Báo Đồng Nai điện tử
En

Xem lại việc phát triển chăn nuôi heo, gà

08:10, 09/10/2018

Gần đây, HĐND tỉnh tổ chức giám sát về môi trường chăn nuôi tại 2 huyện Thống Nhất và Xuân Lộc. Đây là 2 vùng có tổng đàn heo, gà lớn nhất tỉnh và cũng là nơi đang khiến nhiều người dân bức xúc vì tình trạng nước thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Gần đây, HĐND tỉnh tổ chức giám sát về môi trường chăn nuôi tại 2 huyện Thống Nhất và Xuân Lộc. Đây là 2 vùng có tổng đàn heo, gà lớn nhất tỉnh và cũng là nơi đang khiến nhiều người dân bức xúc vì tình trạng nước thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Dù tỉnh, huyện, xã đã phối hợp để phát hiện, xử lý các trang trại cố tình gây ô nhiễm, nhưng thực tế vẫn chưa “trị” được tận gốc. Điều đáng nói là những trang trại có nước thải, khí thải gây ô nhiễm nghiêm trọng phần lớn là của các công ty đầu tư để nuôi gia công cho doanh nghiệp nước ngoài (FDI) hoặc cho doanh nghiệp FDI thuê chuồng trại để nuôi. Tổng đàn heo, gà của tỉnh thời gian qua liên tục tăng, vượt xa so với quy hoạch của tỉnh đến năm 2020. Cụ thể là tổng đàn heo hiện đã vượt trên 400 ngàn con.

Một câu hỏi được nhiều đại biểu trong đoàn giám sát đặt ra là: UBND tỉnh và các huyện liên tục cấp phép cho các công ty trong và ngoài tỉnh xây dựng hàng loạt các trang trại chăn nuôi để gia công cho những công ty FDI thì địa phương được những lợi ích gì? Câu trả lời là ngoài tổng đàn gia súc, gia cầm tăng quá cao so với quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh và trở thành nơi có tổng đàn heo, gà lớn nhất cả nước, thì địa phương nhận được rất ít lợi ích từ việc phát triển này. Thế nhưng, hậu quả khi các trang trại không chấp hành đầy đủ việc bảo vệ môi trường lại rất nặng nề. Nhiều con sông, suối bị ô nhiễm khiến cả ngàn hécta cây trồng không có nước tưới, hoặc phải tưới nguồn nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nông sản. Tỉnh, huyện cũng đã “mạnh tay” trong xử phạt các trang trại gây ô nhiễm với mức phạt lên đến gần 800 triệu đồng/trang trại và buộc ngưng hoạt động trong một thời gian. Tuy nhiên, chi phí đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn trong chăn nuôi heo của mỗi trang trại từ vài tỷ đồng trở lên, do đó không ít trang trại vẫn tìm cách “đối phó” chưa xử lý nước thải đạt chuẩn trước khi xả ra môi trường. 

Theo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Ngọc Tuấn, UBND tỉnh, huyện nên xem xét lại, hạn chế việc cấp phép xây dựng và mở rộng thêm các trang trại chăn nuôi heo. Những trang trại đã cấp phép phải được giám sát thật nghiêm ngặt, trường hợp chưa xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải thì không cho thả đàn để chăn nuôi. Quá trình các trại hoạt động cũng phải thường xuyên lấy mẫu kiểm tra xem nước thải xử lý có đạt chuẩn hay không. Có như vậy môi trường chăn nuôi mới được kiểm soát và hạn chế được ô nhiễm.

Khánh Minh

Tin xem nhiều