Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai xây dựng 40/50 cơ sở giết mổ theo quy hoạch, chiếm hơn 75% kế hoạch đề ra. Trong đó, có 33 cơ sở giết mổ được Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) hỗ trợ đầu tư.
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai xây dựng 40/50 cơ sở giết mổ theo quy hoạch, chiếm hơn 75% kế hoạch đề ra. Trong đó, có 33 cơ sở giết mổ được Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, việc hoàn thành mục tiêu quy hoạch giết mổ hiện đang gặp rất nhiều khó khăn vì các dự án còn lại chưa thu hút được nhà đầu tư.
Nguyên nhân chính là do tình trạng giết mổ lậu vẫn hoành hành, cạnh tranh khiến các lò giết mổ được cấp phép gặp khó khăn, thua lỗ. Tỉnh đang tập trung các giải pháp đồng bộ để dẹp lò mổ lậu; trong đó, xây dựng chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ là lời giải căn cơ cho bài toán khó này. Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án Lifsap về tình hình kiểm dịch và kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh năm 2018, sản lượng heo thịt trung bình của tỉnh đạt trên 12,3 ngàn con/ngày. Trong đó, gần 2,6 ngàn con được giết mổ tại các lò mổ có phép tại Đồng Nai, trên 6,9 ngàn heo được kiểm dịch. Như vậy, trung bình mỗi ngày có gần 2,8 ngàn con heo chưa qua kiểm soát của ngành thú y (tỷ lệ gần 22,7%).
Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, tính đến tháng 9-2018, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện được 44 điểm giết mổ lậu, tăng 14 điểm so với tháng 8-2017 và tăng 4 điểm so với tháng 3-2018. Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất cho rằng do chế tài xử lý còn quá nhiều kẽ hở, mức xử phạt chưa đủ răn đe. Ông Tùng so sánh: “Một cơ sở giết mổ lậu có bị bắt 2 lần/tháng, đóng phạt vài triệu đồng/lần thì vẫn có lợi nhuận. Huyện Thống Nhất có 2 trường hợp giết mổ lậu bị lập biên bản xử phạt hành chính mà chủ lò mổ lậu không chấp hành, nhưng cơ quan chức năng địa phương lại rất khó khăn khi muốn sử dụng biện pháp cưỡng chế”.
Cùng quan điểm, Đại úy Bùi Trường Sơn, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh cho biết: “Những trường hợp giết mổ lậu tái phạm bị xử lý, lợi nhuận 1 ngày cũng đủ tiền đóng phạt. Đơn vị từng triệt phá một đường dây thu mua heo bệnh, heo chết từ huyện Thống Nhất đưa lên TP.Biên Hòa giết mổ, tiêu thụ nhưng không thể khởi tố hình sự do chưa có quy định”.
Đánh giá hiệu quả đầu tư cơ sở giết mổ tập trung của Ban quản lý Dự án Lifsap cho thấy, hiện công suất hoạt động thực tế của các cơ sở giết mổ tập trung đạt chưa đến 50% so với công suất thiết kế. Không ít cơ sở giết mổ Lifsap đang hoạt động thua lỗ, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản do không cạnh tranh lại với lò giết mổ lậu.
Bình Nguyên