đây đạt 60km/giờ. Tổng kinh phí xây dựng nút giao Dầu Giây và mở rộng đoạn đầu tuyến quốc lộ 20 là gần 300 tỷ đồng từ nguồn vốn dư của dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 20 trước đây.

Đại diện Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long (chủ đầu tư dự án) cho biết hiện tiến độ thi công mới đạt khoảng 60% nhưng thời hạn đã hết, mặt bằng để thi công cũng không còn nên nhà thầu làm cầm chừng. Các hạng mục đã hoàn thành là: mương thoát nước; mở rộng quốc lộ 20 từ cầu Gia Đức đến nút giao; hạng mục cầu vượt ngã tư Dầu Giây gồm các trụ từ T1 đến T6.

“Các trụ T7, T8, T9, mố M2, tường chắn phía mố M2, mặt đường hệ thống thoát nước từ giữa ngã tư về hướng TP.Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa thể thi công vì không có mặt bằng” - đại diện của Công ty cổ phần BT20 - Cửu Long chia sẻ.

Để có mặt bằng tiếp tục thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông - vận tải, đơn vị được giao quản lý) đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Thống Nhất sớm bàn giao mặt bằng trước ngày 30-11 để nhà thầu thi công.

Một khó khăn khác của dự án là không chỉ tiến độ bị chậm mà vốn đầu tư cũng bắt đầu tăng lên. Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 cho biết do một số nguyên nhân như: thay đổi giá đất, chính sách giải phóng mặt bằng, tăng diện tích... dẫn đến kinh phí dành cho giải phóng mặt bằng đã vượt cao hơn so với tổng mức đầu tư được duyệt 77 tỷ đồng. Ông Khoát cũng cho hay, Ban Quản lý dự án 7 đã kiến nghị Bộ Giao thông - vận tải cho phép lùi thêm thời hạn một lần nữa. Như vậy dự án đã “vỡ” tiến độ 2 lần.

* “Cò cưa” giá đất

Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thống Nhất, tổng diện tích phải thu hồi cho dự án là gần 7.600m2 của 199 hộ dân và 2 tổ chức. Huyện đã đền bù 2 đợt được 31 hộ và 2 tổ chức với diện tích 495m2. Còn lại hơn 7 ngàn m2 của 168 hộ hiện vẫn chưa đền bù xong. Cụ thể, vẫn còn 151 hộ trên tuyến quốc lộ 1 (500m từ ngã tư Dầu Giây về hướng TP.Hồ Chí Minh) gồm: 77 hộ bên trái tuyến; 74 hộ bên phải tuyến và 17 hộ thuộc nhánh rẽ từ quốc lộ 1 sang quốc lộ 20 (hướng TP.Hồ Chí Minh đi TP.Đà Lạt). 

Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Đối với đường cấp 1 như quốc lộ, 2 bên đường đều phải có lề đất tối thiểu từ 0,75-1m (tính từ mép nhựa ra) để cắm biển báo. Vì vậy khi bồi thường phải giải thích điều này cho dân hiểu”.

Ông Nguyễn Đình Cương, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết nguyên nhân của việc chưa xong công tác đền bù là do người dân không đồng ý với cách xác định ranh giới và giá đất đền bù.

Ông Cương cho hay, các hộ dân yêu cầu ranh giới thu hồi đất phải được xác định đến mép đường thay vì đến mép mương như hiện nay. Giá đất cũng được yêu cầu lên đến 15 triệu đồng/m2.

Tại buổi làm việc với Bộ Giao thông - vận tải mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Thống Nhất phải kiểm tra lại hồ sơ, nếu đúng phần đất làm mương thoát nước trước đây chưa đền bù cho dân thì phải đền. Riêng về giá đất, UBND huyện phối hợp với đơn vị tư vấn và Sở Tài chính xác định giá đất cụ thể.

“Giá đền bù phải có căn cứ cơ sở, không thể muốn bao nhiêu cũng được, mọi việc phải đúng theo quy định của pháp luật. Khi đề xuất giá bao nhiêu thì phải chứng minh được giá đó là hợp lý” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

Quốc Khánh

Tin xem nhiều